Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đà Lạt đâu chỉ đứng trước thách thức ngập nước…

Nguyễn Đước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đã đến lúc thành phố Đà Lạt cần phải nghiêm túc đánh giá, nghiên cứu và nhìn nhận những vấn đề của chính mình để phát triển một cách bền vững mà không đánh mất đi giá trị, bản chất vốn có. Giữ vững thành phố (TP) Đà Lạt vốn có như trước đây cũng chính là giữ chân du khách quay trở lại.

Hiện trường vụ phá rừng ở xã Tà Nung, Đà Lạt. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong vài năm trở lại đây, có lẽ đối với nhiều “tín đồ” thích đi du lịch và thích khám phá, tham quan, du lịch tại TP Đà Lạt như chúng tôi có lẽ không khó để có thể nhận thấy thành phố cao nguyên này đã không còn nguyên vẹn như bản chất vốn có của nó như trước kia. Nhiều người đã phải thốt lên rằng  Đà Lạt đã thay đổi quá nhiều.

Nếu như chịu khó quan sát tại một số tuyến đường vào trung tâm, nhiều năm trước vốn thông thoáng, yên tĩnh, ngoài nhà dân thì hiện nay nhiều mặt tiền đường khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng mọc lên san sát nhau để kinh doanh dịch vụ lưu trú. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú được xây dựng để kinh doanh nhưng lại thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ, không có tầng hầm hoặc chỗ đậu xe ô tô cho khách.

Vì thế không khó để có thể nhìn thấy những chiếc xe ô tô đành phải tấp vào trong ngõ hẻm, đậu trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường phía trước khách sạn, trong khi con đường phía trước các cơ sở lưu trú đã quá nhỏ hẹp.

Có thể thấy, vỉa hè vào các đoạn đường của trung tâm Đà Lạt hay phía trước các khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú dường như luôn trong tình trạng quá tải, nhất là vào những ngày lễ, Tết. Đây là điều mà khách tham quan, du lịch tnhư chúng tôi chưa từng thấy bao giờ nếu so với cách đây nhiều năm về trước.

Đà Lạt đã đánh mất sự yên bình vốn có là điều khiến du khách bận tâm, lo ngại và phiền lòng. Trung tâm thành phố giờ đây rất ồn ào, thậm chí là mất trật tự hơn rất nhiều so với trước. Có thể nói thành phố mộng mơ này đang bị ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng.

Ngoài tiếng ồn ào của động cơ xe cộ, có những thời điểm khách tham quan, du lịch lưu trú tại khách sạn như chúng tôi bị phá vỡ sự nghỉ ngơi, yên tĩnh bởi tiếng ồn ào do việc hát hò karaoke với âm thanh quá cỡ từ những điểm kinh doanh dịch vụ kế bên. Nhiều điểm kinh doanh karaoke, điểm sinh hoạt hát với nhau gây ồn ào với âm thanh quá mức dù đã quá giờ quy định nhưng vẫn không thấy bị nhắc nhở.

Chưa hết, tại các tuyến đường vào trung tâm TP Đà Lạt, đặc biệt là tại vòng xoay bờ Hồ Xuân Hương có thời điểm du khách như chúng tôi chứng kiến tình trạng ken cứng  người và xe cộ. Dòng người và xe cộ dường như có lúc phải nhích dần từng chút một trong tiếng ồn ào của động cơ, khói bụi của sự ô nhiễm, tạo ra một không gian hỗn tạp mà nhiều năm trước đây khách tham quan, du lịch tại trung tâm Đà Lạt chưa hề nhìn thấy.

Một khu du lịch xây dựng trái phép trên tuyến đường Hoa Phượng Tím, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (phường 3, thành phố Đà Lạt), bị buộc tháo dỡ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Quan sát, tình trạng kẹt xe, ùn tắt có khi nghiêm trọng hơn và thường xuyên xảy ra tại các đoạn đường ở vòng xoay Chi Lăng, đường 3 tháng 2, ngã 4 Phan Chu Trinh, ngã 5 đại học Đà Lạt...có lúc cũng đã trở nên kẹt cứng và quá tải mỗi khi xe ô tô của chúng tôi chạy ngang qua đây và phải nhích từng chút một.

Một người thân của tôi sinh sống ở trung tâm Đà Lạt cho biết thêm, một vài năm trở lại đây, tình trạng ùn tắt, kẹt xe không còn là chuyện lạ, chuyện hiếm nữa mà đã trở thành "cơm bữa", nhất là các đoạn đường vào trung tâm thành phố. Ngày thường còn kẹt xe, ùn tắc nghiêm trọng huống hồ chi là trong những ngày nghỉ lễ tết thì khỏi phải nói, tại các con đường lớn ở trung tâm tình trạng ùn tắt, kẹt xe lại càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi lượng người, du khách từ các nơi đổ về.

Cách đây nhiều năm báo chí đã từng đưa tin nhiều rừng thông, đồi núi của Đà Lạt đã bị san lấp, hàng trăm cây thông già, có tuổi đời đã bị cưa chặt, đốn hạ để lấy đất xây nhà, xây trang trại nhà kính hay trồng hoa màu. Những dải nhà cao tầng, nhà kính, những khu khách sạn, cơ sở lưu trú thi nhau xây dựng và mọc lên san sát nhưng thiếu quy hoạch và đồng bộ, người Đà Lạt sắm nhiều ô tô hơn.

Và, câu chuyện Đà Lạt biến thành sông, bị ngập nặng sau mưa lớn tại tuyến đường lớn của trung tâm như đường Phan Đình Phùng cách đây mấy ngày có lẽ không phải là chuyện mới mà đã được dự báo nhiều năm qua và là hệ quả tất yếu của việc đánh đổi môi trường để phát triển. Đó là hệ quả tất yếu của việc đua nhau xây dựng, làm trang trại, nhà kính…nhưng thiếu quy hoạch và tầm nhìn tương lai về môi trường đô thị cũng như sự phát triển về kinh tế phải đi đôi với sự hòa hợp của tự nhiên.

Đã đến lúc chính quyền và người dân thành phố Đà Lạt cần phải nghiêm túc đánh giá, nghiên cứu và nhìn nhận lại vấn đề, nhìn nhận lại mình để phát triển một cách bền vững mà không đánh mất đi giá trị, bản chất vốn có của nó. Giữ cho Đà Lạt vốn có như trước đây cũng chính là giữ chân du khách quay trở lại.

2 BÌNH LUẬN

  1. Giờ mình đâu vào TP Đà Lạt lưu trú nữa, qua mấy vùng ven tốt hơn, lên đó để sống với thiên nhiên chứ vào nhà ống ăn cơm quán bình dân làm gì?

  2. Đối với người dân chúng tôi, Đà Lạt là nơi để nghỉ dưỡng, sống chậm chớ không cần các dịch vụ như TP HCM hay Nha Trang v.v Nhưng bây giờ lượng khách quá đông khiến Đà Lạt trở nên ồn ào náo nhiệt, nên giữ nguyên Đà Lạt không cho xây dựng thêm nhà cao tầng nữa và xây dựng thêm một thành phố vệ tinh kế bên Đà Lạt. Nơi này sẽ tập trung xây các khách sạn cho du khách ở, bãi đậu xe cho ô tô, xe khách. Khách ở đây muốn vào Đà Lạt sẽ đi xe buýt miễn phí, còn xe ô tô muốn vào Đà Lạt trực tiếp phải đóng phí rất đắt. Cam đoan Đà lạt sẽ trở lại yên bình như cũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới