(KTSG) - Sau Đà Lạt, một thời hương xa; Đà Lạt, bên dưới sương mù; Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ; khảo luận Đà Lạt, thành phố trong album được giới thiệu là cuốn cuối cùng trong bộ tứ (tetralogy) biên khảo về thành phố Đà Lạt của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.
- Làm rõ khả năng cân đối vốn đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt
- Đà Lạt: gần 860 hecta đất trồng hoa phục vụ dịp Tết
Đà Lạt, thành phố trong album là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về thành phố cao nguyên Đà Lạt. Một công trình khảo luận về “phong cảnh, phong vị, con người và thời cuộc”, tiếp nối mạch khảo cứu của anh về “thiên đường đã mất” - Đà Lạt.
Gọi là “thiên đường đã mất” vì thành phố ngàn thông trong mắt du khách lần đầu đặt chân đến đây chắc hẳn đã khác rất nhiều so với những miêu tả trong sách vở, thơ ca nhạc họa. Một thành phố du lịch nơi mọi thứ đều được dựng lên dường như chỉ phục vụ du khách, với những quán cà phê ven đồi bán nước giải khát là phụ nhưng bán phông nền chụp ảnh đăng mạng xã hội là chính.
Khép lại chuyến lữ hành
Nguyễn Vĩnh Nguyên mở đầu Đà Lạt, thành phố trong album bằng tản mạn “Tràng hoa phù thế”. Như thể để nhắc nhở về cái đời sống phù áo của con người, của thành phố, của tất tật những đền đài, khách sạn, nhà nghỉ, với những người Pháp đầu tiên đến đây dựng xây một thành phố nghỉ dưỡng tới những du khách trẻ trung, năng động của thế kỷ 21 tìm về thành phố này như tìm lại thiên thai, tìm lại một huyền thoại giữa thế gian phù thế.
Hai chữ phù thế đó làm tôi nhớ đến tiểu thuyết Một họa sĩ phù thế (An Artist of the Floating World) của Kazuo Ishiguro. “Cuốn album” bằng chữ này cũng có thể gọi là “cuốn album phù thế” vậy.
Nguyễn Vĩnh Nguyên nhắc lại câu A. Baudrit hỏi Élie Joseph Marie Cunhac trong cuộc phỏng vấn trên tuần báo Indochine số 108, ngày 10-2-1944: “Thế còn hồ, một vòng hoa trang điểm của Đà Lạt, ai và khi nào bắt tay xây dựng nó?” (sđd, tr.15) để cho thấy hồ được nhìn nhận là bộ phận không thể thiếu trong cảnh quan chung của Đà Lạt, “tạo nên nhịp sống chậm rãi của một đô thị; mở ra sự khoáng đạt của không gian công cộng nhưng lại chưng cất những khoảng riêng tư để thành phố trở nên vừa cởi mở lại vừa quyến rũ (sđd, tr.22).
Từ những hồ, tác giả mở rộng tầm quan sát của mình đến phong cảnh đồi núi, ngôi trường Pháp đầu tiên, sắc độ của khói sương, mái chùa xưa… như muốn thu nhiếp vào ánh nhìn cuối toàn bộ không gian (và cả thời gian Đà Lạt), một ánh nhìn man mác nhưng đồng thời cũng thanh thản, nhẹ nhàng đi xong một hành trình tính bằng cả thập niên viết về đất và người Đà Lạt. Khảo luận Đà Lạt, thành phố trong album được giới thiệu là cuốn cuối cùng trong bộ tứ (tetralogy) biên khảo về thành phố Đà Lạt của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Phải chăng vì thế mà tác phẩm này mới có tên Đà Lạt, thành phố trong album? Một cuốn album chứa đựng những hình đầy hoài niệm, gợi nhớ về một thời quá vãng. Những hình ảnh bắt lấy một khoảnh khắc, cắt nó ra khỏi thực tại, khỏi không gian và thời gian của nó để đóng khung vĩnh viễn vào thời gian, mà thời gian là một bức tường vững chắc và rộng vô cùng có thể ôm ấp tất cả, dung chứa tất cả.
Ta ngồi trong một căn phòng mùa đông, nhìn ra rừng thông, đặt trên đùi cuốn album cũ và tự hỏi những người trong ảnh giờ chắc già lắm rồi? Phong cảnh trong ảnh liệu có đổi thay chăng? Cùng với đó là những hồi ức về con người, phong vị, ký ức về một thành phố tự nó đã là vương quốc ký ức của biết bao nhiêu người.
Chính vì thế, tác giả đã trích dẫn Susan Sontag làm đề từ: “Mọi ảnh chụp đều là memento mori - những lời nhắc nhở đến sự chết. Chụp một bức ảnh là tham dự vào sự chết, tổn thương và biến thái của một người hoặc một vật nào khác. Chính vì việc làm dừng hình ảnh một lát cắt thời gian là lưu giữ nó, tất cả ảnh chụp đều là minh chứng cho sự tan chảy không ngừng của thời gian”.
Qua những hình ảnh nổi trôi
Giữa khung cảnh Đà Lạt không thể thiếu vắng câu chuyện về những con người và thời cuộc. Trong Đà Lạt, thành phố trong album ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh ông Trưởng Ty, được tác giả khắc họa như một nhân vật văn học đáng nhớ.
Ông Trưởng Ty làm ở Ty Thông tin Đà Lạt dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, ông cũng không rời Đà Lạt. Cuộc đời ông cũng giống đa phần người Việt Nam trong thế kỷ 21, một cuộc đời luân lạc, xê dịch, nổi trôi giữa những biến thiên của thời đại, trước cơn gió thời cuộc liên lục đổi chiều mà ông chỉ như một thân cỏ lau ven hồ. Nhưng dù chỉ là một thân cỏ lau, ông cũng không vì thế mà đổi mình theo chiều gió. Chính vậy, lịch sử nhỏ của con người bình thường ấy lại cộm lên giữa trang lịch sử lớn của đất nước. Một lịch sử nhỏ cũng quay cuồng trong cơm áo, mưu sinh, trong những câu chuyện văn hóa văn nghệ.
Như trong tiểu thuyết, “Chuyện ông Trưởng Ty” mở đầu (và lặp lại ở kết thúc) bằng hình ảnh “Một buổi chiều mùa đông giá rét của năm 1957, một chiếc xe Willys Jeep màu xám chậm chạp di chuyển từ ngôi nhà Ty Thông tin trên đường Nguyễn Trường Tộ qua những con phố đìu hiu, về xóm Lò Gạch ở đường Trần Nhật Duật và dừng cạnh dăm ba cái tole của góc chợ chiều đã vắng bóng người…” (sđd, tr.180).
Ông Trưởng Ty tên Phạm Gia Triếp, “một công chức văn hóa mẫn cán”, dù chỉ là một công chức nhỏ nhưng là một công chức có tư thế đường hoàng, không màng chính trị, không phe phái. Ông cũng như thành phố ông đang sống, mang trong mình cái vẻ tĩnh tại trước mọi biến động. Một thành phố (và con người) như đông cứng trong sương giá, bất biến, chậm rãi, không buộc mình thích nghi, không đổi thay nên làm nên một phẩm cách của thành phố và con người.
Như tác giả viết trong phần Phụ lục sách: “Mỗi cuốn album mang trong mình vô số câu chuyện” (sđd, tr.292). Chính tác giả phải mất vài năm trời, xem xét những album ảnh cũ mà anh sưu tầm, sắp xếp, kết nối chúng thành một mạch. Khơi gợi từ những hình ảnh, kể câu chuyện đằng sau hình ảnh, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dẫn dắt người đọc đi từ cái không gian phẳng phiu của một bức ảnh đến một thế giới sinh động, phong phú và ẩn mật.
Điều này, nói như tác giả Đà Lạt, thành phố trong album là một cuộc “flâneur qua những hình ảnh nổi trôi”. Tác giả giải thích từ “flâneur” có nghĩa là “lang thang, ngắm nhìn trong vô định”. Từ chốn vô định đó, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã xác định hướng đi cho mình đồng thời dẫn lối cho độc giả bước vào một hành trình mà đối với anh, dường như đó là một hành trình vô tận dẫu anh đã tuyên bố kết thúc “chuyến đi Đà Lạt”. Một hành trình ròng rã qua trang sách suốt mười năm trời, lên miền sương khói Đà Lạt. Một cái tên thành phố, một địa danh, một nơi chốn dậy mùi lưu cửu của ký ức, một huyền thoại. Hoặc có thể Đà Lạt là tất cả những điều đó. Sau rốt, nó là thành phố cho người ta đắm say, dẫu chỉ đến với nó trên trang sách.