(KTSG Online) – Theo kết quả khảo sát mới đây nhất của Outbox – đơn vị nghiên cứu và tư vấn về du lịch – cho thấy chỉ số hấp dẫn điểm đến (IDDA) của Đà Nẵng trong quí 3-2023 (cũng là cao điểm của du lịch) ở mức cần cải thiện.
- Ba cầu cảng bến Tiên Sa (Đà Nẵng) được tiếp nhận tàu container
- Kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước
Mặc dù chỉ số hài lòng du khách và chỉ số độ tự tin của doanh nghiệp ở mức cao, tuy nhiên chỉ số kết quả hoạt động doanh nghiệp không như kỳ vọng.
Báo cáo mức độ hấp dẫn điểm đến Đà Nẵng là một trong những hoạt động nằm trong thoả thuận hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng và công ty TNHH Outbox, nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và quản lý điều hành điểm đến Đà Nẵng thông qua ứng dụng dữ liệu thị trường.
Kết quả dựa trên đánh giá của hai nhóm đối tượng là khách du lịch trong – ngoài nước và các doanh nghiệp du lịch.
Cụ thể, Đà Nẵng vẫn là địa điểm du lịch nghỉ dưỡng được nhiều khách du lịch lựa chọn với 69,9% du khách đến thành phố biển miền Trung với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng. Mặc dù khách du lịch với mục đích tham gia hội thảo, hội nghị (MICE) chiếm tỷ lệ nhỏ (5,4%), nhưng đây là nhóm đối tượng tiềm năng, và hiện tại thành phố cũng đang hướng đến phát triển du lịch MICE.
Tỷ lệ du khách quay trở lại Đà Nẵng khá cao với 46,6% du khách được khảo sát từng có trải nghiệm ở điểm đến này trước đây.
Về chỉ số hài lòng trung bình ở các nhóm trải nghiệm, du khách được khảo sát về bốn dịch vụ bao gồm cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, bãi biển và điểm tham quan. Nhìn chung, cả bốn nhóm có mức điểm cao, không quá chênh lệch nhau trong khoảng 4,8 – 6,1 điểm trên thang điểm 7.
Cụ thể, dịch vụ lưu trú được du khách đánh giá cao nhất, trong khi đó khối nhà hàng, ăn uống lại có số điểm thấp nhất. Theo khảo sát, phong cách giao tiếp, phục vụ của nhân viên chỉ đạt mức điểm trung bình.
Thêm vào đó, mặc dù chỉ số hài lòng của du khách (VSAT) của điểm đến Đà Nẵng nằm ở mức tuyệt vời (81,5/100 điểm) nhưng chỉ số sẵn sàng giới thiệu cho người thân, bạn bè (NPS) chỉ nằm ở mức tạm ổn (30,5/100 điểm) cho thấy ngành du lịch thành phố vẫn cần cải thiện nhiều điều để nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng thu hút khách du lịch.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong khảo sát, lượng khách các doanh nghiệp phục vụ trong quí 3 giảm so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp không được như kỳ vọng. Chỉ có 20% doanh nghiệp Đà Nẵng hài lòng với kết quả kinh doanh trong quí 3 và 18% doanh nghiệp tự tin về triển vọng doanh nghiệp trong quí cuối năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng dự báo tình hình kinh doanh du lịch trong quí 4 sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách như số lượng khách sạn tại Đà Nẵng đang quá nhiều trong khi số lượng khách đến lại ít, dẫn đến việc cạnh tranh về giá. Các khách sạn muốn đảm bảo chất lượng cho khách hàng tuy nhiên lại không có đủ công suất và doanh thu để thực hiện duy trì dẫn đến việc đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động.
Thêm vào đó, ở giai đoạn kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này ảnh hưởng đến lưu lượng khách du lịch do họ cắt giảm chi phí dành cho du lịch.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tích Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng nhận định khó khăn sẽ chồng chất khó khăn khi năm 2024 chưa thể có sự đột phá trong thu hút các nguồn khách quốc tế. Ông giải thích, các thị trường khách quốc tế truyền thống và lớn nhất như Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ sụt giảm hơn phân nửa. Do sự cạnh tranh của các điểm đến khác trong nước, sự phục hồi chậm của các đường bay và chính sách mở cửa thận trọng của các thị trường.
Các thị trường mới được kỳ vọng nhiều như Ấn Độ, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện nay chiếm khoảng 20% thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong tương lai gần, khách từ những những thị trường này tăng không đáng kể do khó khăn về đường bay và hấp thụ của điểm đến (ẩm thực, dịch vụ đặc thù, kinh tế đêm…). Các thị trường còn lại như Mỹ, Úc, Đài Loan… ổn định với thị phần khiêm tốn.
Theo Outbox, báo cáo về mức độ hấp dẫn điểm đến Đà Nẵng trong Quí 3-2023 là cơ sở quan trọng để các cơ quan, doanh nghiệp liên quan có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện kết quả hoạt động và thúc đẩy du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững.