(KTSG Online) - Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đang mời các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng theo hình thức PPP (đối tác công tư).
Sau ngày 3-7-2022, Đà Nẵng sẽ thực hiện đăng ký hoạt động đấu thầu (trong nước và quốc tế) để chọn ra nhà đầu tư phù hợp.
Dự án dự kiến được thực hiện trong hai năm 2023 – 2024 trên diện tích đất 29.059 m2 với tổng mức đầu tư gần 803 tỉ đồng, thời gian thu hồi vốn là 12 năm 11 tháng và phí xử lý rác thải không quá 17 đô la/tấn rác.
Theo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, việc triển khai dự án góp phần đạt được mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn 2021-2025, hướng đến đô thị sinh thái qua áp dụng công nghệ xử lý chất thải tổ hợp (bao gồm phân loại, xử lý chất thải sau phân loại...), giảm diện tích chôn lấp, tạo ra các sản phẩm có ích.
Bên cạnh đó, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố. Cụ thể, năm 2019, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cần được vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (khu xử lý rác chính của Đà Nẵng) để xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 1.100 tấn/ngày.
Theo báo cáo nghiên cứu năm 2018-2019 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và theo số liệu báo cáo thực tế năm 2020 của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, dự báo đến 2025, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình mỗi ngày khoảng 1.600 - 1.650 tấn trở lên.
Như vậy, đến năm 2025 sẽ còn hơn 1.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cần được xử lý.
Về môi trường, khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm thiểu những tác động hiện trạng của hoạt động chôn lấp chất thải rắn như giảm thiểu mùi hôi, nước rỉ rác phát sinh, giảm quỹ đất chôn lấp; tăng tỷ lệ tận dụng tái chế nguyên liệu.
Hiện nay, thành phố cũng đang chuẩn bị công tác triển khai nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện (công suất 650 tấn/ngày), dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022.