(KTSG Online) – Du lịch Đà Nẵng sẽ bắt đầu quá trình phục hồi từ năm 2022, tăng tốc vào năm 2023. Đến năm 2024 và 2025, Đà Nẵng có thể phục vụ lượng khách tương đương với trước thời điểm xảy ra dịch.
Để có thể đạt được lộ trình này, Đà Nẵng phải sớm khôi phục lại gần như đầy đủ các đường bay nội địa và quốc tế đi và đến thành phố miền Trung này.
Đây là những ý kiến được ghi nhận tại Chương trình triển khai hợp tác du lịch – hàng không, xúc tiến đường bay đến Đà Nẵng do Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức hôm nay, 17-1, qua hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm cung cấp đến đối tác du lịch và hàng không của du lịch Đà Nẵng kế hoạch mở cửa đường bay quốc tế trong năm 2022 cùng các chính sách hỗ trợ hàng không hiện hành.
Dẫn thông tin dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, ông Hồ Thanh Tú, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (DATA), cho hay dự kiến đến năm 2024 ngành du lịch mới phục hồi được như năm 2019. Năm 2022 thị trường nội địa tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
“Tuy nhiên nguồn khách quốc tế thông qua đường hàng không là nguồn khách cơ bản, phát triển bền vững cho du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến”, ông Tú cho biết. “Do đó việc liên kết hàng không – du lịch hết sức quan trọng nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch quay lại sau dịch và tương trợ lẫn nhau phục hồi và phát triển hậu Covid-19.
Và để phục hồi và phát triển nhanh trở lại, một trong những đề xuất của DATA là phải thay đổi cách tuyên truyền, truyền thông để du khách nhận thấy du lịch an toàn. Xây dựng bộ tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch gọn và dễ hiểu đối với du khách quốc tế, không thể “cách ly” mà chỉ “theo dõi sức khoẻ” khi đón khách quốc tế thì mới thu hút được.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác hàng không – du lịch trong việc khởi động thành công các đường bay quốc tế, tạo cầu nối giao thương để khôi phục ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines, cho hay trong những tháng đầu năm sẽ mở lại các chuyến bay nội địa đến Đà Nẵng, rồi mới tính đến mở các đường bay nối các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Đông Nam Á bên cạnh việc nghiên cứu mở sớm đường bay đến Nga. “Nửa cuối 2022 chúng tôi sẽ mở lại tất cả đường bay nội địa đến Đà Nẵng còn lộ trình mở đường bay quốc tế sẽ phụ thuộc vào Chính phủ”, ông Trung cho hay.
Ở góc độ hạ tầng, đại diện của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết việc mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc dự kiến hoàn thành ngày 21-2-2022. Nhà ga hàng hóa mới công suất 100.000-150.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024. Nhà ga hành khách T1 sẽ được mở rộng về phía Nam đạt 14 triệu khách/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025. Với hạ tầng được nâng cấp, Đà Nẵng có thể đón nhiều hơn các chuyến bay trong nước và quốc tế.
Để hiện thực hoá việc triển khai hợp tác du lịch – hàng không, xúc tiến mở đường bay đến Đà Nẵng, trong khuôn khổ chương trình, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và Công ty cổ phần Thương mại Duy Anh (IPP Travel Retail) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc tổ chức sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á Routes Asia 2022 vào tháng 6 tới tại Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Phi Long, Tổng giám đốc IPP Travel Retail, chia sẻ việc mở cửa hàng không rất quan trọng, vì đây là lĩnh vực kết nối và ảnh hưởng đến du lịch, lưu trú…
Bên cạnh đó, theo ông Long, sự kiện Routes Asia sẽ giúp đẩy nhanh việc tiếp thị điểm đến và tăng các đường bay đến Đà Nẵng. Đây cũng là cơ hội Đà Nẵng cạnh tranh các gói bay với các thành phố khác trong khu vực.
Ông Long cũng kỳ vọng tổng lượng khách du lịch dự kiến đến Đà Nẵng vào năm 2025 là 11,6 triệu, đạt tỷ lệ tăng trưởng 4.93%. Với đóng góp của Routes Asia, tỷ lệ tăng trưởng cộng thêm 8.9% trong vòng 36 tháng.
Routes Asia 2022 dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 8-6-2022 thu hút hơn 500 đại biểu từ 110 hãng hàng không, 30 đơn vị lữ hành và hơn 1.000 cuộc họp. Đây không chỉ là sự kiện khởi động lại trao đổi hàng không quốc tế tại Đà Nẵng mà còn được dự báo sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong vòng 3 năm tới.