Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng và bài toán GRDP

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thành phố biển Đà Nẵng đang trải qua sự tăng trưởng không ổn định trong 5 năm qua nếu nhìn vào sự biến thiên của tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

GRDP của Đà Nẵng năm 2019 tăng 6,47% so với năm trước. Tỉ lệ này ở mức -9,77% năm 2020 và tăng 0,18% so với năm 2020. Qua năm 2022, tỉ lệ tăng trưởng này lên đến 14,05%, nhưng chỉ còn tăng 2,58% vào năm 2023.

Nếu bỏ qua 2 năm dịch (2020 và 2021) thì cũng có thể thấy kinh tế của Đà Nẵng đã không còn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định quanh mức 7% và 8% trong giai đoạn 2013-2018 và có sự bấp bênh nhất định.

Đà Nẵng kỳ vọng có sự tăng trưởng bền vững hơn trong những năm tới. Ảnh: Nhân Tâm

Vào cuối năm 2019, trong cuộc họp báo về kinh tế xã hội, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, từng cho biết dù có sự tăng trưởng ở hầu hết lĩnh vực kinh tế trong năm 2019, nhưng tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng thấp nhất so với 8 năm trước đó và thấp nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguyên nhân chính mà ông Vũ đưa ra là do một số ngành có sự tăng trưởng rất thấp, từ 3 đến 4%, như công nghiệp và bất động sản. Thậm chí, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng chưa đến 1% so với năm 2018. Ngay cả tăng trưởng khu vực dịch vụ của thành phố trong năm 2019 (khu vực đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế với tỷ trọng đóng góp trên 83%) cũng chỉ đạt 7,65%, thấp hơn mức tăng 8,2% của năm trước. Tăng trưởng của các ngành khác không đủ bù vào.

Qua đến 2022, Đà Nẵng là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh với GRDP bật nhảy lên con số 14,05% với quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 125.219 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 14.032 tỉ đồng. Nhưng vào buổi họp báo cuối năm ngoái ông Vũ bày tỏ sự quan ngại về duy trì mức tăng trưởng của Đà Nẵng nếu các nút thắt về đầu tư công, đầu tư nước ngoài cũng như dich vụ (chủ yếu là du lịch) không được tháo gỡ hiệu quả.

Và dường như sự quan ngại này một phần nào đúng khi hôm nay, 12-12, lãnh đạo Đà Nẵng công bố các con số tăng trưởng năm 2023 trong kỳ họp cuối năm. Theo đó, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng không cao (2,58%) so cùng kỳ năm 2022 nhưng quy mô nền kinh tế thành phố năm 2023 ước đạt hơn 134.000 tỉ đồng, tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, mức tăng trưởng này đạt được trong bối cảnh tình hình kinh tế, an ninh, chính trị thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố. Trong khi đó, việc giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách chưa đạt yêu cầu, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sụt giảm.

Và để có thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch 5 năm, Đà Nẵng cần phải đạt mức tăng trưởng 7-8% trong năm 2024. Điều thú vị là trong 5 năm qua, sau các kì họp HĐND cuối năm, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đều đưa mục tiêu tăng trưởng ở mức 7-8% cho năm sau.

Cụ thể, về mục tiêu tăng trưởng năm 2024, trong báo cáo, Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, cho hay kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Trên cơ sở ước thực hiện năm 2023 và dự báo tình hình năm 2024, thành phố dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024.

Theo đó, với kịch bản 1, GRDP, giá so sánh 2010, năm 2024 ước tăng 7-7,5%, trong đó: giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8-8,5%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 3,4-3,8%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%.

Với kịch bản 2, GRDP, giá so sánh 2010, năm 2024 ước tăng 8-8,5%, trong đó: giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 8,5-9%; giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6-6,5%, giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản ước 2-2,5%.

Để thực hiện được mức tăng trưởng trên, Đà Nẵng đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố với Chủ đề năm 2024 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội". Xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả Quyết định 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Cụ thể, Đà Nẵng tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ số… đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. GRDP/ GDP, về mặt hình thức, phụ thuộc vào hai nhân tố lớn, đầu tư và tiêu dùng. Đầu tư công thì trắc trở. Tiêu dùng thì suy giảm. Nhưng xét về bản chất, yếu tố chủ quan là quyết định. Bao gồm hai yếu tố, đầu não và đầu tàu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới