(KTSG Online) - Chi phí lao động rẻ mạt với tiền công khâu một quả bóng chỉ khoảng 0,75 đô la Mỹ đã giúp thành phố biên giới Sialkot của Pakistan trở thành “đại công xưởng” cung cấp đến 70% số lượng bóng đá cho môn thể thao vua hàng năm.
- Qatar tận dụng World Cup để đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu khí
- Vì sao doanh nghiệp châu Á đổ xô tài trợ World Cup 2022?
Pakistan, xếp thứ 194 trong bảng xếp hạng FIFA, không có mặt tại Qatar khi World Cup 2022 khai mạc hôm 20-11, nhưng những quả bóng do Pakistan sản xuất lại đang góp mặt tại sự kiện thể thao danh giá nhất thế giới này.
Nếu bạn có một quả bóng đá trong nhà, rất có thể nó đến từ Sialkot, một thành phố ở phía đông bắc Pakistan, gần biên giới vùng Kashmir của Ấn Độ. Hơn 2/3 số quả bóng đá trên thế giới được sản xuất tại một trong 1.000 xưởng ở thành phố này, bao gồm Al Rihla của Adidas, quả bóng chính thức của FIFA World Cup 2022 tại Qatar.
Tại Sialkot, khoảng 60.000 người làm việc trong ngành sản xuất bóng đá. Con số đó tương đương khoảng 8% dân số thành phố. Họ thường làm việc nhiều giờ và dùng tay khâu các miếng da lại với nhau để tạo ra quả bóng. Mỗi quả bóng truyền thống được tạo thành từ 20 miếng da hình lục giác và 12 miếng da hình ngũ giác. Chúng được nối với nhau bằng 690 mũi khâu.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quả bóng đá được sản xuất bằng kỹ thuật liên kết nhiệt, tức 32 miếng da sẽ được ghép dính lại với nhau bằng keo nóng. Những quả bóng này vẫn có chất lượng cao nhưng chi phí sản xuất rẻ hơn. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển chúng sẽ đắt hơn vì không giống như quả bóng khâu, chúng không thể xì hơi để xẹp xuống. Chúng cũng không thể sửa chữa được nếu bị hỏng.
Hơn 80% quả bóng đá được sản xuất tại Sialkot sử dụng khâu thủ công, một quy trình tốn nhiều công sức giúp quả bóng bền hơn và ổn định hơn về mặt khí động học. Khâu thủ công sẽ giúp đường khâu sâu hơn, mũi khâu căng hơn so với may quả bóng bằng máy.
Tại Công ty Anwar Khawaja Industries, một trong những nhà sản xuất bóng đá tại Sialkot, những người thợ khâu được trả công khoảng 160 rupee (khoảng 0,75 đô la Mỹ) cho mỗi quả bóng. Mỗi người thường mất 3 giờ để khâu xong một quả bóng. Với ba quả bóng một ngày, một thợ khâu có thể kiếm được khoảng 9.600 rupee (43 đô la Mỹ) mỗi tháng. Ngay cả đối với một khu vực nghèo, mức tiền công này cũng được xem là rẻ mạt. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, mức lương đủ sống ở Sialkot là khoảng 20.000 rupee (89 đô la Mỹ)/ tháng.
Hầu hết thợ khâu bóng ở đây là phụ nữ. Trong một ngày làm việc điển hình tại xưởng sản xuất của Anwar Khawaja Industries, họ có thể khâu hai quả bóng, trở về nhà nấu ăn cho con cái, sau đó, tiếp tục công việc của mình ở một ngôi làng gần đó vào buổi chiều.
Nam giới thường làm việc trong các giai đoạn khác nhau của quy trình sản xuất bóng, bao tồm chuẩn bị nguyên liệu hoặc kiểm tra chất lượng. Chẳng hạn, họ sẽ bôi chất kết dính lên các nguyên liệu dệt may để tạo thành một phần da tổng hợp của quả bóng. Các thành phần của da tổng hợp bao gồm cotton, polyester và polyurethane được mua từ các nước khác nhau.
Nguyên liệu của Trung Quốc được sử dụng cho những quả bóng rẻ nhất, trong khi nguyên liệu của Hàn Quốc được sử dụng cho những quả bóng chất lượng cao hơn. Đối với bất kỳ quả bóng nào cung cấp cho Giải vô địch bóng đá quốc gia Đức (Bundesliga) hoặc các giải đấu châu Âu khác, nguyên liệu từ Nhật Bản sẽ được sử dụng.
Sau khi được khâu xong, các quả bóng sẽ trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt để đáp ứng các tiêu chuẩn của FIFA. Chẳng hạn, chúng sẽ được kiểm tra để đảm bảo độ tròn hoàn hảo cho đường bay, độ nảy và chuyển động lăn. Mọi người trên khắp thế giới ước tính mua khoảng 40 triệu quả bóng đá mỗi năm, và doanh số bán bóng dự kiến sẽ tăng vọt trong thời gian diễn ra World Cup 2022.
Công ty Forward Sports ở Sialkot và một công ty khác của Trung Quốc, cung cấp cho FIFA ít nhất 300.000 quả bóng Al Rihla, theo tiếng Ả rập có nghĩa là “hành trình”.
Forward Sports là một trong những công ty xuất khẩu hàng đầu của Sialkot với doanh số trong năm tài chính 2021-2022 đạt gần 51 triệu đô la Mỹ. Forward Sports sản xuất khoảng 1/3 tổng lượng bóng Al Rihla.
Hassan Masood, Giám đốc Forward Sports cho biết trước đây, công ty ông cũng nhận được hợp đồng sản xuất bóng cho hai sự kiện World Cup vào năm 2014 và 2018.
Các xưởng sản xuất bóng đá ở Sialkot đã sử dụng nhiều lao động trẻ em, có khi chỉ 5 tuổi, cùng với cha mẹ của chúng và việc cấm lao động trẻ em là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp sản xuất bóng đá ở Sialkot, bởi vì nó “lấy đi toàn bộ một phần của thế hệ có kỹ năng tiềm năng,” dẫn đến tình trạng thiếu lao động hiện nay.
Theo Bloomberg, News.tv