Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đại đô thị và những giấc mơ phồn hoa

Lê Cường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hai mươi năm trước, quận còn là huyện và có những làng hoa rực rỡ sắc màu, đặc biệt là vào những tháng cuối năm. Nay cũng vùng đất đó, đi ngang qua đã là thành phố trong thành phố, nhà cửa san sát và đất đai thì lên giá vùn vụt. Đa số là người ở tỉnh mới nhập cư về sinh sống. Họ trẻ trung, việc làm ổn định, khá giả.

Tòa nhà được “đo ni đóng giày” theo phong cách nhiệt đới đương đại đáp ứng các tiêu chuẩn về thiết kế bền vững, sử dụng bê tông sợi thủy tinh nhập khẩu nguyên khối cho thiết kế mặt đứng.

Rồi mười năm trước, những vùng ven Sài Gòn bị chê ngập nước hoặc bất tiện cho việc đi lại do những dòng sông ngăn cách, nay được nâng lộ, bắt cầu, dân cư cũng đông đúc chẳng khác nào các quận trung tâm. Sự đông đúc một phần vì giao thông thuận tiện, nhưng nguyên nhân chính vẫn là dân số cơ học tăng nhanh. Thành phố thu hút lao động từ khắp cả nước về, kéo theo nhu cầu nhà ở. Cầu tăng mà cung giới hạn làm cho giá cả tăng mau nên ai cũng tranh thủ mua nhà, kể cả vay thêm tiền ngân hàng vì tâm lý lo sợ đến một ngày nào đó giá nhà lên cao quá thì giấc mơ sở hữu một ngôi nhà sẽ trở nên xa vời. Nhìn sang các thành phố lớn khác như Tokyo hay Hồng Kông với đa số người trẻ ở tỉnh về làm chỉ có khả năng thuê nhà mà quan ngại.

Dòng người ở các tỉnh trong cả nước vẫn đổ về Sài Gòn không ngớt. Biết mười gia đình ở tỉnh thì hết tám, chín gia đình giờ chỉ còn lại hai vợ chồng già. Các con họ đi đâu? Đa số vẫn là lên Sài Gòn học rồi ở lại làm việc. Nông thôn vắng bóng thanh niên đã đành, đến những đô thị ở tỉnh lẻ cũng dần vắng bóng thanh niên. Ngoài lý do ở quê khó tìm việc làm, thì sức hút ở lại các thành phố lớn vẫn là nguyên nhân chính. Niềm vui bên ngoài công việc và sự sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu về vật chất và tinh thần luôn là một lực hút giữ chân mọi lứa sinh viên ra trường và bạn bè của họ.

Với dân số đông làm cho mọi nhu cầu đều lớn, những người lao động năng động ở các thành phố lớn dễ xoay xở hơn trong cuộc mưu sinh. Họ có thể bán hàng online, chạy xe công nghệ hoặc kinh doanh nhỏ lẻ nếu chưa tìm được công việc đúng với chuyên môn đã học. Với sự trợ lực của nghề tay trái và niềm hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp, tương lai của thế hệ kế tiếp… luôn tiếp sức cho họ tiếp tục thực hiện giấc mơ nơi phồn hoa đô hội.

Cuộc hội tụ về thành phố lớn như nước chảy về chỗ trũng. Tỉnh lẻ khó cạnh tranh với các đại đô thị bởi sự không đồng bộ ở đó, từ quy hoạch phát triển và từ yếu tố lịch sử để lại. Chỉ riêng việc không có trường đại học có chất lượng ở tỉnh lẻ đã là một nguyên nhân quan trọng cho việc di dân cơ học. Sau bốn năm học đại học ở một thành phố lớn, tuổi trẻ đã quen và yêu mến cuộc sống ở đó. Rồi dịch vụ giải trí, rồi cơ hội việc làm, rồi những mối quan hệ thân tình vừa xây đắp… đã níu chân người ở tỉnh khác ở lại với vùng đất mới.

Sống ở thành phố lớn có khắc nghiệt không? Ai cũng có thể trả lời dễ dàng là áp lực lắm. Nhưng ở từng độ tuổi, từng tính chất công việc mà sự cảm nhận khác nhau. Và từng chu kỳ kinh tế cũng cho người ta những sức ép khác nhau. Mới đây thôi dân văn phòng ngồi than rồi đây AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ đẩy hàng loạt lao động ra đường. Biết về đâu khi tuổi lao động đã cao mà cuộc khủng hoảng thừa cứ kéo dài ra mãi?

Đi qua những năm tháng định cư ở thành phố lớn, thấy có sự phân hóa rõ rệt. Những người có điều kiện học hành lại gặp lúc kinh tế đang phát triển, họ trở nên thành công và có tất cả những thứ trong giấc mơ của những người từ quê lên phố định cư. Nhìn những thống kê nhà trọ bỏ trống hoặc công ty không tuyển được công nhân có thể cảm nhận được những người lao động phổ thông đã có sự dịch chuyển ra vùng ven hơn hoặc sang tỉnh khác. Những cuộc dịch chuyển và đổi thay ngoài ý muốn. Và đâu đó cũng khép lại những giấc mơ được sống ở một đô thị phồn hoa. Có thể, rất nhiều năm, về địa điểm sống thì đúng là đã trong lòng thành phố nhưng họ chưa tận hưởng được những giá trị về vật chất và tinh thần đầy đủ, đúng nghĩa mà giới nghiên cứu có thể cảm nhận được. Đó là những cuộc đi ngang và dừng lại chẳng mấy thong dong như người cưỡi ngựa xem hoa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới