Thứ Tư, 26/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đại học UEH tái cấu trúc, thành lập nhiều trường trực thuộc theo hướng đa ngành

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cụm từ “UEH” không còn là tên viết tắt của Trường Đại học Kinh tế TPHCM, mà sẽ là tên riêng trong mô hình hoạt động giáo dục “trường trong trường”, dự kiến sớm triển khai trong thời gian tới.

Trao đổi với báo chí sáng ngày 21-10, lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết trường đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc với rất nhiều thay đổi, từ mô hình hoạt động cho đến bộ nhận diện thương hiệu.

Theo đó, Đại học Kinh tế TPHCM (tên viết tắt là UEH trước đây) sẽ đổi tên thành Đại học UEH, đồng thời thành lập nhiều trường trực thuộc theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Cụ thể, ngay trong năm nay, Đại học UEH sẽ thành lập ba trường trực thuộc bao gồm Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước và Trường Công nghệ Và Thiết kế, dựa trên cơ sở sắp xếp các bộ môn hiện hữu và có thêm những lĩnh vực đào tạo mới.

GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường UEH. Ảnh: D.N.

Trong giai đoạn 2022-2025, trường sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập Đại học UEH, theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Còn giai đoạn 2026-2030 sẽ nghiên cứu thành lập trường quốc tế trên cơ sở Viện Đào tạo quốc tế ISB hiện nay, đồng thời dự kiến nâng cấp phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học của khu vực ĐBSCL (chưa có tên cụ thể).

Theo GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường UEH, Đại học Kinh tế TPHCM ra đời trong giai đoạn hình thành nhiều trường đại học đơn ngành ở thành phố như Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, sau 45 năm hoạt động, UEH đánh giá rằng thị trường giáo dục đại học đang thay đổi mạnh mẽ.

Theo đó, quá trình hội nhập kinh tế và công nghệ đã làm thay đổi nhu cầu của thị trường. Hoạt động nghiên cứu cần nhiều kiến thức hơn về công nghệ, cần đa ngành chứ không chỉ là kinh tế đơn thuần. Còn nhu cầu người học cũng thay đổi theo xu hướng tiếp cận những lĩnh vực mới, ưu tiên chất lượng đào tạo và kết nối quốc tế.

“Trường đơn ngành không đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai”, ông Phong nói.

Theo lãnh đạo Đại học UEH, từ tháng 11 mô hình mới sẽ được vận hành sau hơn một năm chuẩn bị, theo hướng tinh gọn khối quản lý và sẽ còn tiếp tục điều chỉnh để tăng tính hiệu quả. Đội ngũ giảng viên, nguồn nhân lực cùng quy mô tuyển sinh trong vòng 1-2 năm tới sẽ chưa biến động nhiều.

Thành lập năm 1976, hiện Đại học UEH có khoảng 800 giảng viên, viên chức và người lao động, khoảng 30.747 sinh viên và 240.000 cựu sinh viên.

Đổi tên và logoTrường Đại học Kinh tế TPHCM (viết tắt UEH) sẽ đổi tên gọi thành Đại học UEH, có nhiều trường thành viên. Trường cũng đã đổi bộ nhận diện thương hiệu, bao gồm logo, định vị thương hiệu Đại học UEH hướng đến đa ngành và bền vững. GS. Sử Đình Thành, Hiệu trưởng UEH, lý giải lãnh đạo trường quyết định giữ lại tên gọi UEH vì đây là thương hiệu mạnh trên thị trường, được sử dụng nhiều trong hoạt động nghiên cứu, các chương trình hợp tác và  trao đổi quốc tế. Thêm nữa, tên miền UEH cũng nằm trong hệ thống website có lượng truy cập lớn. “Tên gọi Đại học UEH sẽ là một tên riêng với nhiều ý nghĩa đặc biệt và là lựa chọn tốt để phát huy các giá trị truyền thống, giúp nhà trường tiếp tục phát triển trên con đường sắp tới”, ông Thành cho biết.

2 BÌNH LUẬN

  1. Trước khi thay đổi mô hình nên đổi cái tên UEH trước đã. Tên và tuổi gắn với tầm vóc của Đại học Kinh tế TPHCM, cần phải xứng đáng được vinh danh không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

  2. Có cần thiết là đại học trong đai học không hay chỉ cần thành lập các khoa, ngành sát với thực tế nhu cầu. Chất lượng đào tạo, kết quả đầu ra và đào tạo chuyên sâu là được rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới