Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đại lý ngân hàng – ‘cuộc chơi’ mới đang thành hình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại lý ngân hàng - 'cuộc chơi' mới đang thành hình

Thụy Lê

Đại lý ngân hàng - 'cuộc chơi' mới đang thành hình(KTSG) - Ngoài định hướng phát triển của Chính phủ và lợi ích lớn hơn trong mối tương quan với rủi ro, có lẽ đã đến lúc các ngân hàng đẩy mạnh kênh đại lý ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng có thể tận dụng mạng lưới của doanh nghiệp có quan hệ sẵn, các ngân hàng còn lại sẽ phải cạnh tranh để lựa chọn những đối tác ưng ý cho riêng mình.

Techcombank sẽ tích hợp các dịch vụ tài chính tại các cửa hàng vừa giúp tăng độ phủ kênh phân phối vừa nhằm nâng trải nghiệm của khách hàng. Ảnh: HOÀNG TÂN

Định hướng được khuyến khích

Kết hợp triển khai dịch vụ tài chính với One Mount Group, Vinmart và Vinshop đang là bước đi kế tiếp của Techcombank. Theo đó ngân hàng này sẽ tích hợp các dịch vụ tài chính tại các cửa hàng Vinmart và Vinmart+, vừa giúp tăng độ phủ kênh phân phối vừa nhằm nâng trải nghiệm của khách hàng. Có thể nói đây là hình thức phát triển kênh đại lý ngân hàng của Techcombank cho giai đoạn tới.

Về cơ bản, hoạt động đại lý ngân hàng thường được triển khai tại những khu vực vùng sâu vùng xa. Theo đó, các ngân hàng sẽ cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng để cung cấp những dịch vụ tài chính cơ bản cho khách hàng, trong đó việc phát triển và cung ứng sản phẩm, quản lý, duy trì tài khoản khách hàng và quản trị rủi ro vẫn thuộc trách nhiệm chính của ngân hàng, còn nhiệm vụ phân phối sẽ thuộc về các đại lý.

Mô hình đại lý ngân hàng không còn xa lạ ở nhiều quốc gia, nhưng mới được chú ý phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, với mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt được ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính.

Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nội dung quan trọng mà Thủ tướng đã phê duyệt chính là việc hướng tới phát triển mô hình đại lý ngân hàng nhằm mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ ngân hàng đến gần với người dân ở các vùng chưa hoặc ít có dịch vụ ngân hàng.

Giai đoạn 2014-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai thí điểm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn với ba mô hình đại lý ngân hàng, gồm MBBank-Viettel, PG Bank-Petrolimex, Vietcombank-M_Serive (chủ sở hữu ví điện tử Momo). Hay như LienVietPost Bank cũng đã tận dụng các điểm giao dịch bưu cục liên kết để phát triển dịch vụ tiết kiệm bưu điện, dịch vụ thu hộ, chi hộ,...

Lợi ích và rủi ro

Lợi ích đầu tiên dễ thấy nhất của chiến lược phát triển kênh đại lý ngân hàng là giúp các ngân hàng mở rộng thêm kênh phân phối các sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa được khai thác.

Lợi ích thứ hai là tiết kiệm đáng kể chi phí. Nếu như việc mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch thường đi kèm với chi phí đầu tư ban đầu lẫn chi phí vận hành khá tốn kém, trong khi hiệu suất có thể ở mức thấp do khu vực nông thôn chủ yếu là các giao dịch nhỏ lẻ với giá trị thấp, thì chính sách mở đại lý ngân hàng sẽ tối ưu hơn, do chi phí thành lập một đại lý chỉ bằng 2-4% chi phí của một chi nhánh ngân hàng, trong khi hiệu suất hoạt động cũng có thể tốt hơn.

Lợi ích thứ ba là giúp giảm áp lực tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng. Theo Thông tư 21/2013/TT-NHNN, số lượng chi nhánh được thành lập phải đi theo vốn điều lệ của ngân hàng (chi nhánh tại TPHCM và Hà Nội quy định vốn điều lệ tối thiểu phải 300 tỉ đồng/chi nhánh, các tỉnh thành khác là 50 tỉ đồng/chi nhánh).

Cuối cùng, không thể không kể đến những lợi ích về tài chính, từ việc có thể gia tăng nguồn vốn không kỳ hạn cho đến tăng cường các nguồn thu phí dịch vụ như phí thanh toán, chuyển tiền, thu chi hộ,... Như ông Danny Le, CEO Masan Group, từng chia sẻ đến năm 2025, nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỉ đô la tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng.

Tuy mô hình đại lý ngân hàng có rủi ro thấp do hoạt động đại lý ngân hàng chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản và hạn chế, nhưng dĩ nhiên các đại lý này cũng không thể tránh khỏi những rủi ro hiện tại mà bất kỳ một đơn vị giao dịch nào của ngân hàng cũng phải đối mặt, từ rủi ro thanh toán, tín dụng, hoạt động, pháp lý, tài chính, danh tiếng, cho đến các rủi ro liên quan đến công nghệ, rửa tiền/tài trợ khủng bố... Đáng lưu ý là tổ chức chủ quản, tức ngân hàng, phải chịu trách nhiệm đối với việc quản lý có hiệu quả tất cả những rủi ro phát sinh trong hoạt động đại lý cho ngân hàng.

Ngoài ra, những rủi ro này sẽ tùy thuộc vào phạm vi chức năng hoạt động của đại lý được ủy quyền, cũng như khả năng được đào tạo mà các đại lý nhận được từ ngân hàng (nếu có). Gần đây, NHNN cũng đã cho phép mở rộng phạm vi các dịch vụ ngân hàng mà bên đại lý ngân hàng thay mặt ngân hàng cung cấp cho khách hàng, thay vì chỉ hai dịch vụ thanh toán và chuyển tiền như cấp phép thí điểm hiện nay, do thực tế cho thấy hai dịch vụ cơ bản này dù tiềm ẩn không ít rủi ro nhưng đều được báo cáo lên NHNN là an toàn và không phát sinh rủi ro sau giai đoạn triển khai nhiều năm qua.

Song song đó, NHNN cũng đang sửa đổi các quy định khác có liên quan đến hoạt động của mô hình đại lý ngân hàng cho phù hợp, đặc biệt là những quy định về phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố, những quy định về tiền điện tử, quy trình nhận biết khách hàng (KYC).

Cuộc chơi mới

Ngoài định hướng phát triển của Chính phủ và lợi ích lớn hơn trong mối tương quan với rủi ro, có lẽ đã đến lúc thích hợp để các ngân hàng đẩy mạnh kênh đại lý ngân hàng. Thứ nhất là hiện nay với các ứng dụng công nghệ phát triển vượt bậc, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh gia tăng, đã giúp mô hình đại lý ngân hàng khả thi hơn và hiệu quả hơn.

Như đã nói, do các đại lý này thường hoạt động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nên cần phải có những ứng dụng, hệ thống thông tin, các thiết bị như máy POS để có thể kết nối trực tuyến với ngân hàng chủ quản và thực hiện các giao dịch theo thời gian thực, đảm bảo cho sự vận hành suôn sẻ của mô hình cũng như phục vụ tốt cho công tác quản lý và giám sát.

Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng đều đã phát triển mạnh mẽ các ứng dụng E-banking, một số ngân hàng còn tự mình phát triển những nền tảng ngân hàng số, nên việc phát triển mô hình đại lý ngân hàng không chỉ để cung cấp các sản phẩm tài chính cơ bản, mà còn là tiền đề để gia tăng lượng khách hàng sử dụng E-banking hay ngân hàng số, hướng tới mục tiêu phát triển dịch vụ ngân hàng không chi nhánh trong tương lai.

Với việc đại lý ngân hàng được chọn thường là các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, bưu điện hoặc cửa hàng bán lẻ xăng dầu, số lượng các doanh nghiệp có hệ thống phân phối đồng bộ, rộng khắp và đủ điều kiện để các ngân hàng lựa chọn làm đối tác không phải là số nhiều.

Trong khi một số ngân hàng có thể tận dụng mạng lưới của doanh nghiệp có quan hệ sẵn, đơn cử như Bắc Á có thể phát triển đại lý ngân hàng từ các cửa hàng TH Milk; TPBank với các tiệm vàng của Doji, thì các ngân hàng còn lại có thể phải cạnh tranh để lựa chọn những đối tác ưng ý, trong số những đối tác tiềm năng như chuỗi bán lẻ của Thế giới Di động, chuỗi nhà thuốc/bán lẻ của FTP, cửa hàng Vinamilk, các hệ thống cửa hàng tiện lợi, mạng lưới của MobiFone, VinaFone,...

Thực tế là trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Chính phủ cũng nêu hướng nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc địa bàn hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trở thành đại lý của ngân hàng nhằm nhanh chóng mở rộng phạm vi các điểm cung ứng dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng trong hoạt động đại lý ngân hàng, ngoài mô hình ngân hàng làm chủ còn có mô hình các tổ chức phi ngân hàng làm chủ, với sự khác biệt chính ở chỗ tổ chức chủ quản đại lý là một tổ chức vận hành mạng viễn thông/điện thoại di động và thực hiện giao dịch thông qua tài khoản tiền điện tử của khách hàng thay vì tài khoản ngân hàng.

Với kế hoạch triển khai Mobile Money tại Việt Nam trong thời gian tới, không loại trừ khả năng mô hình thứ hai cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển hơn, điều đã từng diễn ra tại nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Do đó, mạng lưới của MobiFone hay VinaFone có lẽ sẽ dành riêng để phục vụ cho chính kế hoạch phát triển tiền di động của các tổ chức này.

Trước tình thế này, các ngân hàng càng có động lực để nhanh chóng triển khai mô hình đại lý ngân hàng để đi trước một bước nhằm giữ vững thị phần. Rõ ràng không phải ngân hàng nào cũng có mạng lưới rộng khắp như Agribank hoặc có sẵn mạng lưới các bưu cục để sau đó nâng cấp thành phòng giao dịch như LienVietPost Bank, trong khi nhu cầu mở rộng thị phần vẫn là mục tiêu quan trọng, trước mắt là trong nước và sau đó có thể là vươn ra quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới