Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đắk Nông muốn sân bay Nhân Cơ được đón chuyến bay thương mại

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch là sân bay lưỡng dụng (hỗn hợp quốc phòng - dân sự) và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai đầu tư.

Đây là lần thứ hai UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc với tư cách là sân bay lưỡng dụng trong 18 tháng qua.

Theo chính quyền tỉnh Đắk Nông, địa phương này chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ. Hiện đường thủy không khai thác được, còn đường sắt và đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng.

Điều này, theo UBND tỉnh, là hạn chế rất lớn trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội và là điểm nghẽn với quá trình phát triển của tỉnh Đắk Nông.

Với vị trí là địa phương nằm ở cửa ngõ phía Nam của khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông là đầu mối kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam Trung bộ, có 141 km đường biên giới với Campuchia. Lợi thế vị trí cùng với sự đa dạng văn hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó phải kể đến là khoáng sản bô-xít với trữ lượng lớn mang đến cho Đắk Nông nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thời gian tới, Đắk Nông sẽ tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp alumin - nhôm và các sản phẩm sau nhôm, từng bước phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất và chế biến nhôm lớn nhất cả nước. Hơn nữa, hiện nay Chính phủ Campuchia đã cho phép xây dựng sân bay tại tỉnh Muldulkiri (tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông).

Mặt khác, Quân khu 5 - Bộ Quốc phòng đã thống nhất đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dụng quốc phòng kết hợp dân sự.

Với những cơ sở này, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng thống nhất chủ trương đưa sân bay Nhân cơ vào quy hoạch.

Cơ quan này đã từng đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch cảng hàng không lưỡng dụng Nhân Cơ vào tháng 3-2021, trước mắt đầu tư xây dựng sân bay quân sự trên cơ sở tận dụng và mở rộng sân bay Nhân Cơ trước đây để phục vụ cho mục đích quốc phòng và dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian đầu tư trong giai đoạn 2030 – 2050.

Hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dù đã trình cách đây hơn 2 năm.

Theo dự thảo, đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay gồm 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương. 14 sân bay quốc nội gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đừng quan niệm sân bay là cái gì ghê gớm, đến mức địa phương nào cũng “chạy” đi xin. Thật kỳ lạ cho hàng không VN. Hiệu quả kinh tế phải là tiêu chí số một. Không ai dại gì bỏ ra ít nhất vài ngàn tỷ để phơi sương gió vì … do sướng mà đề xuất ? Sân bay cũng là một dạng dịch vụ mà thôi. Đủ tiêu chuẩn cạnh tranh và chất lượng hấp dẫn thì khách sẽ đến, thậm chí không mời gọi họ cũng tự đến. Khách ở đây, trước hết là các hãng máy bay thương mại và kéo theo đó là lực lượng du khách. Nếu quan niệm như vậy thì vấn đề trở nên gọn nhẹ, xử lý nhanh chóng, tự tính tự làm, tự chịu trách nhiệm, khỏi phải lobby, xin – cho gì cho mất công. Và cũng chẳng giống ai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới