Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đàm phán về quỹ khí hậu sụp đổ do bất đồng giữa các nước giàu và đang phát triển

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các cuộc thảo luận nhằm thành lập quỹ hỗ trợ các nước chịu tác động tàn khốc của hiện tượng nóng lên toàn cầu sụp đổ vào đầu giờ sáng hôm 21-20. Bất đồng gay gắt giữa các nước giàu có và các nền kinh tế đang phát triển khiến họ không đạt được thỏa thuận đầy tham vọng về quỹ chi trả cho tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Khí thải nhà kính là nguyên dân dẫn đến biến đổi khí hậu, làm nhiệt độ toàn cầu tăng lên, dẫn đến các thiên tai ngày càng nghiêm trọng hơn. Ảnh: Getty

Thỏa thuận thành lập cái gọi là quỹ chi trả cho tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu là một kết luận quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên hợp quốc ở Ai Cập hồi cuối năm 2022. Lúc đó, các nhà lãnh đạo từ nhóm nước đang phát triển đã ca ngợi kế hoạch hỗ trợ tài chính các nước “đặc biệt dễ bị tổn thương” do biến đổi khí hậu.

Nhưng sau gần một năm đàm phán căng thẳng về cách thức thành lập và vận hành quỹ này, vòng đàm phán thứ tư tại thành phố Aswan của Ai Cập đã kết thúc mà không nhất trí được về việc ai sẽ tài trợ cho quỹ, quỹ nên đặt ở đâu và nước nào sẽ đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Việc không đạt được thỏa thuận sẽ gây thêm áp lực cho hội nghị thượng đỉnh COP28 của Liên hợp quốc vào tháng tới ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Saudi (UAE).

“Việc quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại có hoạt động đầy đủ hay không là thước đo thành công chính của hội nghị thượng đỉnh COP28”, Preety Bhandari, cố vấn cấp cao về chương trình khí hậu toàn cầu và trung tâm tài chính tại Viện Tài nguyên Thế giới, bình luận.

Hôm 20-10, Sultan al-Jaber, Chủ tịch được chỉ định của COP28, khẩn thiết kêu gọi các nước đạt được sự đồng thuận, khiến các cuộc đàm phán ở Aswan được kéo dài qua đêm. Sau khi đàm phán thất bại, Jaber cho biết sẽ tổ chức một vòng đàm phán khác tại Abu Dhabi, thủ đô của UAE vào đầu tháng tới.

Bhandari lưu ý, nếu các thành viên của ủy ban chuyển tiếp gồm 24 người đang đàm phán về quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại không thể đạt được tiếng nói chung tại cuộc họp cuối cùng ở Abu Dhabi vào tháng tới, thì các nước sẽ phải đối mặt những cuộc đàm phán rất khó khăn ở Dubai. Ông cảnh báo, toàn bộ các cuộc đàm phán ở COP28 có thể thất bại nếu ưu tiên của các nước đang phát triển về hỗ trợ cho những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu không được giải quyết thỏa đáng

Sultan al-Jaber, Chủ tịch COP28, nhấn mạnh thỏa thuận về quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại  là điều “thiết yếu” và ông tin rằng tất cả các vấn đề đều có thể giải quyết được. “Hàng tỉ mạng sống và sinh kế dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu phụ thuộc vào việc chúng ta xây dựng thành công thỏa thuận  này”, ông nói trong một tuyên bố:

Nhóm 77 nền kinh tế đang phát triển (G77) cộng với Trung Quốc đã cân nhắc việc rời khỏi các cuộc đàm phán vào đầu tuần này vì tranh cãi về vai trò quản lý của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với quỹ hỗ trợ chống biến đổi khí. Họ không muốn đặt quỹ này tại WB, vốn là tổ chức nằm dưới sự chi phối của các nước giàu phương Tây.

Avinash Persaud, đặc phái viên về khí hậu đặc biệt của quốc đảo Barbados và là thành viên của ủy ban chuyển tiếp, xác nhận G77 và Trung Quốc ban đầu phản đối việc WB điều hành quỹ này.

Nhưng cuối cùng, họ đã tham gia các cuộc đàm phán hôm 20-10 trên cơ sở nhất trí WB đảm nhận vai trò dẫn dắt quỹ. Nhưng đàm phán một lần nữa lại bị gián đoạn sau khi các bên tranh cãi về nguồn vốn của quỹ.

“Sau một mùa hè chứng kiến các kỷ lục mới về nhiệt độ cũng như thiệt hại về nhân mạng, sinh kế và nhà cửa, các nước phát triển đang trốn tránh trách nhiệm cấp vốn cho một quỹ để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương bởi khí hậu”.

Persaud cho biết, các nước phát triển do Mỹ dẫn đầu phải chịu trách nhiệm về phần lớn lượng phát thải khí nhà kính trong lịch sử. Tuy nhiên, họ lại không sẵn sàng gánh vác trách nhiệm tài trợ để giải quyết hậu quả.

Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry trước đây lập luận rằng Trung Quốc, với tư cách là nước gây ô nhiễm hàng năm lớn nhất thế giới, và Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng nên đóng vai trò lớn hơn trong việc tài trợ cho quỹ này. Ông cũng ủng hộ việc cải cách WB để tăng cung cấp nguồn tài trợ lớn hơn cho các nước nghèo.

Harjeet Singh, người đứng đầu chiến lược chính trị toàn cầu của Mạng lưới Hành động khí hậu quốc tế, cho biết, thất bại của cuộc đàm phán quỹ khí hậu là “dấu hiệu rõ ràng về khoảng cách sâu sắc giữa các nước giàu và nghèo”.

Theo Financial Times

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chưa hẳn là chiến lược tồn tại của nhân loại, mà ẩn đàng sau đó là âm mưu lớn để làm chủ cuộc chơi của các nước lớn, nước giàu. Chủ nghĩa độc quyền của thế giới phát triển chưa bao giờ chấm dứt ước mộng của nó đối với tiền đồ của nhân loại, mặc dù đã bóc lột thậm tệ thế giới đang phát triển qua hàng trăm năm, và hiện đang nắm trong tay hàng loạt ưu thế vượt trội, nhất là về vốn và công nghệ. Tuy nhiên thế giới đang phát triển vẫn có ưu thế nhất định, với quyền sở hữu đại đa số nguồn lực tự nhiên còn lại, nhân lực dồi dào, và quan trọng nhất là tình đoàn kết bất vụ lợi chiếm đa số. Thế giới đang phát triển phải xác định rằng đây thực sự là cuộc chiến giành quyền sống cho toàn cầu, cũng là quyền tự do làm chủ vận mệnh chính mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới