Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dân bỏ tiền vào đâu khi Nhà nước đánh thuế sở hữu bất động sản?

TS.LS. Phạm Hoài Huấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mấy hôm nay truyền thông đưa tin Bộ Xây dựng đề xuất, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu chuyện đánh thuế đối với người sở hữu nhiều bất động sản. Hệ quả của chuyện này là gì? Người nào mua càng nhiều nhà đất, thì càng phải chịu thuế khi sở hữu. Khi bị đánh vào túi tiền, về mặt lý thuyết người ta sẽ phân bổ tiền vào chỗ khác, không đầu cơ nhà đất nữa. Theo quy luật cung - cầu, khi cầu của một món hàng giảm, giá của món hàng đó cũng sẽ giảm.

Nhà nước cần tìm ra các giải pháp dài hạn và tổng thể để xây dựng một thị trường bất động sản cân bằng và lành mạnh, từ đó tạo điều kiện để người dân tiếp cận được nhà ở với chi phí hợp lý. Ảnh: N.K

Chắc bạn cũng nghe tin, giá mà Starbucks phải trả cho mặt bằng cửa hàng Starbucks ở đường Hàn Thuyên, quận 1, TPHCM là 750 triệu đồng/tháng. Về mặt kinh doanh, cứ mỗi sáng cửa hàng này phải lo “cày” cho được tầm 22 triệu đồng thuê mặt bằng. Khủng khiếp! Ai làm kinh doanh đều phải chịu áp lực rất lớn chuyện chi phí mặt bằng. Ông nào muốn startup, cứ nói tới chuyện chi phí thuê mặt bằng là đều rùng mình. Tất cả những chuyện này đều có hệ quả từ giá nhà đất quá cao. Nên chuyện kiểm soát đầu cơ bất động sản, qua đó hòng làm giảm giá nhà đất là một nhu cầu có thật nếu nhìn từ hoạt động quản lý nhà nước. Và việc đánh thuế sở hữu nhiều bất động sản được đặt ra là vậy!

khi chọn cách siết chặt kênh bất động sản, cơ quan soạn thảo cần trả lời câu hỏi: người dân có tiền nhàn rỗi thì sẽ để vào đâu để không bị lạm phát bào mòn theo thời gian?

Nhưng tôi hy vọng là ý định lập pháp này đã được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Có ba đối tượng bị tác động rất lớn nếu ý tưởng đánh thuế bất động sản này trở thành hiện thực, đó là người dân, doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.

Nói một cách trực diện, với hoàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, nếu một người có chút tiền tích lũy, họ sẽ để vào đâu? Gửi ngân hàng, mua cổ phiếu/trái phiếu, mua vàng hay mua bất động sản? Khi mà cổ phiếu/trái phiếu là những kênh rủi ro, vàng được coi là kênh trú ẩn. Nhưng hãy nhìn những hỗn loạn trên thị trường vàng trong nửa năm vừa qua, người dân khó có thể yên tâm! Vậy khi chọn cách siết chặt kênh bất động sản, cơ quan soạn thảo cần trả lời câu hỏi: người dân có tiền nhàn rỗi thì sẽ để vào đâu để không bị lạm phát bào mòn theo thời gian?

Tôi tin ngay trong lúc này nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ có thái độ không hưởng ứng chính sách này dưới nhiều hình thức khác nhau. Nói ngắn gọn thế này, trong tốp 50 tỉ phú trên thị trường chứng khoán, có bao nhiêu người kiếm tiền từ bất động sản và tỷ trọng tài sản của họ so với các ngành nghề khác? Và trong khung cảnh khá ảm đạm của thị trường bất động sản trong vài năm nay, việc siết chặt thêm thị trường bất động sản có tác động lớn tới nền kinh tế, nhất là tới các ngân hàng vốn có tỷ trọng cho vay liên quan bất động sản cao.

Cá nhân tôi ủng hộ chuyện phải siết thị trường bất động sản. Việc giá nhà vượt quá khả năng mua của phần lớn những người làm công chăm chỉ là không thể chấp nhận được. Nhưng chuyện áp thuế sở hữu nhiều bất động sản khi chưa có đánh giá tác động đầy đủ cũng như thực hiện tổng hòa các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động bất lợi là không nên. Theo tôi, có mấy điểm sau đây mà người làm chính sách nên cân nhắc:

Một: cần trả lời câu hỏi kênh trú ẩn về tài chính cho tiền nhàn rỗi là gì? Việc đánh vào sở hữu tài sản mà không có các lựa chọn thay thế, về lâu dài sẽ nảy sinh những lựa chọn ngoài khuôn khổ hoặc các phản ứng cực đoan không phải là không có khả năng xảy ra. Nói cách khác, để bảo đảm an sinh xã hội, cần phải có chính sách chung về tài chính cá nhân, mà trong đó thị trường bất động sản (thuế sở hữu bất động sản chỉ là một cấu thành của thị trường) phải đặt trong mối tương quan với các thị trường khác như vàng, chứng khoán...

Hai: bước đệm cho việc áp thuế này là gì? Cả một thị trường bất động sản to lớn và các hoạt động kèm theo không thể thay đổi chỉ trong thời gian ngắn. Việc chuyển dịch phải có lộ trình, thời điểm và các biện pháp giảm sốc, cũng như có cân nhắc tới tình trạng chỉ mành treo chuông của bất động sản hiện nay hay không.

(*) Học viện Pháp luật Thực hành

10 BÌNH LUẬN

  1. Tôi không có tiền, không có nhiều bất động sản, chỉ duy nhất một căn hộ chung cư cho 2 vợ chông già rúc vào rúc ra, tôi có ý kiến về chủ đề này như sau:
    Bất động sản đã trở thành hàng hóa thì hãy đối xử với nó bình đẳng như hàng hóa. Nếu như những người kinh doanh ôm hàng đầu cơ khi có cơ hội sẻ kiến lời cao, hoặc tồn đọng hàng nhiều thì có đánh thuế không? Cớ sao lại đánh thuế nhiều bất động sản ?
    Kinh doanh có nhiều lĩnh vực, người có nhiều căn hộ, căn nhà kinh doanh cho thuê, họ đã nộp các loại thế liên quan rồi, cớ sao lại thêm một cái thuế nhiều nhà đất nữa ?
    Có người ở nông thôn khi có 1 mảnh đất thì ko bị đánh thuế, nhưng cũng mảnh đất dó tách ra nhiều mảnh để dành thừa kế cho con sau nay lại bị đánh thuế nhiều bất động sản có đúng không ???

  2. Tôi thấy đánh thuế vào cá nhân sở huu nhiều đất là đung quy luật. Tiền nhàn rỗi trong dân sẽ đầu tư vào sản xuất tạo ra nhiêu của cải .

    • Giá chứng khoán cao, nghĩa là tiền vào chứng khoán rất nhiều. Lãi suất ngân hàng thấp thì cung tiền cũng đang dồi dào. Nên vấn đề tiền vào sản xuất là không thiếu.

  3. Tôi ủng hộ đánh thuế nhưng với đất ko sử dụng để ko, ko kinh doanh ko xây nhà, ko trồng trọt, ko xây nhà xưởng, ko cho thuê, năm thứ 1 0%, năm thứ 2 2%, năm thứ 3 trở đi 5%, năm thứ 10 20%, có mà mấy ông đầu cơ chạy mất dép

    • Thế nào là đất không sử dụng bạn nêu rõ được không?. Đất đó trồng 1 cây đu đủ hay 1 cây chuối có được gọi là trồng cây không? Đất nhà đó có treo biển cho thuê nhưng hét giá cao ngất lên mục đích gọi là tôi có cho thuê nhưng không ai thuê có được không?. Đất đó tôi dựng gọi là vài ba cái chòi gì đó xong lấy mấy cái máy công cụ về vứt đó để sản xuất để né thuế có được không?.
      Vậy nên đánh thuê BĐS thứ 2 trở đi là hợp lý. Luật sinh ra thì không thể làm hài lòng được tất cả mọi người nhưng nó sẽ làm hài lòng số đông tạo sự công bằng cho xã hội.

    • Kinh tế thị trường thì phải coi bất động sản là hàng hóa. Tập đoàn doanh nghiệp lớn họ sở hữu hàng nghìn bất động sản rồi đem bán mới là người cần phải xem xét về thuế, người đi buôn sở hữu 3-5 bất động sản thì chỉ là phần nhỏ. Người sở hữu bất động sản nhiều đa phần là đầu tư giữ tiền. Khi mua bán đã phải nộp thuế tncn cho nhà nước rồi.

  4. Người dân đầu cơ vì thấy giá nhà sẽ tăng bù cho lạm phát và sinh lời. Bds sinh lời vì đem lại dòng tiền và cung cấp nhu cầu cấp thiết là chỗ ở, đi làm thuận tiện. Tăng nguồn cung nhà ở chất lượng giá thuê rẻ, thì có cần phải mua nhà nữa không? Vì đa số người dân đều có nhà đất ở quê, không có nhà ở thành phố lớn thôi. Để tăng nguồn cung cho thuê chỉ nên đánh thuế nhà đất bỏ hoang, miễn có đưa vào sử dụng là không bị áp thuế. Trường, chợ, bv ,.. thuận tiện nơi ở mới để sinh sống và làm việc, người dân về thuê ở, nguồn cung nhà ở nhiều, giá thuê giảm, dòng tiền giảm, sức hút của bds giảm, giá nhà sẽ giảm thôi

  5. Tôi ủng hộ đánh thuế BĐS, trong khi các ông lo đầu cơ, đẩy giá đất lên để trục lợi về mình thì rất nhiều ng dân khổ vì không có nhà, không mua nổi nhà. Nó đẩy lên một cách vô lý đề tiền chỉ dồn hết vào một số người.

  6. Kiểm soát là đúng vì đầu tư bất động sản không tạo ra giá trị thặng dư. Mà chỉ khiến cho giá đất tăng cao, những người có nhu cầu thực thì không với tới được. Chủ yếu những doanh nghiệp BDS có lợi là chính. Đánh thuế cao sẽ làm giảm dòng tiền đầu cơ vào bất động sản. Tiền đó sẽ chảy vào đầu cơ các hoạt động khác, như hđ kinh doanh , sản xuất …..như vậy thì xã hội mới phát triển được

  7. Rất ủng hộ việc đánh thuế bđs và giảm thời gian sở hữu, từ lâu dài sang sở hữu có thời hạn.
    Việc bđs có giá quá cao với thu nhập người dân có lẽ chỉ đến từ 1 phần đầu cơ của số nhỏ người dân có tiền.
    Nguyên nhân có lẽ đến từ việc ko có quy hoạch đồng bộ và quá ít dẫn đến 1 số loại hình bđs quá khan hiếm nên giá quá cao kéo theo toàn bộ loại hình bđs khác tăng và nằm ngoài khả năng mua của người dân.
    Xem trên google map thì thấy 1 điều quy hoạch của các đô thị lớn ở VN cần phải đặt câu hỏi lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới