(KTSG Online) - Với tốc độ sa thải đang đạt tốc độ mạnh nhất kể từ cú sụp đổ của các công ty internet vào năm 2001 (bong bóng dot-com), nhân viên công nghệ ở Mỹ đang chịu áp lực lớn. Họ khó tìm việc hơn và thường chấp nhận giảm lương nếu nhận được việc mới.
- Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên mức cao nhất trong 2 năm qua
- Làn sóng sa thải nhân viên ở các công ty công nghệ Mỹ chưa dừng lại
Kể từ đầu năm, hơn 200 công ty công nghệ trên toàn cầu cắt giảm hơn 50.000 vị trí, theo nền tảng theo dõi số liệu sa thải trong lĩnh vực công nghệ Layoffs.fyi. Con số này nối dài làn sóng sa thải trong năm 2023, khi hơn 260.000 nhân viên ở khoảng 1.200 công ty công nghệ mất việc. Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ như Alphabet, Amazon, Meta, Microsoft, eBay, Cisco đều cắt giảm quy mô nhân sự đầu năm 2024.
Việc làm công nghệ không còn hấp dẫn như trước đây
“Thị trường việc làm công nghệ không còn như xưa nữa. Nhiều nhân viên ở bộ phân kinh doanh và tuyển dụng ở các công ty công nghệ đang rời bỏ hẳn khỏi ngành này để tìm việc mới. Ngay cả các kỹ sư phần mềm cũng đang thỏa hiệp, chấp nhận những công việc kém ổn định hơn, môi trường làm việc khắc nghiệt hơn hoặc lương và phúc lợi thấp hơn”, Roger Lee, người sáng Layoffs.fyi nói.
Ông cho biết, lương trong lĩnh vực công nghệ phần lớn đứng im trong hai năm qua.
Một báo cáo năm 2023 về xu hướng tiền lương của ZipRecruiter cho thấy, 48% trong số 2.000 công ty Mỹ được khảo sát giảm lương ở một số vai trò nhất định.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, mức lương trì trệ và thậm chí bị giảm là kết quả của nỗ lực điều chỉnh lại chi phí sau khi các công ty công ty công nghệ chạy đua tăng lương quá mức để tuyển dụng nhân tài trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Nhu cầu thiết bị và dịch vụ công nghệ tăng vọt trong giai đoạn này khi nhiều nhân viên làm việc từ xa ở nhà. Nhiều công ty đã đặt cược rằng nhu cầu này sẽ kéo dài ngay cả sau khi đại dịch kết thúc, nhưng thực tế không như họ kỳ vọng.
Theo Công ty cung ứng việc làm Challenger, Gray & Christmas, lạm phát giảm tốc cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên công nghệ. Lạm phát hàng năm ở Mỹ đã giảm xuống khoảng mức khoảng 3%, thấp hơn đáng kể so với mức 6% vào đầu 2023. Khi giá cả không còn tăng nhanh nữa, các công ty công nghệ khó tăng phí dịch vụ hơn. Khách hàng không sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho dịch vụ của họ.
“Các công ty khó có thể tăng giá như trước đây, đồng thời đang trả chi phí lao động tăng cao. Vì vậy, chu kỳ lạm phát hiện tại là một trong những thủ phạm chính gây ra tình trạng sa thải nhân viên công nghệ”, Andrew Challenger, chuyên gia về lao động của Challenger, Gray & Christmas nói.
Ngoài một số ít điểm sáng như AI, các công công nghệ không có nhiều động lực để thúc đẩy tăng tưởng. Họ tiếp tục cắt giảm lực lượng nhân sự và chuyển từ tư duy tăng trưởng sang tư duy hiệu quả khi đối mặt với các điều kiện thị trường khó khăn.
Sự trỗi dậy gần đây của AI cũng góp phần khiến môi trường tuyển dụng việc làm công nghệ không còn sôi động. Kể từ khi ChatGPT của OpenAI được phổ biến rộng rãi, các công ty tập trung tuyển dụng các vai trò AI để chuẩn bị cho cơn bùng nổ công nghệ tiếp theo. Đồng thời, họ thu hẹp quy mô các bộ phận không liên quan đến AI để quản lý chi phí và duy trì lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Challenger, Gray & Christmas, các công ty cho biết AI giúp họ cắt giảm 4.000 vị trí vào năm ngoái. Đó là chỉ là con số còn tương đối nhỏ nhưng tác động của AI đang trở thành xu hướng đáng lo ngại trong tương lai.
Khó tìm việc mới khi tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn
Qua cuộc trò chuyện với hàng chục nhân viên công nghệ bị sa thải gần đây, hãng tin CNBC nhận thấy, thị trường việc làm công nghệ ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt. Chẳng hạn, thông tin tuyển dụng thường đặt ra các yêu cầu chính xác về trình độ chuyên môn và đi kèm với mức lương thấp hơn so với hợp đồng trước đây của họ.
Điều này đặc biệt khó hiểu đối với các nhà phát triển phần mềm và nhà khoa học dữ liệu. Chỉ mới cách vài năm trước, họ nằm trong nhóm nhân viên công nghệ sở hữu một số kỹ năng được đánh giá cao và có giá trị cao nhất trên thị trường. Nhưng hiện nay, họ cân nhắc liệu có cần rời khỏi ngành để tìm việc làm khác hay không.
Hồi tháng 1, PayPal thông báo sẽ sa thải 9% lực lượng lao động, tương đương khoảng 2.500 việc làm. Allison Croisant, nhà khoa học dữ liệu có 10 kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cũng nằm trong số nhân viên bị PayPal sa thải. Croisant dùng từ “điên rồ” để mô tả hành trình tìm việc gian nan gần đây.
“Nhiều nhân viên công nghệ khác cũng sắp bị sa thải”, Croisant nói.
Croisant đã ứng tuyển vào một số vị trí thu hút hàng trăm ứng viên. Các vị trí này yêu cầu ứng viên phải có bằng cấp cao hoặc kinh nghiệm chuyên môn về học máy (AI). Theo Croisant, đây là yêu cầu mới trên thị trường việc làm công nghệ nói chung.
Trong 5 tuần tìm việc, Croisant nộp đơn cho 48 vị trí nhưng chỉ nhận được hai cuộc phỏng vấn. Cuối cùng, cô chọn chấp nhận vai trò phân tích dữ liệu cấp thấp tại một công ty công nghệ tài chính, với mức lương cơ bản hàng tháng giảm 3.000 đô la Mỹ so với công việc cũ.
“Đây là một trải nghiệm thực sự đáng sợ đối với tôi. Tôi không chắc liệu có thực sự cảm thấy an toàn trong công việc nữa hay không. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn là một trong những người may mắn. Những người bạn của tôi đã tìm việc hàng tháng trời mà vẫn chưa thàn công”, Croisant nói.
Đối với hàng chục nghìn nhân viên công nghệ khác có cùng tình cảnh với Croisant, con đường tìm việc mới rất khó khăn.
Phố Wall nhìn chung vui mừng với động thái cắt giảm chi phí nói trên. Cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ đạt mức giá cao kỷ lục khi giới đầu tư lạc quan rằng, kỷ luật chi tiêu cùng với hiệu suất lao động nhờ áp dụng tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp lợi nhuận của họ tăng lên.
Theo CNBC, Fortune