(KTSG) - Một nền kinh tế muốn có nền tảng, căn cơ để phát triển tốt thì phải tạo điều kiện tối đa và bảo vệ những doanh nghiệp, doanh nhân chân chính. Đó là trăn trở của TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, khi trao đổi với KTSG về câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ được rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử. Và ông cũng đưa ra một vài gợi mở...
- FPT Shop tăng trưởng mạnh mảng kinh doanh online
- Kinh doanh thời trang online sụt giảm trong giai đoạn phòng dịch
Vì sao khó quản lý bán hàng online?
KTSG: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, sự việc phần lớn kho hàng gồm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng của một TikToker nổi tiếng không có tem phụ Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ nên được xem xét, nghiên cứu như một trường hợp mẫu, từ đó, tìm ra phương cách quản lý hình thức livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử. Ông có quan tâm tới sự việc này không và nhận định của ông như thế nào?
- TS. Huỳnh Thanh Điền: Trước khi bàn tới hình thức kinh doanh online hay livestream bán hàng đang rất phổ biến, cần phải hiểu về mô hình kinh doanh truyền thống dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng. Khi một doanh nghiệp muốn kinh doanh một sản phẩm, đầu tiên, họ phải thực hiện đăng ký kinh doanh, công khai tên, địa chỉ, mã số thuế, vốn điều lệ và người đại diện của doanh nghiệp. Đối với hộ kinh doanh cá thể, chẳng hạn để bán hàng tạp hóa, vẫn phải đăng ký tên hộ kinh doanh, địa chỉ kinh doanh.
Hoạt động kinh doanh nói trên sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước gồm thuế, quản lý thị trường và các ban ngành liên quan giám sát, thanh kiểm tra định kỳ, theo chuyên đề hoặc đột xuất. Vì vậy, người buôn bán phải nhập hàng có nguồn gốc xuất xứ với hóa đơn chứng từ và các giấy tờ khác thể hiện chất lượng của hàng hoá đang kinh doanh, bởi lẽ, nếu làm sai, họ có thể bị xử lý ở mức hành chính cho tới hình sự, tùy mức độ vi phạm.
Khi hoạt động thương mại diễn ra trên môi trường điện tử, về nguyên tắc, các vấn đề về quản lý nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và việc người kinh doanh thực hiện đầy đủ trách nhiệm thuế với Nhà nước vẫn tương tự như kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, do môi trường kinh doanh thay đổi, phương thức giới thiệu hàng hóa, chốt đơn, thanh toán và giao hàng thay đổi theo. Việc quản lý hoạt động kinh doanh trên các nền tảng điện tử, vì thế, có những khác biệt so với quản lý kinh doanh truyền thống, đòi hỏi có một khung pháp lý phù hợp.
Phải khẳng định, chúng ta đã có những quy định quản lý thương mại điện tử, thế nhưng, thực trạng kinh doanh online vẫn đang diễn ra tự phát, người bán thường lựa chọn hàng hóa ngẫu nhiên, không quan tâm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm rồi chụp hình, livestream bán hàng và thu tiền mà không đăng ký, không chịu sự giám sát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng... và mỗi khi có hoạt động giám sát, kiểm tra thì gần như “đụng đâu sai đấy”.
Đã vậy, hoạt động bán hàng online giúp người bán hàng tiết giảm được các chi phí cố định như chi phí thuê mặt bằng, nhân công, kho bãi..., làm giảm giá thành sản phẩm. Khi khâu quản lý chưa nghiêm, người bán hàng dễ dàng nhập hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không phải thực hiện các nghĩa vụ thuế tối thiểu, giành được ưu thế tối đa so với những người bán hàng chân chính, làm đúng theo quy định của pháp luật. Vậy nên, nếu không cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các khuôn khổ của pháp luật trong quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh online, sự bất bình đẳng giữa các chủ thể tham gia sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hàng hóa và ở mức độ nhất định, liên đới đến cả thị trường sản xuất.
KTSG: Quả thật, lỗ hổng xuất hiện trong suốt quá trình lưu thông của hàng hóa: từ nguồn gốc xuất xứ, phương thức tiêu thụ đến trách nhiệm người bán hàng (trách nhiệm thuế với Nhà nước, trách nhiệm với người mua hàng trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng) sau khi giao dịch đã được thực hiện. Vậy thì chúng ta nên bắt đầu từ bước nào trước, quản lý chặt việc nhập khẩu hàng hóa hay theo dõi, giám sát khâu tiêu thụ, đảm bảo nhà nhập khẩu và kinh doanh chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và thực hiện nghĩa vụ thuế?
- Chúng ta phải rất khách quan và rõ ràng khi nhìn nhận vấn đề này. Về nguồn gốc xuất xứ, hay chính là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, đây là vấn nạn chung của thị trường hàng hóa, dù được phân phối theo cách truyền thống hay phân phối qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội.
Để xảy ra vấn nạn hàng lậu, trách nhiệm quản lý chính thuộc về các cơ quan hải quan. Thực tế là khi các cơ quan có trách nhiệm siết chặt kiểm soát hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, người ta không dám nhập hàng lậu, điều đó thể hiện ngay trên thị trường tiêu thụ các mặt hàng này trong nước. Nghĩa là, nếu cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, tìm xem hàng lậu đi vào thị trường Việt Nam theo con đường nào và ngăn chặn chúng, vấn nạn hàng lậu sẽ giảm đi đáng kể.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã tồn tại dai dẳng và chỉ bị hạn chế bởi sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường. Trong khi đó, không thể phủ nhận, lực lượng thực thi nhiệm vụ này ở Việt Nam, tương tự nhiều quốc gia trên thế giới, còn tương đối mỏng.
Nếu không cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các khuôn khổ của pháp luật trong quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh online, sự bất bình đẳng giữa các chủ thể tham gia sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hàng hóa và ở mức độ nhất định, liên đới đến cả thị trường sản xuất.
Trên thực tế, trong xã hội nào cũng vậy, cơ chế giám sát, kiểm tra được thiết kế không phải chỉ để sử dụng khi các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình. Điều quan trọng nhất để một xã hội vận hành hiệu quả là sự giám sát của người tiêu dùng. Vậy nên, phải tạo nên các cơ chế để người tiêu dùng tiếp cận được với thông tin về sản phẩm, phân biệt được hàng giả, hàng nhái với hàng thật, từ đó, để cộng đồng người tiêu dùng cảnh báo lẫn nhau và cảnh báo cho toàn xã hội. Từ phía cơ quan quản lý, phải thiết lập đường dây tiếp nhận phản hồi của người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.
Kiểm soát từ đầu tiêu thụ đòi hỏi khung pháp lý phù hợp với những đổi thay về môi trường kinh doanh, như đã đề cập ở trên. Nguyên tắc xuyên suốt là Nhà nước phải quản lý được hoạt động này, bắt đầu bằng việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh online phải đăng ký kinh doanh. Hiện tại, đối với các sàn thương mại điện tử lớn, việc quản lý được thực hiện thông qua chủ sàn, theo đó, các đối tác tham gia các sàn thương mại điện tử đăng ký thông tin với chủ sàn và chủ sàn cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý. Theo cách này, ngành thuế nắm được thông tin về các chủ thể kinh doanh và theo dõi thu thuế. Tuy nhiên, đó chỉ là nỗ lực của ngành thuế. Cứ cho rằng một cá nhân có đăng ký với chủ sàn thương mại điện tử, việc họ bán hàng gì, nhập ở đâu, doanh thu thực tế như thế nào... vẫn chưa quản lý được. Tương ứng, chưa thể giám sát đầy đủ về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, vậy nên, mới xảy ra hiện tượng các TikToker livestream bán hàng không rõ xuất xứ như thời gian vừa qua.
KTSG: Trong câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, tâm lý vô tư mua bán hàng hóa nhập lậu, không có tem phụ Việt Nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ của nhà kinh doanh cũng như người tiêu dùng Việt Nam cũng là một vấn đề cần phải khắc phục. Nguyên nhân có phải nằm ở sự thiếu trưởng thành của các đối tượng tham gia thị trường hàng hóa hay không và có thể tác động để thay đổi điều này như thế nào?
- Người tiêu dùng ai cũng thích mua hàng giá rẻ, chất lượng tốt. Bán hàng qua livestream hay trên các nền tảng thương mại điện tử giúp giảm thiểu các chi phí cố định về địa điểm kinh doanh, nhân công, kho bãi... Do quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa chặt chẽ, các phần nghĩa vụ phải đóng góp lại cho Nhà nước như thuế thu nhập doanh nghiệp hay các loại thuế gián thu cũng có thể không phải thực hiện. Khi chủ hàng nhập hàng lậu, còn không phải chịu thuế nhập khẩu và các chi phí kiểm tra chuyên ngành. Tổng hợp những yếu tố này, giá bán có thể đẩy xuống rất thấp.
Tất nhiên, trên lý thuyết là vậy, còn thực tế lại khác hẳn. Người tiêu dùng thích mua hàng giá rẻ, chất lượng tốt nhưng khi hàng giả, hàng nhái, hàng lậu bị trộn lẫn, họ lại trở thành đối tượng tiêu thụ hàng chất lượng thấp với giá cao. Vấn đề là phải chỉ ra cho họ cách để họ phân biệt, phải có những thông tin chính thống giúp họ trở thành người tiêu dùng thông thái.
Để người kinh doanh không muốn và không thể làm sai
KTSG: Hiện tại, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu xuất hiện cả ở phân khúc giá rẻ, bình dân lẫn ở phân khúc trung và cao cấp... Nhiều quan điểm lo ngại, nếu không hạn chế tiến tới xóa bỏ tồn tại này, các thương hiệu hàng Việt không thể xuất hiện, hoặc xuất hiện thì không thể tồn tại hay mở rộng, khiến nền sản xuất trong nước luôn bị thua thiệt. Ông bình luận thế nào về ý kiến này?
- Đó là điều đương nhiên. Một nền kinh tế muốn có nền tảng, căn cơ để phát triển tốt thì phải tạo điều kiện tối đa và bảo vệ những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính. Vậy làm ăn chân chính là thế nào? Làm ăn chân chính là các chủ thể tham gia thị trường đạt được doanh thu, lợi nhuận và trở nên giàu có thông qua việc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang lại lợi ích cho khách hàng, góp phần kiến tạo văn minh và sự phát triển của xã hội.
Nghĩa là, chúng ta làm giàu bằng cách tạo giá trị và người dùng sản phẩm, dịch vụ sẵn lòng trả tiền cho giá trị được tạo ra. Quá trình làm giàu của các doanh nghiệp, doanh nhân trong một xã hội thông qua cạnh tranh tạo ra các giá trị và bản thân sự cạnh tranh đó tạo ra thêm các giá trị mới, hoàn thiện hơn. Làm được như vậy thì xã hội mới càng ngày càng tốt hơn.
KTSG: Thưa ông, làm sao để kiến tạo một xã hội với tầng lớp doanh nhân làm ăn chân chính như vậy?
- Một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải tạo dựng môi trường quản lý nhà nước liêm chính. Theo đó, khuôn khổ luật pháp rõ ràng, nghiêm minh, các cơ quan thực thi pháp luật hành động công tâm, hỗ trợ những người làm ăn theo quy định của pháp luật và kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm.
Ví dụ, chúng ta phải xử nghiêm vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu để người ta sợ không dám làm. Khi đó, mọi người mới chuyên tâm vào kinh doanh và tạo giá trị. Nếu chúng ta không từng bước xóa bỏ cách thức kinh doanh không liêm chính, người kinh doanh không đầu tư vào việc tạo giá trị mà đầu tư vào mối quan hệ để trục lợi, để kiếm tiền cho nhanh, những người muốn làm ăn chân chính không thể tồn tại, hoặc là rời bỏ thị trường, hoặc là phải chạy theo các kiểu làm ăn cơ hội, chụp giật.
Thứ hai, trong quá trình kinh doanh, sẽ phát sinh nhiều vấn đề mà phía quản lý chưa thể lường trước. Khi vấn đề xuất hiện, cần kịp thời nghiên cứu đánh giá, xây dựng cơ chế quản lý cho phù hợp.
Điều quan trọng nhất là triết lý của những chủ thể trong nền kinh tế. Tôi thấy nhiều người kinh doanh, lập công ty chỉ với mục đích cao nhất và duy nhất là để kiếm tiền cho bản thân. Người kinh doanh phải xác định được sứ mệnh của tầng lớp doanh nhân, đó là tạo giá trị cho cộng đồng, cho xã hội. Trên thế giới, những doanh nghiệp trường tồn luôn có triết lý rất rõ ràng.
Từ phía quản lý nhà nước, phải góp phần giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân về tinh thần kiến tạo, về triết lý kinh doanh. Làm được như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới có được một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, vươn tầm thế giới.