Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dân số già, gánh nặng “níu chân” nền kinh tế Nhật Bản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dân số già, gánh nặng “níu chân” nền kinh tế Nhật Bản

C.T

Dân số già, gánh nặng “níu chân” nền kinh tế Nhật Bản
Người già ăn cơm trưa tại một khu dưỡng lão ở thành phố Toyama, Nhật Bản. Ảnh: BBG News

(TBKTSG Online) – Cơ cấu dân số đang già nhanh và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, theo Financial Times.

Số liệu của Văn phòng nội các Nhật Bản mới công bố cho thấy GDP của nước này tăng trưởng âm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng 8 quí liên tục và cũng là mạch tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1989.

Giờ đây, Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới khởi đầu năm 2018 với mức tăng trưởng âm. Nếu như năm ngoái, Nhật Bản là nền kinh tế tăng trưởng kém thứ hai trong khối các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới G7 (chỉ đứng trên Ý), thì năm nay, Nhật Bản đang hướng đến mức tăng trưởng kém nhất trong số các nước G7 mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ tăng trưởng kể từ năm 2013 hay còn gọi là “Abenomics”.

Trong khi sự trì trệ kinh tế của Ý liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp cao và thị trường lao động yếu thì Nhật Bản có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong các nền kinh tế G7. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm ở đất nước mặt trời mọc đang ở mức cao nhất kể từ thập niên 1960 và tỷ lệ giữa số công việc tuyển dụng cho mỗi ứng cử viên tìm việc đạt 1,6, gần mức kỷ lục của mọi thời đại vào năm 1963.

Nhật Bản không thể duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định như các nền kinh tế phát triển khác vì “cơ cấu dân số của Nhật Bản làm suy yếu tăng trưởng GDP”, Rob Carnell, Giám đốc nghiên cứu kiêm nhà kinh tế trưởng phục trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương ở ngân hàng ING (Hà Lan) chỉ ra nguyên nhân.

Trong một báo cáo gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo cơ cấu dân số đang già nhanh chóng và lực lượng lao động đang gây cản trở cho tăng trưởng của Nhật Bản. IMF tính toán rằng các tác động của một xã hội già hóa có thể kéo tăng trưởng GDP của Nhật Bản xuống một điểm phần trăm mỗi năm trong ba thập kỷ tới.

Nếu lực lượng lao động không bị thu hẹp, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ mạnh hơn. Dân số Nhật Bản hiện nay thấp hơn so với thời điểm năm 2000. Trái lại, dân số Mỹ đang cao hơn 16% so với năm 2000. Ở Anh và Canada, con số này lần lượt là 13% và 21%.

Từ năm 2010 đến nay, dân số Nhật đã giảm khoảng 1,3 triệu người. Liên Hợp Quốc ước tính từ nay đến năm 2065, dân số Nhật Bản sẽ giảm thêm 28 triệu người, tương đương với mức giảm 22%. Trong cùng thời gian đó, dân số ở các nền kinh tế phát triển sẽ tăng thêm 3%.

Dân số Nhật Bản không những giảm mà còn già đi nhanh chóng. Theo các dự báo, đến năm 2040, cứ ba người Nhật lại có hơn một người trên độ tuổi 65, một tỷ lệ cao nhất thế giới. Dân số giảm đồng nghĩa với một thị trường nội địa nhỏ hơn vì có ít  người mua sắm hàng hóa và dịch vụ hơn. Dân số giảm khiến số nhà cửa mới được xây dựng cũng ít hơn.

Năm 2016, Nhật Bản có ít hơn 2.300 nhà trẻ so với bảy năm trước vì số trẻ nhỏ giảm 18% trong giai đoạn này. Trong giai đoạn 2009-2016, có 2.000 trường tiểu học ở Nhật Bản phải đóng cửa vì số học sinh bước vào cấp tiểu học giảm 8%. Ngoài ra, số doanh nghiệp ở Nhật Bản cũng giảm 31% trong giai đoạn 2006-2013.

Ông Rob Carnell cho rằng, khi dân số trong đà giảm thì cho dù mức tăng trưởng năng suất lao động được giữ ổn định, GDP của một nước sẽ bước vào đà suy giảm từ năm này sang năm khác. Vì thế, theo giới phân tích, quí 1-2018 có thể không phải là lần cuối mà Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng âm trừ khi xu hướng nhân khẩu học của nước được điều chỉnh.

Mời xem thêm

Kinh tế Nhật Bản đứt mạch tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1989

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới