(KTSG) - Hạt ca cao có vị đắng và chua, sau quá trình chế biến chúng trở thành những thanh chocolate có vị ngọt. Từ đắng thành ngọt! Đó cũng là hành trình mà vợ chồng anh Nguyễn Hải Yến - nhà sáng lập thương hiệu Alluvia đã trải qua để đưa những trái ca cao - “vàng nâu” của vùng châu thổ Mêkông được vươn mình đến tay bạn bè quốc tế.
- Thị trường ca cao toàn cầu hoảng loạn, giá tăng kỷ lục
- Diện tích, năng suất và sản lượng ca cao tại Đắk Lắk giảm mạnh
Năm 2013, bỏ công việc quản lý tại một tập đoàn đa quốc gia, chị Nguyễn Ngọc Điệp cùng chồng là anh Nguyễn Hải Yến đã trút hết vốn liếng tích cóp được để mở Công ty TNHH Ca Cao Xuân Ron Chợ Gạo (Alluvia) chuyên sản xuất chocolate.
Chị Điệp - con gái một gia đình tham gia trồng ca cao từ giữa những năm 2000 và có cha là thành viên Ban dự án trồng và phát triển ca cao bền vững của chính phủ tại miền Tây - nói rằng đó là “thời điểm tốt nhất cho việc sản xuất chocolate”.
Trước đó, anh Yến chồng chị nhiều lần đi công tác nước ngoài tham quan những xưởng sản xuất chocolate tại châu Âu, đặc biệt là Đức, luôn băn khoăn với câu hỏi tại sao vùng không có nguyên liệu nhưng hầu hết các loại chocolate nổi tiếng đều ra lò tại đây nhưng mình thì không. Trong khi đó, ngay tại Tiền Giang, anh chị có nguồn nguyên liệu tốt lại phải bán sản phẩm ca cao thô, tươi vừa khó lại vừa rẻ. Bấy giờ, cả nước cũng chưa có nhiều đơn vị tham gia vào công đoạn sản xuất chocolate.
Alluvia ra đời. Alluvia trong tiếng Anh có nghĩa là phù sa - tên gọi mang ý nghĩa biểu tượng bởi những thanh chocolate được dùng nguyên liệu sản xuất trên mảnh đất phù sa châu thổ sông Mêkông. Alluvia khá giống từ “tôi yêu bạn” trong tiếng Tây Ban Nha, chị Điệp nói, như tình yêu của chị đối với con người và vùng đất này.
10 năm ngọt - đắng
Trong những năm đầu tiên khởi nghiệp, vợ chồng anh Yến - chị Điệp cũng chỉ dám đi từng bước nhỏ, họ bắt đầu bằng việc sản xuất bột ca cao và hạt ca cao rang. Sau đó, họ bắt đầu mua máy móc và chế biến được những thanh chocolate đầu tiên.
Sau hơn 10 năm khởi nghiệp, hiện doanh nghiệp đang có một nhà máy sản xuất chocolate tại Tiền Giang, 12 cửa hàng đặt tại Hà Nội, TPHCM, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… và mặt hàng này đã hiện diện trên một số kệ hàng của các siêu thị như Organic Farm, An Nam Gourmet, Nam An…
Khác với chocolate công nghiệp được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu, chocolate thủ công được làm tại chỗ, với nguồn hạt nguyên liệu đồng nhất từ địa phương nên giữ được hương vị đặc trưng của hạt ca cao ở vùng trồng đó. Alluvia chọn cho mình hướng phát triển dòng chocolate thủ công với mùi vị đặc trưng của vùng phù sa châu thổ. Nhưng cũng chính vì vậy, giá cả của mỗi thanh chocolate thành phẩm của thương hiệu này ngang ngửa với giá sản phẩm nhập ngoại. Điều này đã khiến cơ hội tiếp cận khách hàng bị hạn chế.
“Thời gian đầu, tôi từng chạy xe máy 30-40 phút chỉ để bán một thanh chocolate có giá 90.000 đồng. Vừa làm chủ, nhưng cũng là người thợ, người bán hàng, giao hàng…”, anh Hải Yến tâm sự.
Để chen chân vào các kênh phân phối lớn như siêu thị, trung tâm thương mại hay hệ thống bán lẻ, Alluvia chấp nhận liên tục chỉnh sửa, mời các chuyên gia từ nước ngoài, đầu tư các máy móc có giá vài chục ngàn đô la Mỹ.
Hiểu thêm về kênh phân phối, đến khoảng năm 2018-2019, anh chị tự mở cho mình những cửa hàng bán lẻ thu hút khách nước ngoài ở các địa phương du lịch quan trọng và dự định tiếp tục mở rộng trong năm tới. Tuy nhiên, đến giữa tháng 3-2020, hai vợ chồng đứng nhìn các cửa hàng và cả nhà máy bị đóng cửa vì giãn cách xã hội.
“Dịch Covid-19 quét sạch thành quả nhiều năm gây dựng”, nhà sáng lập Alluvia ngậm ngùi nhớ lại.
Con đường Alluvia
Đình trệ sản xuất hơn một năm, sau khi hết giãn cách xã hội vào khoảng tháng 10-2021, để xoay xở kinh doanh, người sáng lập Alluvia nảy ra sáng kiến đón du khách đến tham quan vườn ca cao. “Đây là cách chúng tôi tìm thêm nguồn thu mới, không chỉ vậy, người dân địa phương cũng có việc làm. Chúng tôi để nông dân giúp du khách hiểu hơn về quá trình chăm sóc, trồng và sản xuất chocolate của người Việt Nam”, anh Hải Yến chia sẻ.
Hiện tại, doanh nghiệp đã dần ổn định và có lãi trở lại. Ngoài doanh thu từ hoạt động du lịch, sản xuất và phân phối chocolate vào các hệ thống siêu thị, tại các cửa hàng ở TPHCM và Hội An, Alluvia còn tổ chức các buổi thực hành làm chocolate để khách hàng có thể tự tay chế biến. Anh Yến cho hay, mô hình kinh doanh kết hợp du lịch và sản xuất để bán bổ trợ cho nhau, thông qua du lịch, du khách biết đến thương hiệu nhiều hơn. Sau khi trải nghiệm và biết được nguồn gốc của hàng hóa, khách hàng có niềm tin hơn với sản phẩm.
Trung bình mỗi ngày Alluvia sản xuất khoảng 3.000 thanh chocolate thành phẩm. Tại nhà máy mỗi năm chúng tôi đón khoảng hơn 2.500 khách, còn ở cửa hàng ở TPHCM và Hội An, mỗi tháng cũng khoảng 200 khách đến trải nghiệm làm chocolate. Doanh thu của doanh nghiệp trung bình tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm (giai đoạn sau Covid-19 - PV). Anh Yến cho hay, với việc bán chocolate thủ công thành phẩm và du lịch, công ty đã có lãi đủ để tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và nhà xưởng.
Làm thủ công để tạo sự khác biệt
“Khi nhắc đến chocolate, người ta nghĩ ngay về những sản phẩm của người châu Âu, châu Mỹ… cùng lắm châu Á thì có của Nhật. Do đó, cơ hội lớn cho chocolate Việt Nam nằm ở thị trường ngách là sản xuất các loại chocolate thủ công”, chị Điệp nói. Alluvia chọn con đường ngách với những khác biệt cả về hương vị và bao bì để thu hút khách hàng.
Hầu hết các công đoạn của Alluvia từ quá trình phơi, tách vỏ, lên men, rót khuôn, đóng gói… được làm thủ công. Riêng khâu nghiền và ủ, đơn vị này sử dụng máy móc và công nghệ của châu Âu để thành phẩm đủ mềm, mịn.
Ngoài ra, ở khâu làm bao bì cũng được nhà sáng lập chăm chút kỹ lưỡng. Mỗi một dòng sản phẩm của nhãn hàng thể hiện một hình ảnh khác nhau về đất nước và con người Việt Nam bằng những nét vẽ của người nghệ sĩ. Đó là một TPHCM náo nhiệt, một mùa lúa vàng ở Tây Bắc, phố cổ Hội An, cũng có khi là hình ảnh cô gái Việt trong tà áo dài hay hoa sen...
Ví những thanh chocolate của mình là “cô gái Việt”, nhà sáng lập Alluvia định vị cho nó những đặc điểm của Việt Nam. Họ nghiên cứu và thử cho những hương vị mới, nghe có vẻ lạ như tiêu, ớt, mắc khén… Việc phối trộn ca cao này không chỉ đem lại sự khác biệt với nước ngoài mà còn là cách để giới thiệu, quảng bá và nâng cao giá trị nông sản Việt.
Tại Alluvia có chocolate tiêu Phú Quốc, gừng Cao Bằng, mắc khén Tây Bắc, mật hoa dừa Trà Vinh, dừa Bến Tre, quế Trà Bồng, một số trái cây vùng Mêkông như xoài, thơm, chuối…
“Cơ sở sản xuất của chúng tôi mua khoảng 50-60 tấn ca cao mỗi năm của nông dân, nhiều nhất là tại Tiền Giang. Ngoài ra, Alluvia cũng mua thêm ở Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng... Công ty cũng có năm điểm lên men, mỗi điểm có khoảng 20 hộ dân tham gia”, chị Điệp chia sẻ.
Cây ca cao từng bị nông dân ngậm ngùi chặt bỏ vì không tìm được đầu ra, giờ đây bắt đầu được nhen nhóm hồi sinh bởi thương hiệu chocolate của người Việt. Vợ chồng anh Yến cũng đang lần dò thêm các vùng đất khác để giao cây giống người dân trồng và đảm bảo đầu ra cho cây ca cao.