(KTSG Online) – Ngành ngân hàng nhìn chung tiếp tục có năm kinh doanh thành công dù gặp nhiều khó khăn trong quí 4 vừa qua. Đối diện với nhiều thách thức từ bên ngoài và bên trong, thị trường ngân hàng được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh hơn trong năm nay.
- Ngân hàng 2023 – nhiều thách thức đang chờ đón
- Lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hoá mạnh
- Kịch bản lãi suất giảm dần liệu có khả thi?
Duy trì tốc độ và mức tăng trưởng cao
Tính toán của KTSG Online từ nhóm 27 ngân hàng thương mại vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 (chưa kiểm toán), tốc độ tăng trưởng tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm này đạt gần 34%, tương đương với mức tăng của năm 2021 trong bối cảnh kinh doanh khác trước khá nhiều. Đáng chú ý trong số này nhóm 10 ngân hàng dẫn đầu về quy mô lợi nhuận ((Top 10) vẫn chiếm hơn tỷ trọng hơn 80% trong tổng số lợi nhuận báo cáo.
Xét về tốc độ tăng trưởng, vẫn có trường hợp ngân hàng quy mô nhỏ và vừa bất ngờ tăng vượt trội, nhưng số lượng đã giảm nếu so với năm ngoái. Chẳng hạn như Eximbank, lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.710 tỉ đồng, tăng đến hơn gấp 3 lần so với năm 2021.
Một trường hợp nổi bật khác là BIDV với mức tăng lên đến 70% so với cùng kỳ, trực tiếp đưa ngân hàng này về lại vị trí nằm trong top 5 ngân hàng tạo ra lợi nhuận lớn nhất ngành (chưa tính Agribank).
Tính riêng nhóm ngân hàng quốc doanh, lợi nhuận kỳ này có sự cải thiện mạnh mẽ. Chẳng hạn như Vietinbank có tốc độ tăng trưởng 20% so với mức 3% cùng kỳ. Hay như Vietcombank với mức tăng cải thiện mạnh từ gần 19% lên 37% trong năm nay, đạt mức 37.358 tỉ đồng, từ đó kéo dài khoảng cách về con số lợi nhuận với ngân hàng xếp thứ hai Techcombank.
Ở khối ngân hàng tư nhân, nhiều ngân hàng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, quanh mức 55% như PGBank, LienVietPostBank, SeABank, SHB. Tiếp theo sau đó là nhiều ngân hàng đạt mốc tăng trưởng 30-50%, trong đó dẫn đầu là VPBank (47,7%), tiếp theo là Ngân hàng Bản Việt (46,4%) và Ssacombank (44,1%).
Nhưng bên cạnh các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao, thị trường cũng có xu hướng giảm tốc lợi nhuận rõ rệt.
Điển hình như trong năm 2022 ghi nhận sự chững lại đáng kể của Techcombank, với tốc độ tăng trưởng chỉ 10%, giảm mạnh so với con số 47,1% cùng kỳ. Ngoài ra còn có nhóm ngân hàng có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, chẳng hạn như Ngân hàng NCB (giảm 46,4%), KienLongBank (32,5%), Ngân hàng OCB (20,5%), Ngân hàng An Bình (13,1%).
Điều này cho thấy tình hình thị trường đang có sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận. Trong đó, nếu xét về quy mô, dường như các ngân hàng có quy mô nhỏ đang ngày càng đuối sức.
Một trong những điểm nhấn giúp một số ngân hàng cải thiện mạnh lợi nhuận năm nay nằm ở việc thu nhập lãi thuần tăng vọt, hoặc chi phí dự phòng giảm mạnh.
Chẳng hạn, số liệu thống kê cho thấy trường hợp thu nhập lãi thuần tăng vọt như Eximbank (tăng 59% thay vì tăng 6% cùng kỳ) hay Sacombank (cải thiện tăng đến 43% từ con số 4%). Các ngân hàng như MSB, LienVietPostBank, SeaBank cũng cải thiện đáng kể chỉ tiêu này.
Tương tự, thống kê từ báo cáo tài chính mới nhất cũng cho thấy nhiều ngân hàng có chi phí dự phòng giảm đáng kể so với cùng kỳ, trong đó giảm mạnh nhất có thể kể đến ACB, Eximbank. Tương tự các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV cũng giảm quanh mức 20% (trong khi cùng kỳ tăng 126%).
Mặt khác, báo cáo đánh giá các ngân hàng được các công ty chứng khoán cập nhật gần đây cũng cho thấy rằng một số ngân hàng vẫn giữ tốc độ tăng trưởng nhờ ít chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của ngành là dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và tỷ trọng cho vay chủ đầu tư bất động sản ở mức thấp.
Dự báo sự phân hóa mạnh mẽ về lợi nhuận, thị phần
Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường sản xuất và cả tiêu dùng nhìn chung phục hồi vượt kỳ vọng, các ngân hàng cũng mạnh tay rót tiền cho vay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp.
Tuy nhiên, từ cuối quí 3, tình hình sản xuất bắt đầu chững lại trong bối cảnh lạm phát toàn cầu neo ở mức cao. Thị trường tài chính cũng bị ảnh hưởng khi lãi suất đồng đô la Mỹ tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến tỷ giá, lãi suất. Cộng thêm tác động từ việc xử lý những sai phạm trên thị trường và cả trái phiếu doanh nghiệp, thanh khoản hệ thống vào giữa quí 4 đột ngột gặp khó. Tuy nhiên kết thúc năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn trên mức 8%.
Ngành ngân hàng cũng có diễn biến gần tương tự. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm 2022 khiến nhiều ngân hàng gần như cạn “room tín dụng”. Nhưng những căng thẳng về thanh khoản, chi phí vốn tăng cao, các gói hỗ trợ thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (ngân hàng và bất động sản lần lượt chiếm 32% và 37% dư nợ trái phiếu tính đến tháng 1-2023 theo VCBS), đã khiến cho kết quả kinh doanh ngành bị ảnh hưởng lớn trong quí 4, nhưng vẫn giúp ngành nhìn chung giữ đà tăng trưởng.
Dù vậy, bối cảnh kinh doanh ngày nay đã rất khác biệt so với đầu năm ngoái. Sự khác biệt trong năm nay không chỉ phụ thuộc nhiều vào câu chuyện bên ngoài về địa chính trị hay lạm phát toàn cầu, mà còn là các chính sách bình ổn thị trường từ bên trong, bao gồm câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp và các quy định mới về tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng có nhiều thay đổi.
Ngoài ra, cũng có thể thấy một điều là xu hướng phân hóa về quy mô cũng như chất lượng ngân hàng sẽ ngày càng rõ rệt hơn, ít nhất có thể dễ dàng thấy ở xu hướng phân bổ chỉ tiêu tín dụng.
Về mặt chính sách, định hướng trong năm nay tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%, sau khi mức tăng 14,17% trong năm ngoái, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.
Hồi giữa tháng 1, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.
Trên thực tế, trong năm ngoái, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của cơ quan quản lý đã được điều chỉnh sát sao hơn, ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng. Theo đó, mức độ ảnh hưởng còn tùy thuộc vào danh mục cho vay và khẩu vị rủi ro như cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, cá nhân hay cho vay tiêu dùng.
“Nhóm ngân hàng với chất lượng dư nợ tín dụng tốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được phân bổ hạn mức tín dụng khả quan trong năm 2023 và theo đó tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực”, báo cáo chiến lược công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam hồi cuối tháng 1 nhận định.
Ngoài ra, không giống như lãi suất tăng ngay lập tức, chất lượng tài sản ngân hàng sẽ gặp thách thức về việc kiểm soát chất lượng tài sản từ quí 4, cũng như đối mặt với việc ghi nhận và đánh giá lại các khoản vay khi mặt bằng lãi suất huy động đã thay đổi đáng kể.
Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI, các khoản vay tái cơ cấu do dịch bệnh Covid-19 sau khi hết hạn đã có hồi phục tương đối tốt trong 9 tháng đầu năm 2022. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chất lượng tín dụng sẽ yếu đi từ quí 4-2022, do những thời điểm gián đoạn về nguồn cung tín dụng và mặt bằng lãi suất cho vay cao hơn”, báo cáo của SSI nhận định.
Theo đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa về mặt chất lượng tài sản một khi tình hình kinh tế trở nên xấu hơn dự kiến, nợ xấu khi đó có thể gia tăng khi thị trường bất động sản đóng băng, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trên thực tế, có không ít các lãnh đạo ngân hàng trong các cuộc trao đổi gần đây, cũng tỏ ý lo ngại về thách thức về việc kiểm soát chất lượng tài sản trong năm nay.
Đưa ra mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành là 16% trong năm nay, tức giảm mạnh so với năm ngoái, nhóm phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng môi trường lãi suất cao vẫn là thách thức lớn, cùng với đó là rủi ro nợ xấu và tình hình thanh khoản của các doanh nghiệp nhưng sẽ có sự khác biệt trên thị trường. “Điều mà chúng tôi quan tâm ở nhóm ngành này là câu chuyện ở từng cổ phiếu chuyên biệt”, báo cáo của Yuanta Việt Nam bình luận.