Thứ Bảy, 30/09/2023, 09:06
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Đằng sau câu chuyện một hãng luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đằng sau câu chuyện một hãng luật

Nguyên Tấn

(TBKTSG) – Đó là câu chuyện của một luật sư người Mỹ, ông Sesto E. Vecchi. Đến Việt Nam từ thời trai trẻ, nay đầu ông đã bạc phơ. Dù đã bước sang tuổi 75, ông bảo sẽ vẫn tiếp tục ở lại nơi này. Chẳng phải chỉ vì đang điều hành một hãng luật có lịch sử gần nửa thế kỷ hoạt động tại đây mà với ông còn bởi một lý do khác lớn hơn. Ông coi Việt Nam như quê hương của mình.

Tôi biết luật sư Sesto E. Vecchi cách đây hơn chục năm. Khi ấy, tôi làm thư ký tòa soạn ở một tờ báo và có nhận được bài viết của ông đề cập đến luật chống bán phá giá. Đây là vấn đề pháp lý hết sức mới mẻ vào thời bấy giờ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài sau giai đoạn Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam.

Bây giờ trông ông vẫn tinh anh dù mái tóc đã trắng phau. Khuôn mặt phúc hậu, đẹp lão pha chút quý phái khiến ta cảm thấy dễ gần và an lòng khi gặp vị luật sư cao niên này. Thật khó tưởng tượng ở cái tuổi ngoài bảy mươi, hàng ngày ông vẫn tiếp khách hàng đồng thời với trọng trách giám đốc điều hành phải lo chuyện “cơm gạo áo tiền” cho hãng luật của mình.

Tôi bị mê hoặc!

Trước khi đến Việt Nam, Sesto E. Vecchi đã là luật sư. Công ty luật do ông cùng bạn bè hợp tác thành lập có phạm vi hoạt động tại Washington (Mỹ), Thái Lan. Việc hành nghề đang tiến triển thì ông bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Sau hai năm phục vụ ở Mỹ, đến năm 1965 Sesto E. Vecchi được phái sang miền Nam Việt Nam với nhiệm vụ điều tra các vụ đụng tàu trong quân đội. Một xứ sở mà hàng ngày chỉ được biết đến chiến tranh qua sách báo, radio lập tức cuốn hút chàng trai 29 tuổi.

Sesto E. Vecchi kể rằng ông đã bị mê hoặc bởi không khí luôn sôi động, bởi các món ẩm thực kỳ lạ và đặc biệt bởi những con người quá đỗi thân thiện nơi đây. “Tính cách vui vẻ, hài hước, cởi mở của người Việt đã quyến rũ tôi. Họ thân thiện đến mức chẳng hề quen biết nhau vẫn cứ chào nhau, mời nhau ăn cơm. Cho dù đã từng sống ở Thái Lan bảy năm nhưng tôi đã không có được cảm giác thú vị này”, Sesto E. Vecchi bộc bạch.

Tình cảm yêu mến cùng với cái máu phiêu lưu của tuổi trẻ đã đưa ông đến một quyết định bước ngoặt: lập nghiệp lâu dài tại Việt Nam! Đó là lý do ra đời của hãng luật Russin & Vecchi ngay sau khi ông kết thúc nghĩa vụ quân sự vào năm 1966. Công ty của ông trở thành hãng luật nước ngoài duy nhất có mặt ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Hoạt động đến năm 1974, do ảnh hưởng của chiến sự nên ông đành phải chuyển công ty về Mỹ làm ăn.

Trở lại

Tôi sẽ tiếp tục sống ở Việt Nam và lâu lâu lại làm “khách” nước Mỹ.

Luật sư Sesto E. Vecchi

Tuy vậy, Sesto E. Vecchi vẫn luôn theo dõi tin tức với mong mỏi một ngày nào đó có dịp trở lại mảnh đất nơi mình đã từng gắn bó. Ông đã rất đỗi vui mừng và bị thôi thúc khi biết Chính phủ Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường và mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sesto E. Vecchi quyết định đưa hãng luật Russin & Vecchi trở lại Việt Nam. Quyết định này được vợ ông, vốn là một phụ nữ Việt Nam, hoàn toàn ủng hộ. Đó là vào năm 1993, giai đoạn mà theo ông, thị trường dịch vụ pháp lý ở đây còn rất sơ khai và khó khăn. Khó khăn từ khâu tuyển dụng nhân sự đến tìm kiếm khách hàng. Hãng luật của ông thoạt đầu chỉ có bốn luật sư, trong đó hai luật sư Việt Nam và hai luật sư nước ngoài.

“Khách hàng của chúng tôi lúc bấy giờ khá “hẻo”. Chính phủ vừa mới thực hiện chính sách mở cửa, chưa thật hiểu hết bên ngoài. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa hiểu nhiều về Việt Nam nên họ còn e ngại, chưa dám đầu tư vào đây”, ông kể. Trong vai trò luật sư, Sesto E. Vecchi cùng với các đồng nghiệp của mình đã kiên nhẫn tư vấn, trở thành chiếc cầu nối giúp các nhà đầu tư nước ngoài thông hiểu hơn về chính sách, pháp luật của nhà nước Việt Nam. Một trong những kỷ niệm khó quên của ông là trường hợp đầu tư của tập đoàn bia Heneiken. Ông đã phải bàn bạc, thuyết phục suốt cả năm trời, nhà đầu tư này mới đi đến quyết định thành lập một nhà máy sản xuất bia liên doanh với phía Việt Nam.

Sesto E. Vecchi luôn thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài bởi ông nhìn thấy tiềm năng của một chính phủ cởi mở, biết lắng nghe các doanh nghiệp. “Mặc dù không phải ý kiến nào của nhà đầu tư cũng được ghi nhận nhưng rõ ràng sự cởi mở ấy đã tạo nên ưu thế riêng. Ví dụ như ở Thái Lan, không hề có chuyện các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết các chính sách đều do chính phủ ở đấy tự thiết kế, làm lấy”, Sesto E. Vecchi nhận xét. Tuy nhiên, để có những chính sách tốt, theo vị luật sư cao niên, Chính phủ Việt Nam cần lắng nghe nhiều hơn nữa bởi suy cho cùng pháp luật được ban hành chính là do ý nguyện của người dân và phục vụ cho quyền lợi của họ.

Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Russin & Vecchi bây giờ đã là một hãng luật tên tuổi với đội ngũ luật sư đông gấp năm, sáu lần so với thời kỳ mới bắt đầu quay lại Việt Nam. Trong đó, luật sư Việt Nam chiếm gần 99%. Thậm chí, trong số ba thành viên (partner) của công ty, ngoài ông ra, số còn lại đều là luật sư Việt Nam. Hầu hết các luật sư ở đây đều còn trẻ. Ngoài quan hệ đồng nghiệp, họ coi ông như một người bố, người ông tốt bụng.

Bên cạnh sự nghiệp, Sesto E. Vecchi còn có một đại gia đình với hai dòng máu Việt-Mỹ. Hai cô con gái của ông đều đã có chồng, con. Tôi hỏi: “Ông có quyết định gì cho tương lai nữa không?”. “Tôi sẽ tiếp tục sống ở Việt Nam và lâu lâu làm “khách” nước Mỹ”, ông già hóm hỉnh trả lời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới