Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau câu chuyện TikTok

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đằng sau câu chuyện TikTok

Nguyễn Vũ

(TBKTSG) – Giả thử TikTok là một ứng dụng của bất kỳ nước nào khác, như của Pháp chẳng hạn, sẽ chẳng có gì lớn chuyện. Đằng này nó là sản phẩm của một doanh nghiệp Trung Quốc nên đang trở thành một trong nhiều mục tiêu tấn công trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc thương chiến trên nhiều mặt trận.

Đằng sau câu chuyện TikTok

Một chút lịch sử

Tháng 12-2017, ByteDance, một công ty công nghệ Trung Quốc mua lại Musical.ly là một ứng dụng giúp giới trẻ nhảy và hát nhép theo các clip video nhạc. Musical.ly cũng do hai người Trung Quốc thành lập ở Thượng Hải nhưng tung sản phẩm ra cùng lúc trên cả hai thị trường Trung Quốc và Mỹ. ByteDance mua Musical.ly với giá đâu chừng 800 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ về sáp nhập nó với một ứng dụng tương tự của họ là TikTok. Nhờ lượng người dùng có sẵn của Musical.ly, TikTok mới, gộp cả Musical.ly phát triển với tốc độ chóng mặt. Hiện nay TikTok có khoảng 100 triệu người dùng ở Mỹ, chủ yếu là giới trẻ.

Hình ảnh của hàng trăm triệu người được thu thập kết nối với dữ liệu sinh trắc học của họ, tên tuổi, địa chỉ, các mối quan hệ xã hội và với công nghệ nhận dạng, trí tuệ nhân tạo, người ta có thể khai thác những thông tin này vào đủ thứ việc.

TikTok hoạt động như một mạng xã hội, trong đó người dùng thay vì đưa các mẩu viết ngắn hay hình ảnh, video lên để chia sẻ với bạn bè như Facebook hay Twitter, trên nền tảng này họ tạo ra các video ngắn chỉ 3-15 giây, có thể là hát nhép, nhảy múa, tấu hài, diễn trò… cũng để chia sẻ với bạn bè. Giới trẻ chê đọc trên Facebook nhàm quá nên đổ xô qua TikTok để giải trí, nhất là trong lúc bị cách ly vì dịch Covid-19. Nhiều nhân vật nổi tiếng nhanh chóng có hàng chục triệu người theo dõi trên mạng xã hội đời mới này. Hiện nay ở trên khắp thế giới, TikTok đã có hơn 1 tỉ người dùng. Tại thị trường Trung Quốc, TikTok mang tên Douyin, cũng có trên 500 triệu người dùng.

Sự thành công ngoài sức tưởng tượng của TikTok cũng đi kèm với nhiều vấn đề, đặc biệt là quan ngại về nội dung video mà người dùng đưa lên. Trong hàng triệu mẩu video ngắn do người dùng khắp nơi chia sẻ trên TikTok ắt hẳn sẽ có những nội dung thô tục, khiêu dâm, hay ít ra là vô văn hóa. Phụ huynh thì lo ngại con cái say mê TikTok đến mức nghiện, không dứt được. ByteDance thề sống thề chết tách hoạt động của TikTok ra khỏi Trung Quốc, máy chủ đặt ở Mỹ và Singapore, thuê CEO cho TikTok là cựu lãnh đạo của Walt Disney… Nhưng nỗi hoài nghi mối dây liên hệ giữa ByteDance nói riêng và các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung với chính quyền Trung Quốc, kể cả việc chia sẻ thông tin là khó lòng xóa bỏ trong suy nghĩ của nhiều nước.

Vì sao Mỹ đòi cấm cửa TikTok?

Cách Mỹ ứng xử với một ứng dụng mạng xã hội như TikTok có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh. Ở bình diện cạnh tranh công nghệ, có thể lý giải Mỹ muốn chặn đứng mọi ngõ phát triển của Trung Quốc, từ mạng 5G của Huawei và nay là TikTok và có thể sẽ là Lenovo hay Tencent. Trước đó, Trung Quốc cũng đã từng cấm cửa nhiều ứng dụng của Mỹ trên đất Trung Quốc như Facebook, Twitter hay thậm chí công cụ tìm kiếm Google, ứng dụng coi phim Netflix, các tờ báo như New York Times… Nay khi hai nước gần như đang ở trong tình trạng chiến tranh lạnh thì Mỹ cấm TikTok để trả đũa cũng là điều dễ hiểu. Sự lao đao của TikTok lại là nỗi vui của Facebook hay Google (YouTube) khi một đối thủ lớn quá nhanh bị ngáng chân để họ có thời gian tìm cách cạnh tranh.

Hiện nay, Mỹ đưa ra lý do để đòi cấm TikTok là lo ngại an ninh quốc gia bị xâm phạm. Với Facebook, người ta chỉ lo ngại thông tin riêng tư của người dùng bị lộ hay bị khai thác. Nhưng với TikTok thì khác: ứng dụng của TikTok trên Android và iOS nói họ thu thập thông tin sử dụng, địa chỉ IP, mạng viễn thông, vị trí người dùng… Quan trọng hơn, sản phẩm chủ yếu của TikTok là video; video đó có thể vô hại như hình ảnh quay trong một căn phòng trống nhưng cũng có thể nhạy cảm như một căn cứ quân sự. Hình ảnh của hàng trăm triệu người được thu thập kết nối với dữ liệu sinh trắc học của họ, tên tuổi, địa chỉ, các mối quan hệ xã hội và với công nghệ nhận dạng, trí tuệ nhân tạo, người ta có thể khai thác những thông tin này vào đủ thứ việc.

Biện pháp Chính phủ Mỹ đưa ra là sẽ cấm TikTok hoạt động trên đất Mỹ nếu công ty mẹ sở hữu ứng dụng này không bán nó cho một công ty khác của Mỹ. Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hai sắc lệnh hành pháp cấm các doanh nghiệp Mỹ mua bán, có bất kỳ giao dịch gì với ByteDance và Tencent sau 45 ngày tới. Với WeChat của Tencent, lệnh cấm này đồng nghĩa với cấm WeChat hoạt động trên đất Mỹ còn với ByteDance, đó là cách thúc đẩy họ phải nhanh chóng bán TikTok ngay. Trước đó, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua một sắc luật cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do Nhà Nước cấp phát; sắc luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng trước. Không chỉ có Mỹ, một số quốc gia tại châu Âu như Pháp, Hà Lan… cũng bắt đầu điều tra TikTok liên quan đến nghi vấn vi phạm luật bảo mật.

Microsoft xuất hiện

Giả thử Mỹ thông qua lệnh cấm TikTok hoạt động trên đất Mỹ, trước hết họ phải trả lời cho 100 triệu người dùng ở Mỹ vì sao cấm TikTok. Giải thích bằng chuyện đánh cắp thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay tạo ảnh hưởng lên chính trường nước Mỹ qua tuyên truyền là khó chấp nhận đối với họ. Đây là lượng người dùng không nhỏ, hoàn toàn có khả năng tạo ra xu hướng mà những người làm chính sách của Mỹ phải để tâm. Bên cạnh lượng người dùng đông đảo này, còn có những nhà đầu tư Mỹ đã rót tiền vào ByteDance từ mấy năm nay. Họ cũng không dễ chịu mất những khoản đầu tư lớn và nhất là những khoản lợi nhuận khổng lồ từ đồng vốn mạo hiểm của họ. Vì thế giải pháp Microsoft tự nhiên lại là giải pháp được nhiều người trông đợi.

Microsoft đã chính thức ngỏ lời muốn mua hoạt động của TikTok tại Mỹ và một số thị trường khác như New Zealand, Australia và Canada. Với cái giá có thể từ 15 tỉ đến 40 tỉ đô la, Microsoft bỏ tiền ra mua TikTok sẽ được nhiều cái lợi, ngay lập tức đẩy Microsoft vào tâm cuộc chơi mạng xã hội. Trước nay, Microsoft đã chuyển hướng vào điện toán đám mây và phần mềm văn phòng nhưng hai lĩnh vực này cũng đang bị Google thách thức. Có TikTok, Microsoft có thể đáp trả khi gây lo ngại cho YouTube của Google. Mua TikTok, Microsoft sẽ có ngay một kho dữ liệu về giới trẻ, đối tượng khách hàng bị bỏ quên của Microsoft. Với Chính phủ Mỹ, họ đánh giá Microsoft hoàn toàn có khả năng cắt đứt mọi mối dây liên hệ giữa TikTok và chính quyền Trung Quốc nếu có sau khi mua và bảo đảm dữ liệu người dùng ở Mỹ sẽ nằm yên ở Mỹ. Microsoft lại không quá mạnh như Facebook để Mỹ lại phải lo chuyện độc quyền, chi phối môi trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, một công ty đã bước vào tuổi trung niên như Micrsoft mà thâu tóm một công ty tuổi teen như TikTok sẽ đem theo nhiều mối nhức đầu. Đặc biệt trong bối cảnh Microsoft thoát sự soi mói của các nhà lập pháp Mỹ đòi trừng phạt các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ gồm Facebook, Apple, Google và Amazon về tội độc quyền, nay có trong tay TikTok, họ có thể bị soi trở lại như thời độc quyền Windows và Internet Explorer.

Với Facebook hay Twitter, tương tác người dùng ở các nước khác nhau là rất ít, chủ yếu do hàng rào ngôn ngữ. Nhưng với TikTok, ngôn ngữ là hình ảnh động nên người dùng ở Mỹ có thể chia sẻ video của người dùng khắp thế giới. Khi Microsoft mua TikTok xong, thế giới sẽ có hai TikTok, một của Microsoft quản lý, một của ByteDance. Hai bên tương tác với nhau như thế nào là chưa rõ nhưng một sự chia tách như vậy làm giảm giá trị của TikTok một cách đáng kể.

Dù sao từ câu chuyện TikTok nhìn rộng ra, có lẽ thế giới rồi sẽ phải ngồi lại để soạn thảo các chính sách nhất quán về các sản phẩm trong thời đại kỹ thuật số. Bởi lập luận của Mỹ áp dụng cho TikTok hoàn toàn có thể được một nước khác áp dụng cho Facebook hay Twitter. Hiện nay, Facebook hay Google đang thu thập, sở hữu và phân tích biết bao là thông tin về người dùng khắp thế giới, từ thông tin vô thưởng vô phạt đến các dữ liệu nhạy cảm cần được bảo mật chặt chẽ. Nhưng không vì thế mà các nước cấm cửa Facebook hay Twitter trừ một số như Trung Quốc. Có thể các doanh nghiệp này duy trì một sự độc lập nhất định với Chính phủ Mỹ nhưng nào ai biết họ sẽ làm gì với những loại thông tin này. Một chính sách yêu cầu minh bạch hóa mọi thuật toán dùng trên mạng xã hội để bảo đảm chúng tuân thủ nguyên tắc bảo mật là cần thiết và sau đó sẽ được áp dụng chung cho mọi nước và mọi sản phẩm họ làm ra.

Lệnh cấm WeChat được diễn dịch như thế nào?

Theo Financial Times, sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký, cấm mọi giao dịch thuộc thẩm quyền Mỹ liên quan đến WeChat của tập đoàn Tencent còn phải đợi Bộ Thương mại Mỹ xác định đó là những giao dịch gì trong 45 ngày tới. Tuy nhiên, lệnh cấm có thể dẫn tới chuyện cả Apple lẫn Google phải gỡ ứng dụng WeChat ra khỏi kho ứng dụng của họ trên App Store và Google Play. WeChat là một ứng dụng nhắn tin, sau đó phát triển như một mạng xã hội và còn được dùng như ví điện tử ở Trung Quốc.

Mỹ cũng có thể cấm các doanh nghiệp Mỹ cung ứng máy chủ, máy tính và phần mềm cho Tencent hoạt động. Ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ từng dùng WeChat để tung ra các chiến dịch bán hàng như Walmart, Coca-Cola, Nike… cũng sẽ phải ngưng các chiến dịch này. Thật ra, số lượng người dùng WeChat ở Mỹ rất thấp, vào khoảng 3 triệu, chủ yếu trong cộng đồng người Hoa và sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ. Họ dùng WeChat để liên lạc với gia đình ở Trung Quốc chứ WeChat ở Mỹ chưa là ứng dụng thanh toán di động phổ biến như ở Trung Quốc.

Điều đáng ngạc nhiên là, theo Financial Times, lệnh này không thể cấm người ta sử dụng WeChat, kể cả người Mỹ trên đất Mỹ vì sử dụng WeChat để liên lạc cá nhân, không liên quan đến giao dịch tài chính nào thì nằm ngoài phạm vi lệnh cấm. Tờ báo này cũng chỉ ra một chi tiết cho thấy lệnh cấm được soạn thảo vội vã: tên của tập đoàn chủ sở hữu WeChat là Tencent Technology đóng ở Thâm Quyến chứ không phải Tencent Holdings vì Tencent Holdings là tên tập đoàn mẹ niêm yết ở Hồng Kông.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới