(KTSG Online) - Trước khi điều chỉnh trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá cà phê arabica tương lai trên sàn giao dịch liên lục địa (ICE) ở New York đã 15 lần lập kỷ lục về đỉnh giá trong 3 tuần qua. Ngoài mối lo nguồn cung thiếu hụt ở Brazil, nhà sản xuất arabica lớn nhất thế giới, làn sóng đóng vị thế bán khống (bằng cách mở vị thế mua) để tránh thua lỗ trên sàn ICE cũng góp phần vào mức tăng giá chóng mặt này.
- Giá cà phê Arabica vượt mốc 7.660 đô la Mỹ mỗi tấn
- Cà phê arabica xác lập đỉnh giá mới giữa lo ngại thiếu hụt nguồn cung
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/Ca-phe-arabica.jpg)
Chốt phiên giao dịch hôm 14-2, giá cà phê arabica giao tháng 3 giảm 4,36%, xuống còn 4,2 đô la Mỹ/ pound (0,453 kg) sau khi đạt đỉnh giá mới gần 4,4 đô la /pound trong phiên giao dịch hôm trước. Trước đó, cà phê arabica có chuỗi ngày tăng giá liên tục, với 14 lần liên tiếp leo lên mức cao mới. Rủi ro sản lượng suy giảm do thời tiết khô hạn ở Brazil, nước sản xuất arabica lớn nhất thế giới, là nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường arabica giao sau.
Thị trường cà phê bắt đầu nóng lên hồi cuối tháng 1 khi Cơ quan quản lý và giám sát nguồn cung hàng hàng hóa nông nghiệp của Brazil (Conab) dự báo, sản lượng cà phê trong niên vụ 2025-2026 sẽ giảm 4,4% so với niên vụ trước, xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 51,81 triệu bao (mỗi bao tương đương 60kg).
Bên cạnh đó, sau khi bán khoảng 85% sản lượng cà phê trong vụ mùa hiện tại, nông dân Brazil đang găm số cà phê ít ỏi còn lại, khiến nguồn cung càng thắt chặt.
Theo các nhà giao dịch và giới phân tích, áp lực mua lại các vị thế bán khống (đặt cược giảm giá) đối với cà phê arabica tương lai của nhà đầu tư càng khiến giá tăng mạnh.
Đầu tuần nay, sàn ICE, nơi các hợp đồng tương lai được sử dụng như thước đo chuẩn để định giá cà phê thực trên thế giới, một lần nữa thông báo tăng mức ký quỹ đối với các giao dịch sử dụng đòn bẩy (margin). Động thái này nhằm bảo đảm nhà đầu tư có đủ tài sản để tránh bị thanh lý vị thế đối với các giao dịch thua lỗ.
Đối với hợp đồng cà phê arabica tương lai giao dịch nhiều nhất, mức ký quỹ sẽ tăng thêm 10%, lên 10.410 đô la Mỹ /hợp đồng (mỗi hợp đồng tương đương khoảng 17 tấn), cao hơn gấp đôi so với cách đây 1 năm.
Điều này có nghĩa để giao dịch 100 tấn cà phê arabica theo hợp đồng này, mức ký quỹ hàng ngày ban đầu của nhà đầu tư khoảng 62.000 đô la. Mức ký quỹ sẽ tăng thêm nếu vị thế giao dịch của nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ.
Đối với những nhà đầu tư đang bán khống hợp đồng tương lai 100 tấn arabica, số tiền ký quỹ có thể lên tới hàng trăm ngàn đô la do giá đang tăng quá nhanh, gây ra thua lỗ lớn.
Nhiều nhà đầu tư đang giữ các vị thế bán khống lớn hơn 100 tấn. Nếu không có tiền bổ sung ký quỹ khi giá cà phê arabica tăng mạnh, họ buộc phải đóng các vị thế này. Cách phổ biến để làm như vậy là mua các hợp đồng tương lai. Điều này khiến giá cà phê arabica trên sàn ICE càng tăng mạnh hơn.
Một nhà giao dịch giấu tên của một trong những công ty giao dịch cà phê lớn nhất thế giới cho biết, nhà đầu tư đang được yêu cầu bổ sung hàng tỉ đô la đang trong các lệnh gọi ký quỹ (call margin). Nhà giao dịch này không thấy dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Các nhà kinh doanh cà phê thường nắm giữ các vị thế bán khống tương lai để phòng ngừa rủi ro cà phê vật chất giảm giá trị vào thời điểm giao hàng.
Trong một thị trường tăng giá, chiến lược này sẽ sụp đổ nếu họ không thể “gồng” lỗ ở vị thế bán khống cho đến khi cà phê vật chất được giao.
Bị thua lỗ lớn do bán khống cà phê arabica tương lai, hai nhà kinh doanh cà phê Atlantica và Cafebras ở Brazil đã đệ đơn xin tái cấu trúc nợ dưới sự giám sát của tòa án vào cuối năm ngoái.
Các nhà phân tích cho biết, có nguy cơ cao là các nhà kinh doanh cà phê khác sẽ sớm rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt để bổ sung ký quỹ cho các vị thế bán khống đang thua lỗ.
“Hạn mức tín dụng của các nhà kinh doanh cà phê hiện rất căng thẳng khi giá cà phê arbica xoay quanh mức giá 4 đô la/pound. Vì vậy, mỗi khi một nhà rang xay cà phê hoặc nhà đầu cơ mua hợp đồng tương lai, thị trường sẽ càng trở nên thắt chặt đối với những bên bán khống đang đứng trước áp lực đóng vị thế”, một nhà phân tích thị trường cà phê cho biết.
Theo Reuters