Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đằng sau những cú ‘bắt trend’ nhượng quyền giá rẻ

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khoảng vài ba năm đổ lại đây, thị trường F&B sôi động với nhiều mô hình khởi nghiệp, kinh doanh. Trong đó, với ngành hàng trà sữa cà phê, không ít thương hiệu theo xu hướng chuyên phục vụ giới trẻ đã xuất hiện, kéo theo làn sóng nhượng quyền khắp nơi. Đặc biệt, hàng loạt “brand” có chi phí nhượng quyền giá rẻ đã thu hút nhiều nhà đầu tư muốn nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Gia nhập sân chơi F&B với chi phí thấp

Thị trường nhượng quyền F&B tại Việt Nam không còn mới mẻ nhưng đang đa dạng hóa về mô hình để trở nên phổ biến hơn. Không chỉ các thương hiệu quốc tế uy tín vào Việt Nam, tại đây, việc nhân chuỗi thương hiệu nội địa cũng dễ dàng hơn qua nhượng quyền thương mại giá rẻ, chi phí đầu tư ban đầu thấp với lời giới thiệu phí mua nhượng quyền chỉ từ “0 đồng” hay vài chục triệu đồng. Hiện nay, nhiều cá nhân tự dựng mô hình sản phẩm theo trend cũng có thể bán nhượng quyền trong thời gian ngắn.

Nhìn chung, đặc điểm của thương hiệu nhượng quyền giá rẻ F&B là những điểm bán đồ ăn, đồ uống có chi phí ban đầu mua nhượng quyền thấp hơn so với các thương hiệu nổi tiếng hoặc cao cấp. Theo anh Andy Nguyễn, chuyên gia tư vấn kinh doanh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B, thường các brand (thương hiệu) mới, muốn làm thị trường nhanh sẽ đầu tư ban đầu khá lớn để tăng độ phủ. Việc phát triển được nhiều cửa hàng sẽ gia tăng độ nhận diện, tăng giá trị thương hiệu cho họ.

Các quán đồ ăn, đồ uống nhận nhượng quyền với chi phí thấp luôn thu hút các nhà kinh doanh thay vì từng bước xây dựng thương hiệu của riêng mình từ con số 0. Mô hình này thường có tiền đầu tư thấp, mặt bằng, nguyên liệu và giá thành món rẻ phù hợp với những người muốn kinh doanh nhưng nguồn vốn hạn chế. Đây là đặc điểm khiến các ông chủ “tay ngang” gia nhập thị trường này.

Chuỗi trà sữa Chuk Chuk từng xuất hiện phủ sóng khắp khu trung tâm TPHCM. Ảnh minh họa: DNCC

Thực tế, số tiền mua thương hiệu chỉ là phần nhỏ trong tổng mức đầu tư một cửa hàng. Đại diện từ công ty Golden Zone, đơn vị tư vấn, xây dựng chuỗi ở Việt Nam, nói rằng với nhượng quyền giá rẻ, xảy ra trường hợp nhà đầu tư phải chi một loạt các chi phí khác bắt buộc như mua máy móc, nguyên vật liệu.

Sau khi ký hợp đồng và thu phí nhượng quyền thấp hoặc miễn phí, nhà đầu tư có thể sẽ  nộp thêm nhiều phí, tùy vào giá trị thương hiệu ban đầu như phí tư vấn chọn mặt bằng, thiết kế, thi công nội thất, mua máy móc, nguyên vật liệu theo chuẩn của cơ sở gốc. Hàng tháng các cửa hàng sẽ nhập nguyên vật liệu từ đó và đóng các khoản phí thường niên như phí quản lý, marketing...

“Một số brand mẹ là công ty sản xuất nguyên vật liệu hoặc đi OEM nguyên vật liệu, máy móc thì họ sẽ lấy doanh thu lợi nhuận từ việc cung cấp độc quyền toàn bộ nguyên vật liệu, máy móc cho hệ thống cửa hàng của họ. Lúc này việc phát triển nhượng quyền giống như phát triển đại lý bán hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm”, vị này nói thêm.

Nhượng quyền giá rẻ, thách thức không chỉ đến từ chi phí

Thông thường, mô hình theo trend, dễ làm theo thì chi phí nhượng quyền, chi phí đầu tư thấp. Trong khi đó, những mô hình có tính độc quyền về công thức, khó bắt chước, sản phẩm được ưa chuộng sẵn, tên tuổi được bảo chứng, quy trình hệ thống bài bản thì có phí nhượng quyền và phần trăm hàng tháng khá cao.

Việc nhượng quyền giá rẻ sẽ giúp thị trường có nhiều mô hình cho nhà đầu tư lựa chọn, phù hợp với mức vốn từ vài chục triệu, vài trăm triệu, vài tỉ đến nhiều tỉ, hay khu vực kinh doanh ở trung tâm các thành phố lớn hoặc ở tuyến huyện, tuyến xã. Tuy nhiên nhà đầu tư cần được tư vấn để đưa ra kế hoạch kinh doanh phù hợp, khả thi tránh trường hợp mô hình giá rẻ dễ bắt chước nên có tuổi thọ kinh doanh ngắn.

Dù đầu tư nhỏ hay lớn, chủ kinh doanh cần biết hết các chi phí bỏ ra và bảng dự kiến kết quả kinh doanh, khả năng thu hồi vốn trong bao lâu. Sau khi hoàn vốn, cửa hàng có lợi nhuận ước tính như thế nào, có phù hợp với kế hoạch tài chính của bản thân không và nên dành thời gian đi khảo sát các điểm bán thực tế.

Một thương hiệu trà sữa nhượng quyền được đánh giá là có chi phí khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường đồ uống. Ảnh minh họa: DNCC

Trên thị trường không hiếm thấy các chuỗi có tốc độ phủ sóng cao nhưng sau thời gian ngắn gần như biến mất khỏi thị trường, lý giải cho điều này, ông Andy Nguyễn cho rằng khi đơn vị chỉ tập trung nhân bản mà hệ thống quy trình quản lý chưa hoàn thiện chuẩn chỉnh, không phát triển nghiên cứu sản phẩm tốt, làm thương hiệu không có giá trị cốt lõi thì dễ bị lung lay, cạnh tranh từ đối thủ. “Các chuỗi phát triển theo trend, thay đổi theo không kịp hoặc không có khả năng theo hoài sẽ bị mất đi bản sắc của thương hiệu, rồi thị trường đào thải để các nhãn hàng mới xuất hiện”, ông nhấn mạnh.

Điều này đặt ra thách thức với đội ngũ nghiên cứu và phát triển chất lượng sản phẩm. Họ phải làm sao giúp thương hiệu tạo ra sự khác biệt, đòi hỏi nhân lực tập trung vào sức khỏe của doanh nghiệp trước khi đi nhượng quyền. Đồng thời, nhà kinh doanh nhận quyền cũng nên tìm hiểu kĩ càng về thương hiệu mình sắp đầu tư.

Bên cạnh mua nhượng quyền giá rẻ, nhà đầu tư có thể tìm đến dịch vụ xây dựng thương hiệu riêng. Các công ty có năng lực, kinh nghiệm về phát triển chuỗi sẽ cung cấp các dịch vụ, tư vấn cần thiết theo mục tiêu và kế hoạch thiết lập cửa hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới