Thứ bảy, 8/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đánh giá kỷ nhân sinh: Phước lành khi được sống trên Trái đất

Nữ Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Độc giả thanh thiếu niên Việt Nam vốn đã quen biết với tác giả người Mỹ John Green qua những Đi tìm Alaska, Khi lỗi thuộc về những vì sao, Những thành phố giấy, Bầy rùa chồng chất… Trong bài viết này, John Green xuất hiện với tác phẩm Đánh giá kỷ nhân sinh (tên gốc tác phẩm The Anthropocene Reviewed: Essays on a Human-Centered Planet) để kể câu chuyện về kỷ nhân sinh của chúng ta. Green cho rằng mọi thứ đều có sức sống riêng, không phân biệt nhỏ bé hay lớn lao vì tất cả đang góp phần tạo nên Trái đất mà chúng ta đang sống.

Kỷ nhân sinh (Anthropocene) là thuật ngữ dùng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trên Trái đất, tương tự kỷ phấn trắng, kỷ băng hà… Trong kỷ nhân sinh, những hoạt động của nhân loại thực phong phú và phức tạp biết bao. Đồng thời, chúng ta không được phép quên đây là thời kỳ kế thừa từ các thời kỳ khác, trên một Trái đất hàng tỉ năm tuổi.

“Lịch sử, cũng giống như đời người, vừa nhanh thần tốc vừa chậm như sên”, John Green viết như vậy trong tản văn về sao chổi Halley trong cuốn Đánh giá kỷ nhân sinh (Bảo Anh dịch, NXB Trẻ, 2024).

Thử đánh sao cho cuộc sống của ta

Lịch sử mà John Green muốn nói ở trên là lịch sử của đời người, một lịch sử được tiếp nối từ cuộc đời này sang cuộc đời khác. Đời người tưởng ngắn không ngắn, nhưng dài thì cũng chẳng dài. Green lấy hành trình của sao chổi Halley làm ví dụ.

Đây là ngôi sao chổi nổi tiếng trong lịch sử thiên văn học. Có lẽ nó đã được miêu tả trong các văn bản kinh điển của nhân loại từ rất lâu. Nhưng tên gọi chính thức của nó được đặt theo tên của nhà khoa học Edmond Halley - người đã dự đoán chính xác lần tái xuất của sao chổi vào năm 1758 và từ đó thế giới gọi tên ngôi sao chổi nổi tiếng này theo tên ông.

“Tôi cảm thấy mình như người đang gieo hạt cà rốt vào Trái đất, nhưng thật ra, như em trai sẽ nói với tôi, tôi là Trái đất đang gieo trồng Trái đất vào chính nó”.

Điều thú vị ở đây là chính Halley cũng không còn sống để chứng kiến dự đoán của mình trở thành hiện thực. Ông qua đời năm 1742. Chuyện tréo ngoe ở đây chính là người được đặt tên cho ngôi sao sẽ không bao giờ biết điều đó, cuộc đời ông đã ngắn hơn hành trình của một ngôi sao. Và chúng ta cũng thế.

Cuối tháng 10-2024, trận mưa sao băng Orionid đạt cực đỉnh, Orionid là lớp bụi mà sao chổi Halley để lại. Lần gần đây nhất, Halley bay ngang Trái đất là năm 1986. Các nhà khoa học dự đoán, thời điểm sao chổi Halley bay ngang quỹ đạo Trái đất lần tới là năm 2061. Khi đó, nó sẽ có kích thước lớn đến mức sẽ sáng hơn bất kỳ vì tinh tú nào trên bầu trời. Ai từng thấy ngôi sao này vào năm 1986, có cơ may hội ngộ nó vào năm 2061?

Như Green viết, mỗi lần sao chổi Halley tái ngộ nhân loại, thế giới đã bước sang trang mới. Một lần nó xuất hiện trong quá khứ, vẫn chưa có khái niệm nước Mỹ. Năm 1986, không ai hình dung thế giới có một đại dịch mang tên Covid-19. Chúng ta không được phép ra khỏi nhà, đến thở thôi cũng là một may mắn.

Mượn lịch sử của sao chổi Halley, John Green muốn nói đến lịch sử nhân loại. Ông muốn có một cơ hội nhìn nhận lại thế giới hiện tại mà chúng ta đang sống. Một thế giới mà ngày nay, việc đánh giá bằng các ngôi sao không chỉ giới hạn ở quán ăn, nhà hàng mà xuất hiện với tất tần tật mọi thứ trên đời. “Thang điểm năm sao không chỉ áp dụng cho sách vở và phim ảnh mà còn cho nhà vệ sinh công cộng lẫn nhiếp ảnh gia đám cưới” (Sđd, tr.13). Vậy thì tại sao chúng ta không thử đánh giá kỷ nhân sinh?

Chúng ta là Trái đất

Kỷ nhân sinh của chúng ta có gì? Đối với John Green, đó là thời kỳ diệu kỳ, đầy ắp những chuyện lý thú. Từ ngôi sao chổi Halley đã nhắc ở trên, đến ngỗng Canada, Dr Pepper, bánh mì kẹp xúc xích… Dưới mắt Green mọi thứ đều có sức sống riêng, không phân biệt nhỏ bé hay lớn lao vì tất cả đang góp phần tạo nên Trái đất mà chúng ta đang sống.

Theo cách hiểu của Green, chính chúng ta là Trái đất, hay nói đúng hơn là một Tiểu Trái đất có lịch sử, có sự sống, cùng những Tiểu Trái đất khác làm nên diện mạo của kỷ nhân sinh. Ngòi bút của Green phóng túng, tung tẩy giữa hai thái cực nghiêm túc và hài hước. Đôi khi sầu muộn, nhưng thường là lấp lánh một nụ cười tinh quái.

Đánh giá kỷ nhân sinh, còn có một tựa phụ: Tản mạn về thế giới. John Green bước ra khỏi địa hạt hư cấu quen thuộc của mình, địa hạt đã làm nên tên tuổi và thành công của ông, để thể hiện tài dẫn dắt hấp dẫn, cùng những quan sát tinh tế. Điều quan trọng, ông không tách mình ra trong tâm thế một “người dùng”, đang “tiêu thụ” Trái đất mà nhìn nhận bản thân chỉ là một phần trong đó. Một người như mọi người, bằng đóng góp của mình đang tham gia vào việc làm hành tinh xanh của chúng ta tốt hơn hay xấu đi.

“Tôi cảm thấy mình như người đang gieo hạt cà rốt vào Trái đất, nhưng thật ra, như em trai sẽ nói với tôi, tôi là Trái đất đang gieo trồng Trái đất vào chính nó” (Sđd, tr.378).

Trong Đánh giá kỷ nhân sinh, John Green không phải là kẻ lãng mạn đi khắp nơi trên thế giới nhặt nhạnh những điều kỳ thú ngõ hầu thu hút độc giả. Ông cũng thấy rõ ràng chúng ta đang làm hành tinh mẹ của mình tổn thương, cũng như khả năng chúng ta có thể sửa chữa những tổn thương đó.

Suy cho cùng, dù với tư cách là một “Trái đất”, tất cả chúng ta cũng biết thời gian của mình là hữu hạn trong sự vô hạn của hành tinh. Nhiều khi ngắn ngủi hơn rất nhiều so với hành trình của ngôi sao chổi Halley. Vậy thì nói như Green, hãy biết ơn điều đó.

Vì “tôi sực nhớ rằng mình sẽ không sống sót. Tôi sẽ, sớm hay muộn, tan vào tất thảy những thứ sẽ trở thành một phần của mọi thứ khác. Nhưng cho đến lúc đó: Quả là một phép màu khi được hít thở trên hành tinh đang sống này. Quả là một phước lành khi được làm Trái đất yêu thương Trái đất” (Sđd, tr.380).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới