Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dạo “chợ” Quảng Châu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dạo “chợ” Quảng Châu

Bài và ảnh: Nguyễn Kim Oanh

Dạo “chợ” Quảng Châu
Châu Giang ban đêm.

(TBKTSG Online) - Buổi tối đầu tiên ở Quảng Châu, chúng tôi thả bộ dạo phố tà tà đến khu chợ ở đường Yi De. Đang đi thì gặp mưa nên phải vào trú mưa ở một tòa nhà đang sửa chữa; ở đó, tôi có dịp lại gần một xe bán thức ăn xem họ bán gì? Hóa ra là món phá lấu nhưng có mùi vị thuốc Bắc! Tôi vốn không hạp mùi thuốc Bắc nhưng nghĩ “Kệ, mua một phần ăn thử xem sao?”. Coi vậy mà cũng thấy ngon ngon, lạ miệng!

Kỳ 1: >>> Qua Quảng Đông du lịch và mua hàng.

Kỳ trước: >>> Ngày đầu tiên ở Quảng Châu.

Đêm Quảng Châu

Bên kia đường cũng có khá nhiều xe đẩy bán hàng ăn vặt. Có cả một xe bán món tàu hủ thúi mà tôi thường thấy qua trong phim của Hồng Kông. Nghe tên đã thấy sợ! Những người rành ăn cho biết, đúng như tên gọi của nó, rất nặng mùi và càng... thúi... càng ngon?! Không biết nó có ma lực gì mà tôi thấy nhiều người đứng ăn lắm. Tôi kéo bạn đi vội qua, chỉ có thể đi ngang nhìn thôi chứ không dám ăn thử đâu. Tôi không thể bịt mũi hoặc nín thở khi ăn được.

Trời vẫn mưa nên chúng tôi tìm lối vào ga tàu điện ngầm, gặp đúng lúc giờ tan sở người đứng xếp hàng chờ mua vé ở các quầy thẻ tự động đông như kiến; thế là lại quay lên và hỏi thăm đường đi đến phố đi bộ Beijing Lu.

Tối hôm ấy, mấy lần tôi nhìn thấy các em bé bán hoa gần như ép buộc khách phải móc ví ra mới được yên thân. Chúng thường mời những cặp đôi nam nữ đang sánh đôi trò chuyện mua hoa. Nếu như họ từ chối, chúng bám theo năn nỉ. Khi trò ỉ ôi này vẫn không làm cho đấng nam nhi động lòng, vẫn không chịu mua hoa tặng bạn gái thì bọn trẻ “tung chiêu” cuối cùng, ngồi xuống ôm chân cô gái không cho đi, vừa năn nỉ vừa khóc lóc cho đến khi đấng “trượng phu” móc ví ra mua hoa của chúng mới thôi. Không biết các độc giả đã từng bắt gặp cảnh như thế chưa? Chứ nếu tôi chỉ nghe nói lại thì thấy khó tin lắm; nhưng hôm ấy, ở dưới đường tàu điện ngầm tôi đã tận mắt thấy và hết sức kinh ngạc!

Beijing Lu, phố đi bộ, mua sắm nổi tiếng của Quảng Châu.

Beijing Lu là con đường đi bộ nổi tiếng nhất Quảng Châu, tập trung rất đông du khách và cả người địa phương. Khách nước ngoài hay dân Trung Quốc từ các nơi đến Quảng Châu du lịch, đi công tác hay làm ăn... thường đến đây tham quan mua sắm. Nơi này ban đêm buôn bán tấp nập trong các trung tâm thương mại lớn, bên ngoài men theo con đường, các sạp bán hàng lưu niệm hay đồ dùng. Ở đây, hỏi giá thì họ nói thách không biết đâu mà trả; theo tôi, nếu trả khoảng 1/3 giá họ đưa ra là có thể mua được, nếu bạn thực sự muốn mua.

Các nhà hàng hay quán ăn vặt nhiều vô kể. Từ lòng, mề gà nướng hay nước bắp cho tới các món Tây đều có. Nhưng người bán sẽ ngăn cản nếu bạn lấy máy ảnh ra chụp, có lẽ họ sợ người khác ‘ăn cắp’ bí quyết kinh doanh của họ. Đi một hồi cũng đói, tôi mua tim gà nướng xiên với ly nước sâm, vừa đi vừa ăn. Cả ngày trời lội bộ cũng mệt rồi nên chúng tôi quay về. Ở đây, taxi cũng tập trung như bến đỗ dành riêng để đón và thả khách. Khi đông khách, bạn phải xếp hàng chờ đến lượt lên xe. Trên taxi có ngăn lưới thép giữa ghế ngồi của tài xế và khách. Trên tấm lưới đó chỉ chừa một ô vuông vừa đủ để khách trả tiền và nhận lại tiền thừa. Nhìn không đẹp mắt, nhưng rất hiệu quả để bảo vệ lái xe.

Dạo “chợ”

Sáng hôm sau, chúng tôi ngủ dậy muộn, ra quán gần khách sạn ăn sáng. Quán này bán toàn món Tàu, từ há cảo, bánh hẹ tới hủ tiếu, cháo gì cũng có. Món ăn hợp khẩu vị và giá cũng không mắc lắm nên mấy ngày ở đây, sáng nào chúng tôi cũng ghé đây ăn.

Một khu chợ cung cấp văn phòng phẩm giá sỉ.

Chuyến đi này, chúng tôi qua đây với mục đích chính là đi xem hàng nên tôi cũng không tham quan được nhiều nơi. Ăn sáng xong, chúng tôi đến trung tâm thương mại cách khách sạn một con đường Yi De. Trên đường đi ngang qua một cái chợ lớn chuyên bán sỉ các mặt hàng khô, nông sản đủ loại như tôm khô, hạt điều, hạt sen, khô cá, các loại nấm và có cả bào ngư vi cá... Từ đây hàng hóa được đóng thùng phân phối đi các nơi (chắc cũng có cả Việt Nam nữa đấy).

Trong vai người đi buôn qua đây tìm hiểu thị trường, chúng tôi đến khu bán văn phòng phẩm, vào từng cửa hàng xem hàng rồi xin catalogue, hỏi giá cả và phương thức thanh toán vận chuyển hàng ra sao... Hầu hết hàng ở đây bán được tiêu thụ khá mạnh ở Việt Nam và giả cả chênh lệch khá nhiều.

Đi hết chợ này đến trung tâm thương mại kia, có lẽ do giấc mơ “làm giàu” khiến tôi quên mất thời gian; tôi đuối sức, định ngồi nghỉ chân mới nhớ ra đã quá bữa ăn trưa, hóa ra do bụng đói. Lang thang lội bộ cả buổi  mà chưa ăn gì nên mất sức. Hai đứa vào một quán ăn, khách toàn là người Hoa, những người bốc vác hàng hóa; chỉ có hai đứa tôi là người ‘nước ngoài’!

Một quán ăn bình dân dành cho người lao động.

Việc đầu tiên là phải xếp hàng mua phiếu, vào quầy đưa phiếu rồi chỉ cho nhân viên các món mình chọn. Vé có nhiều giá, 6 tệ, 8 tệ và 10 tệ. Tôi mua vé 6 tệ, dù chỉ giới hạn 4 - 5 món thôi nhưng ăn không hết. Quán có rất nhiều món, nếu mua giá 8-10 tệ, được chọn niều món hơn, chắc phải là nam giới lao động nặng mới ăn hết được. Tôi mua 6 tệ, chọn 2 món mặn, canh và các món xào. Thức ăn ở đây nhiều dầu mỡ, ăn cũng hơi ngán nhưng cố nuốt để có sức... đi tiếp.

Qua đây, tôi thấy cái gì cũng to đùng, từ nhà ở chung cư đến nơi mua bán, bến xe tàu điện ngầm, đường xá, xe cộ, chắc dân đông nên họ khi làm gì thì làm một lần cho đáng. Lúc còn ở nhà, tôi cũng nghe nói qua Trung Quốc cái gì cũng to lớn, nên tôi cũng ráng dành tiền đi cho biết, qua đây mắt thấy tai nghe mới tin. Chợ bên này rất to, đi hoài không hết, từ tầng trệt lên tầng mười mấy, đâu cũng đầy ắp đủ loại hàng hóa. Mỗi tầng chuyên bán một mặt hàng, tha hồ ngắm nghía, không mua cũng không sao. Hàng hóa ở đây bán giá sỉ nên mua số lượng càng nhiều giá càng lại rẻ.

Chợ bán thực phẩm vào cuối ngày, thưa khách.

Mấy hôm nay ăn toàn những thức nhiều dầu mỡ nên rất ngán. Chúng tôi đến một cái chợ nhỏ tìm mua thức ăn, nhưng về chiều nên hàng hóa không nhiều chỉ rau thịt trái cây thôi. Thế là lại mua một hộp vịt quay về ăn với bánh bao. Người bán hàng hỏi chúng tôi người nước nào, từ đâu tới... Mấy hôm nay, chúng tôi liên tục nghe câu hỏi này. Họ cũng nói, cũng có người Việt qua đây làm ăn nhưng không nhiều. Chúng tôi qua hàng trái cây, định tìm mua dưa hấu. Tôi hỏi dưa hấu họ nhập ở đâu về; người bán dưa hấu nói dưa này nhập từ Mỹ về (?!). Tôi chỉ cười, không biết nói gì nữa!

Ra khỏi chợ, chúng tôi lội bộ về, đường phố đông đúc xe cộ, dòng người xuôi ngược vội vã. Phố xá san sát nhà cao tầng, nhưng cũng có những khoảng trống dành cho cây xanh; nhờ thế gió ngoài sông thổi vào mát mẻ. Chúng tôi lại ghé vào một siêu thị trên đường về xem có gì cần mua nữa không. Một điều đáng ghi nhận là nếu khách không đem theo túi, giỏ đựng hàng về nhà thì phải trả tiềm mua túi của siêu thị chứ không có chuyện miễn phí như bên nước mình. Có lẽ đây là biện pháp để người dân tự hình thành thói quen nhằm mục đích hạn chế rác thải (túi nylon) thay vì kêu gọi chung chung về ý thức bảo vệ môi trường.

Kỳ sau: Nhịp sống Quảng Châu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới