Thứ Bảy, 6/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đào tạo bắt nhịp cùng xu hướng của ngành công nghiệp ô tô

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG online) – Xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong ngành ô tô điện thay đổi rất nhanh chóng, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành này cần phải thay đổi để “bắt kịp” xu hướng mới…

Cần đổi mới giáo dục để bắt kịp xu hướng thay đổi của ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Trung Chánh

Đó là thông tin được nêu ra tại hội thảo khoa học “Xu hướng ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp ô tô trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) tổ chức vào hôm nay, 3-11.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó chủ tịch Hội Ô tô – Máy động lực TPHCM, cho biết dựa trên nền tảng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xe điện (EV), các dòng ô tô thông minh chạy điện là định hướng chiến lược cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Theo ông, sự phát triển nhanh chóng của ô tô điện trong những năm gần đây xuất phát từ nhiều lý do, bao gồm tiến bộ trong công nghệ pin giúp cải thiện mật độ năng lượng và quy trình sản xuất, giúp cung cấp phạm vi lái xe dài hơn, trong khi thời gian sạc nhanh hơn.

Sau sự kiện COP26, mối quan tâm về môi trường thông qua nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và các vấn đề chất lượng không khí đã thúc đẩy Chính phủ các nước, người tiêu dùng và các ngành công nghiệp tìm kiếm các lựa chọn giao thông sạch, thúc đẩy nhu cầu về xe điện.

Nhiều nước đã thực hiện chính sách ưu đãi để thúc đẩy việc áp dụng xe điện như: tín dụng thuế, giảm giá và mục tiêu phát thải, giúp khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào phát triển xe điện.

Thêm vào đó, giá pin giảm kéo theo giá xe điện giảm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn với với xe điện. Đồng thời, mạng lưới trạm sạc đã được đầu tư cũng giúp giảm bớt lo lắng của người lái khi đi đường xa.

“Nhìn chung, những yếu tố nêu trên đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển và áp dụng nhanh chóng của xe điện”, ông Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ phát triển nhanh, việc ứng dụng AI và các phần mềm trong ô tô điện đã trở thành hướng phát triển chủ đạo của ngành công nghiệp ô tô trong thời gian vừa qua và cả tương lai.

Chính sự phát triển nhanh chóng của xe điện, cả về công nghệ được ứng dụng, cho nên, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cần phải đổi mới để “bắt kịp” những xu hướng, đòi hỏi mới của người tiêu dùng.

Theo ông Dũng, các trường đại học cần phải nhanh chóng cải cách và cải tiến mô hình đào tạo hiện tại, bởi các nhà sản xuất đã có những yêu cầu mới về khả năng và chất lượng đào tạo sinh viên ngành ô tô.

Do công nghệ phát triển nhanh, trong khi việc đào tạo theo phương pháp cũ hay nói cách khác không thay đổi cách tiếp cận đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp và yêu cầu của các doanh nghiệp.

TS-LS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng trường DNC- đơn vị tổ chức hội thảo tặng hoa cho đại biểu tham dự.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, các chuyên gia đề xuất cải cách phương thức đào tạo sinh viên ngành ô tô từ bốn điểm, bao gồm thiết kế lại chương trình đào tạo; xây dựng đội ngũ giảng viên; liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; tăng cường đào tạo hướng cá nhân hóa sinh viên.

Chẳng hạn, đối với chương trình giảng dạy, theo ông Dũng, hiện nay hệ thống chương trình đào tạo ô tô ở các trường đại học, cao đẳng vẫn dựa trên các môn học cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành kéo dài “mấy chục năm qua”.

“Chưa có trường nào đưa các môn học về trí tuệ nhân tạo và ô tô điện như: quy hoạch thông minh, khai thác dữ liệu, lý thuyết trò chơi, ngôn ngữ Python (Python là một ngôn ngữ lập trình được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng web, phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu và máy học – PV), dữ liệu lớn, công nghệ kết nối ô tô thông minh, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống điều khiển tiên tiến.., vào chương trình đào tạo”, ông Dũng dẫn chứng.

TS Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng DNC nhấn mạnh, ngành công nghiệp ô tô thế giới đã và đang có sự thay đổi lớn, toàn diện trong lịch sử hơn 125 năm. “Tại Việt Nam, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các ngành dịch vụ kỹ thuật và kinh doanh ô tô cũng đang có sự thay đổi và ngày càng phát triển nhanh theo xu hướng của thế giới”, ông cho biết.

Chính vì vậy, ông Quang kỳ vọng sự kiện là cầu nối giữa các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực ô tô, thiết bị động lực cùng trao đổi, chia sẻ thông tin về lĩnh vực ô tô điện, các công nghệ mới trên ô tô hiện đại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới