Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đập cao trăm mét, cá “đi” kiểu gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đập cao trăm mét, cá “đi” kiểu gì?

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Thay vì yêu cầu bổ sung số liệu cũng như cơ sở tính toán để xây dựng đập thủy điện Pak Lay ở Lào, thì nên đề nghị hủy bỏ luôn dự án này, theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ.

Đập cao trăm mét, cá
TS Lê Anh Tuấn trình bày ở hội thảo diễn ra hôm nay, 15-1, tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại hội thảo “Tham vấn quốc gia dự án thủy điện dòng chính Pak Lay của Lào” được tổ chức hôm nay, 15-1, tại thành phố Cần Thơ, TS Tuấn cho biết trước đó trong những lần tham vấn xây dựng các đập thủy điện như Xayaburi, Don Sahong hay Pak Beng, thì Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối, nhưng Lào không tôn trọng, vẫn tiếp tục xây dựng.

“Bây giờ họ làm đến cái thứ 4, vậy có ai dám chắc họ không làm cái thứ 5, thứ 6 hay không?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng có cần thiết phải tham vấn nữa hay không?

Đối với dự án thủy điện Pak Lay trên dòng chính sông Mê kông, ông Tuấn dẫn nhận xét đánh giá của Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê kông cho biết, các báo cáo về phù sa, nguồn nước, sinh thái, thủy sản…, thì hầu hết đều nói đến phương pháp tính toán chưa được kiểm chứng đầy đủ; thiếu các kết quả kịch bản; số liệu nghèo nàn, chưa phù hợp, không nhất quán…, nhưng thay vì đề xuất bác bỏ dự án, thì lại đề nghị sửa lại là "không hợp lý".

Dự án đập thủy điện Pak Lay (Lào) có công suất lắp đặt 770 MW; sản lượng điện sản xuất 4.125 GWh; dung tích hữu ích hồ chứa 58 triệu m3; cột nước thiết kế 14.5 mét; có 14 tổ máy.

“Tôi thất vọng ở chỗ mình đã chỉ ra và tất cả đều đánh giá là không đạt, nhưng lại kiến nghị sửa. Đã chỉ ra như vậy, thì phải đề nghị hủy bỏ dự án, chứ còn đề nghị sửa lại là không hợp lý”, ông cho biết.

Theo ông Tuấn, đi đôi với kiến nghị hủy bỏ dự án là phải chứng minh có những cái không thể nào làm được. “Ví dụ, đường đi của cá chẳng hạn, với dự án thủy điện Pak Mun (Thái Lan), có thiết kế đường đi cho cá cao 15 mét, mà cá đã không thể nào qua được, thì cái này (Pak Lay) cao cả trăm mét, thì làm sao cá đi được?”, ông đặt vấn đề.

Hoặc với lập luận sử dụng tuabin thân thiện, thì ông Tuấn nhấn mạnh rằng: “Tuabin thân thiện là không có” và dẫn chứng: “Chính Đại học Cần Thơ đã cử một đoàn đi Mỹ, tiếp xúc với Văn phòng Liên đoàn công binh Mỹ, nơi nghiên cứu về tuabin, thì họ nói không có tua- bin thân thiện”.

Theo ông Tuấn, đừng nên “ảo tưởng” và dễ tin khi nhà đầu tư cam kết sử dụng tuabin thân thiện. “Họ nói cho mình có cảm giác an toàn để họ làm tiếp thôi”, ông nhận định.

Theo ông, trong đánh giá tác động cũng không đánh giá tác động dòng chính, dòng nhánh, trong khi đây là vấn đề dẫn đến sự hủy hoại tất cả những số liệu thủy văn đã được Ủy ban sông Mê kông thu thập gần 50 năm nay. Bởi, những chuỗi số liệu sau này nó không phải là chuỗi số liệu tự nhiên nữa, mà do con người "bày ra", tức nó phụ thuộc vào việc đóng, mở vận hành phát điện.

“Như vậy, số liệu thủy văn thu thập gần 50 năm nay sẽ trở nên vô nghĩa. Đó là sự mất mác lớn nhất về khoa học”, ông nhấn mạnh.

Trong báo cáo của Ủy ban sông Mê kông cũng thiếu đánh giá đập thủy điện này nói riêng cũng như các đập thủy điện ở Lào nói chung có ảnh hưởng đến những quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào ở các vùng ảnh hưởng?. “Ví dụ, chúng ta quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch cấp nước, xây dựng hay các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, thì khi có những công trình thủy điện này, những kế hoạch đó thay đổi thế nào?”, ông nêu vấn đề để dẫn chứng và cho rằng chắc chắn phải thay đổi.

Trước đó, mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và các thành viên mạng lưới quyết định không tham gia buổi họp tham vấn xây dựng đập thủy điện Pak Lay được Ủy hội sông Mê kông Quốc tế tổ chức ở Lào vào tháng 9 năm ngoái.

Theo đó, có ba lý do khiến VRN không tham gia: thứ nhất, thứ nhất, Chính phủ Lào đã không tôn trọng ý kiến tham vấn đóng góp của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực hạ lưu khi xây dựng đập thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng.

Thứ hai, báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới về môi trường và xã hội của đập thủy điện Pak Lay đã sử dụng lại khoảng 90% nội dung của bản báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới về môi trường và xã hội thủy điện của đập Pak Beng.

Thứ ba, Chính phủ Lào vẫn giữ quan điểm tiếp tục xây dựng các đập thủy điện tại Lào bằng mọi giá, bất chấp những hệ lụy xấu gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái của sông Mê kông và tác động xấu đến sinh kế của người dân sống ở hạ lưu sông.

Mời xem thêm:

Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phản đối xây đập thủy điện Pak Lay ở Lào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới