(KTSG) - Hai phái đoàn với hơn 50 doanh nhân Mỹ, trong đó có những đại diện đến từ các tập đoàn rất lớn, đã đến Việt Nam vào tuần trước, mang đến hy vọng Việt Nam thu hút được thêm những nhà đầu tư mới rất lớn và có chất lượng. Những “đại bàng Mỹ” này, nếu chọn Việt Nam để đầu tư, chắc chắn sẽ tạo ra động lực phát triển lớn cho nền kinh tế. Cách tốt nhất để thuyết phục được họ là Việt Nam cần làm hài lòng những nhà đầu tư hiện hữu trước. Tiếc rằng bức tranh môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn vài gam màu tối.
- Nhà đầu tư nước ngoài đề xuất bỏ quy định lãi tiền gửi đô la Mỹ tối đa 0%
- Biến động địa chính trị khiến nhà đầu tư nước ngoài thận trọng với tài sản Trung Quốc
Tại phiên họp cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2023 diễn ra chỉ vài ngày trước khi hai phái đoàn doanh nhân Mỹ đến, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), nói rằng có những trường hợp phải mất sáu tháng mới xong hồ sơ để đưa một giám đốc sang Việt Nam nhậm chức.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo UBND TPHCM, vấn đề này cũng được đại diện hiệp hội doanh nghiệp các nước nêu ra. Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nói rằng thủ tục xin, gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài đang quá khó khăn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng than phiền về quy trình thủ tục liên quan đến xin giấy phép xây dựng, xác nhận phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội... không chỉ phức tạp, mà còn “bị ngâm quá lâu”. Theo đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nếu các thủ tục đầu tư, giấy phép được xử lý nhanh chóng, việc sử dụng chính phủ điện tử một cách nhất quán, thì doanh nghiệp sẽ an tâm hoạt động và tiếp tục mở rộng đầu tư.
Những vấn đề doanh nghiệp nước ngoài nêu ra, thoạt nhìn có vẻ nhỏ nhặt, nhưng nó lại đang gây không ít trở ngại trong hoạt động đầu tư và kinh doanh trong thực tế của họ. Điều đáng nói là tình trạng thủ tục “bị ngâm quá lâu”, cái bị các nhà đầu tư than phiền nhiều nhất, không phải do bất cập về khuôn khổ pháp lý mà ở thái độ làm việc của cán bộ công chức. Ở đây không loại trừ khả năng việc ngâm hồ sơ là hành động cố ý của cán bộ công chức nào đó gây phiền hà và vòi vĩnh. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà vấn đề phòng chống tham nhũng thường được các nhà đầu tư nêu ra như một giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh.
Chúng ta không thể phủ nhận môi trường pháp lý về kinh doanh của Việt Nam đã thông thoáng hơn trước rất nhiều. Chỉ đáng tiếc là sự thông thoáng, cởi mở đó đang bị vô hiệu hóa ít nhiều bởi những “sâu mọt” trong bộ máy hành chính ở cấp cơ sở.
Một trong những giải pháp có thể thực hiện để khắc phục tình trạng trên thoáng dưới không thông này là thiết lập những đầu mối ở cả cấp trung ương lẫn địa phương, theo kiểu đường dây nóng hoạt động 24/24, tiếp nhận và giải quyết nhanh các vướng mắc về thủ tục hành chính của doanh nghiệp.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam, các doanh nghiệp “đại bàng” Mỹ đã nhận được những lời mời gọi đầu tư cùng những cam kết ủng hộ từ các cấp lãnh đạo của Việt Nam. Những cam kết như vậy là rất cần thiết, nhưng sẽ còn tốt hơn nếu các doanh nghiệp này được nghe từ chính các đồng nghiệp của họ đã làm ăn tại Việt Nam những nhận xét tích cực về môi trường đầu tư và kinh doanh, thay cho những lời than phiền về khó khăn và trắc trở. Vì đất lành thì chim mới đậu, kể cả đại bàng.
Cần và đủ. Tư duy mới về FDI đòi hỏi phải khác biệt so với trước. Những nhà đầu tư hiện hữu thì cần. Nhưng những nhà đầu tư mới thì phải đủ. Đủ tầm, đủ lực, và đủ thiện chí cùng đồng hành với ta trên con đường chinh phục những đỉnh cao phát triển mới. Sự lựa chọn phải được đưa ra một cách chuẩn xác và hấp dẫn. Nếu không ta sẽ tiếp tục lại con đường cũ, lẩn quẩn mãi, chỉ có lượng mà không thay đổi gì nhiều về chất.
Nhiều địa phương than không đủ nhân sự cho công việc, nhiều cán bộ phải làm việc quá giờ . Nhưng khi người dân, công ty tới làm thủ tục ở các đơn vị nhà nước ,có nhiều việc chỉ cần giải quyết một lần là xong thì cán bộ hẹn nhiều lần mới giải quyết. Thí dụ giải quyết một thủ tục chỉ tốn thời gian ba mươi phút, nhưng do hẹn tới hẹn lui, nhiều bộ hồ sơ theo trang web thì đủ nhưng cán bộ vẫn đòi bổ sung thêm , người dân phải đi nhiều lần tính ra cả tháng mới xong việc, do vấn đề này nên cán bộ chỉ có thể giải quyết một số ít hồ sơ trong một tháng thay vì trong một tháng có thể giải quyết được gấp nhiều lần , cuối cùng các cơ quan kêu than không đủ nhân sự .Nên giao chỉ tiêu giải quyết hồ sơ ít nhất là bao nhiêu trong một tháng để ngăn ngừa việc thiếu tích cực trong việc giải quyết hồ sơ.
Đến DN Việt Nam đụng đến xin cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy còn muốn điên cái đầu. Nói gì đến các nhà đầu tư nước ngoài.