(KTSG) - Hiếm khi thấy người dân các tỉnh Tây Nguyên rộn ràng và bồn chồn như hiện nay. Bất kể ngày mưa hay nắng, làng gần hay buôn xa, từng đoàn người từ các thành phố lớn trong cả nước đều rầm rập tới thăm vườn, nhắm đường… để tìm đất lập trại, lập ấp. Đất có giá. Giá đất lên từng ngày. Nguy cơ nông nghiệp vỡ thế trận ở vùng cao nguyên trù phú này trong thời gian có thể đoán trước.
Sau mấy năm thị trường nông sản liêu xiêu vì đại dịch Covid-19, rồi đến lượt giá phân bón cao ngất trời, tiền bán sản phẩm không đủ tái đầu tư… Thế mà không ít nhà vườn ở Tây Nguyên chưa hết bần thần thì bỗng nhiên được đếm tiền mỏi tay như chưa bao giờ được đếm.
Một thời được đánh thức
Phải nói rằng chỉ khi hết bom đạn, đất Tây Nguyên mới có dịp bừng tỉnh. Trên tổng số chiều dài 980 cây số, Quốc lộ 14 bắt đầu từ tỉnh Bình Phước đến Quảng Trị, hết một phần ba con đường này thực sự là xương sống, là huyết mạch của cả vùng Tây Nguyên nếu cho phép tính thêm Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đến Kon Tum.
Thời chiến tranh, đất bazan màu mỡ phải ngủ im lìm, có nơi dưới tán rừng thâm u, có nơi bị bom đạn cày xé trơ trọc, chẳng ai màng đến chuyện khai thác nông nghiệp kiếm sống chứ chưa dám tính đến đoạn làm giàu, tới mức có thể nói “rỡ ràng” như ngày nay.
Thế trận nhà đất, đất vườn đang trăm hoa đua nở khắp nơi, không trừ chốn nào trên Tây Nguyên. Người mua đất cũng như người bán đều sợ mình lỡ cơ hội.
Giữa lúc loạn lạc, đồng bào các dân tộc và cả người Kinh ngụ cư từ lâu ở đấy chỉ cần có đủ gạo, muối, trồng khoai đậu, bầu bí, nuôi năm ba con heo dưới những túp nhà sàn để tự cung tự cấp. Dăm năm sau khi hòa bình lập lại, không chỉ dân địa phương mà nhiều đoàn di cư từ các nơi đổ về vỡ đất làm vườn, tạo cho vùng này trở thành nguồn cung ứng nông sản phong phú và dồi dào bậc nhất.
Cách nay chừng 25 năm, đất hai bên đoạn “xương sống” ấy đã từng là những vùng nông sản đa dạng. Có năm Tây Nguyên và Bình Phước còn xuất khẩu được bắp, mè, các loại đậu, khoai sắn và dân trong vùng chẳng cần phải nhập khẩu như bây giờ để chế biến thức ăn gia súc.
Tây Nguyên thực sự được đánh thức và đổi đời khi nhiều cây công nghiệp lên ngôi: cao su, cà phê, hồ tiêu, đào lộn hột… Hàng năm, ước giá trị xuất khẩu từ các cây công nghiệp này lên đến hàng chục tỉ đô la Mỹ, góp phần rất lớn vào công cuộc thay đổi bộ mặt các đô thị, nông thôn, hệ thống đường sá… Nay thì các buôn làng vùng sâu vùng xa nhất trên Tây Nguyên đã có điện, có cả tiếng hát karaoke rộn ràng sau những ngày làm nông mệt nhọc.
Không khéo… vỡ thế trận nông nghiệp
Thế mà giá đất mấy tháng nay lên rần rần, không chỉ là đất thổ cư mà đất nông nghiệp miếng càng to lại càng có giá.
Nếu tính từ mũi đầu cực nam của Quốc Lộ 14 bắt đầu từ Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, giá đất tăng phi mã vẫn không thiếu người mua. Một tay kinh doanh bất động sản tại đây cho biết mới tháng trước giá đất trong vùng bằng một thì nay tăng gấp đôi gấp ba. Hèn chi mà báo chí đăng cơ quan quản lý nhà đất giải quyết hồ sơ mua bán chuyển nhượng không xuể, có lúc người làm thủ tục mua bán đất phải đạp nhau vào lấy số thứ tự để mong đến lượt trước.
Tây Nguyên thực sự được đánh thức và đổi đời khi nhiều cây công nghiệp lên ngôi: cao su, cà phê, hồ tiêu, đào lộn hột…
Các huyện Dăk R’ Lấp, Dăk Song (tỉnh Dăk Nông) càng nhộn nhịp hơn. Một chủ vựa cà phê tại xã Nhân Cơ thuộc huyện Dăk R’ Lấp mấy hôm trước thở dài ngao ngán cho rằng nhà vườn nay giàu lên rồi, không nhờ sản xuất và kinh doanh nông sản mà chỉ ngồi đếm tiền tươi tiền to nhờ bán được đất giá cao.
Tại Dăk Song, có chị chuyên doanh hồ tiêu cho hay năm ngoái một sào đất (1.000 mét vuông) nông nghiệp giá 100 triệu đồng thì nay lên đến 1 tỉ đồng! Chị còn buông câu xanh rờn nhưng nghĩ là thiệt bụng rằng chắc chị bỏ nghề buôn bán hồ tiêu để lo chuyện kinh doanh đất “hằng hà sa số” của gia đình.
“Đối với nhà vườn, đất được giá họ có quyền bán vì thị trường nông sản bấp bênh mấy năm nay. Lại thêm giá phân bón lên cao ngất trời, tiền bán sản phẩm ra có tốt chăng chỉ đủ mua phân và trả công chăm sóc…”, một anh làm nghề xuất nhập khẩu nông sản tại Buôn Ma Thuột đưa thực tế thị trường như vậy.
Thật ra, giá nhiều mặt hàng nông sản vừa qua có lên lại như hồ tiêu nhưng mức tăng chưa bõ, chỉ bằng một phần ba giá đỉnh cũ, nay đang quanh mức 75-77 triệu đồng/tấn. Tuy vậy, “phân tro và công thu hái ăn hết, mình giữ vườn sản xuất chỉ để làm công không cho người khác thì… bán đất mua xe chở con đi học và trả nợ, còn một vài tỉ đồng gửi ngân hàng lấy lãi thì sống thoải mái là được rồi. Nhiều nhà vườn như chị Trang, anh Quý, bà Lan, chú Phi… ở xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Dăk Lắk đều rủ nhau bán vườn, bỏ sản xuất vì đất bỗng nhiên biến thành vàng.
Ngay tại nhiều buôn làng, một số gia đình đồng bào dân tộc ít người cũng nóng ruột muốn rời nghề nông bán ruộng rẫy để… có tiền nhiều và chưa định làm nghề gì để sinh sống. Mấy anh ở Buôn Tah, cũng huyện Cư Mgar sát thành phố Buôn Ma Thuột trở nên nhanh nhảu hơn. Các anh Y Tiêu, Y Tuôt, Y Chân… người nào cũng đều bán hết hay một phần đất mình sở hữu để có tiền giải quyết chuyện khác.
Thế trận nhà đất, đất vườn đang trăm hoa đua nở khắp nơi, không trừ chốn nào trên Tây Nguyên. Người mua đất cũng như người bán đều sợ mình lỡ cơ hội, trong tiếng Anh người ta thường gọi là FOMO-the Fear of Missing Out). Các tay môi giới bất động sản thật khéo khai thác tâm lý thị trường, với người bán kích cách này, với người mua gợi kiểu khác, ai cũng sợ mất món lợi như đã cầm trong tay…
Tuy chẳng dám trách nhà vườn bỏ nghề, một anh kinh doanh nông sản xuất khẩu khác vẫn tỏ ra ngao ngán. “Cái bánh nông sản xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu… vốn đã nhỏ, vài ba năm sau không biết có thu mua đủ hàng xuất khẩu không vì miếng bánh đang nhỏ nữa”.
Nhiều đại lý phân bón cho biết lượng bán ra năm nay giảm khá mạnh. Ngoài lý do giá phân tăng cao, nhiều diện tích vườn đã bị đem bán không còn dùng để sản xuất nông nghiệp nữa mà để chờ ngày chuyển thành đất thổ cư... chờ xin duyệt chuyển mục đích thành thổ cư, phân lô bán nền nhắm ăn ngon lợi lớn.
Thế thì thế trận nông nghiệp tại Tây Nguyên e phải vỡ, nguồn thu ngoại tệ nhờ xuất khẩu nông sản từ vùng này chắc sẽ giảm một ngày không xa… một khi chính quyền các cấp ở các địa phương cố tình úp mở, không công khai hóa kế hoạch phát triển đô thị và cứ để mặc tình trạng mua bán đất nông nghiệp bùng phát.