Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đất rừng phương Nam và hoàn cảnh lịch sử của tác phẩm

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cái nghề tư vấn kinh doanh cộng với nghiệp nhà giáo bất đắc dĩ đã hình thành cho tôi thói quen tìm đến sách vở khi cần tìm hiểu và làm sáng tỏ điều gì đó trong hoạt động nghề nghiệp hay sinh hoạt đời thường. Vì vậy, trước những tranh luận đã diễn ra đối với bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, tôi quyết định dành thời gian đọc tác phẩm văn học này một cách nghiêm túc, không chỉ từ góc nhìn độc giả mà còn cả trên cương vị của một người dạy môn văn.

Mặc dù được xem là tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi nhưng theo tôi, Đất rừng phương Nam không hẳn là một quyển tiểu thuyết dễ đọc nếu độc giả chưa được trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý và văn hóa nói chung.

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất của nhân vật chính là cậu bé An với cách sắp xếp sự kiện theo trình tự thời gian mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “kết cấu cốt truyện tuyến tính”. Độc giả khó tính có quyền đặt những câu hỏi như tại sao nhân vật An là người miền Nam lại dùng những từ như “đỗ” thay cho “đậu”, “hãi” thay vì “sợ”, “mua chịu” thay cho “mua thiếu”. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam bộ, Việt Nam vào nửa cuối thập niên 1940, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam bộ. Nhưng độc giả ai cũng hiểu đây không phải là một tài liệu lịch sử mà chỉ là hư cấu.

Trong tiểu luận “Nghệ thuật tiểu thuyết”(1), nhà văn nổi tiếng người Pháp gốc Tiệp Milan Kundera khuyên độc giả chớ lẫn lộn giữa hai thứ: một bên là loại tiểu thuyết khảo sát kích cỡ lịch sử hiện sinh của con người, và một bên là loại tiểu thuyết minh họa một hoàn cảnh lịch sử. Trả lời câu hỏi liệu tiểu thuyết có thể nói được điều gì về lịch sử hay cách xử lý lịch sử trong một tác phẩm văn học, Kundera đưa ra bốn nguyên lý: i. Tiết kiệm tối đa chi tiết lịch sử - nhà văn hành xử như nhà thiết kế sân khấu dàn một phối cảnh trừu tượng với vài đồ vật cần thiết cho hành động kịch; ii. Chỉ giữ lại những tình tiết lịch sử nào tạo cho các nhân vật của nhà văn một tình huống hiện sinh tiêu biểu; iii. Khoa chép sử viết lại lịch sử của xã hội chứ không phải của con người; và iv. Không chỉ hoàn cảnh lịch sử phải tạo ra một tình thế hiện sinh mới mẻ đối với nhân vật tiểu thuyết, mà ngay chính lịch sử từ trong chính nó phải được hiểu và phân tích như một tình huống hiện sinh.

Theo ông, nếu như nhà sử học kể lại các sự kiện đã xảy ra thì tiểu thuyết không khảo sát hiện thực mà khảo sát cuộc sống, tức là sự tồn tại (existence) trong một thế giới. Và cuộc sống không đơn thuần là những gì diễn ra mà là vùng các khả năng của con người: tất cả những gì con người có thể trở nên, tất cả những gì nó có thể. Các nhà tiểu thuyết vẽ nên tấm bản đồ cuộc sống bằng cách khám phá ra khả năng này hay khả năng khác của con người và như vậy cần phải hiểu cả nhân vật lẫn thế giới của tiểu thuyết như những khả năng. Khả năng đó có trở thành hiện thực hay không, điều đó là thứ yếu. Và sự trung thành với sự thật lịch sử là chuyện thứ yếu nếu so với giá trị của quyển tiểu thuyết. Nhà văn không phải là nhà sử học cũng chẳng phải là nhà tiên tri mà là người thám hiểm cuộc sống.

Nói về yếu tố hư cấu trong tác phẩm văn học, trong tuyển tập “Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ”(2), nhà văn nổi tiếng người Peru đoạt giải Nobel Văn học năm 2010 Mario Vargas Llosa cho rằng mọi câu chuyện đều bắt rễ trong cuộc đời của người viết và sự hư cấu, ngay cả tưởng tượng phóng túng nhất, vẫn có một nút bí mật liên kết bản năng với kinh nghiệm của nhà văn. Theo ông, mọi hư cấu là những cấu trúc tưởng tượng và mưu mẹo được dựng lên quanh một số sự kiện, con người, hoàn cảnh nổi bật trong ký ức nhà văn và kích thích trí tưởng tượng của anh ta, dẫn hắn tới việc sáng tạo ra một thế giới phong phú và đa dạng.

Nhận định này đúng với tác giả Đoàn Giỏi nếu chúng ta biết được rằng Đất rừng phương Nam hoàn toàn là một tác phẩm được viết theo đơn đặt hàng sau khi tác giả rời quê hương miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1957, khi làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, ông nhận được đơn đặt hàng từ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, đề nghị viết một cuốn sách cho thiếu nhi giới thiệu quan cảnh, thiên nhiên và con người Nam bộ. Với cảm xúc ùa về cùng với nỗi nhớ quê hương, sau ba tháng nghiền ngẫm và chuẩn bị cầm bút, Đoàn Giỏi đã viết xong tác phẩm chỉ trong vòng một tháng(3).

Nhưng cho dù phân tích ở góc độ nào đi chăng nữa, Đất rừng phương Nam vẫn là một tuyệt tác văn học dành cho thiếu nhi và mọi đối tượng độc giả, Đoàn Giỏi là người đã thám hiểm và giới thiệu với độc giả vùng đất mà không phải người Việt Nam nào cũng có thể đến sống và trải nghiệm.

Bối cảnh rất đặc trưng của vùng đất Tây Nam bộ với rừng tràm bạt ngàn, dòng sông mênh mông, con đò bập bềnh, tôm cá đầy đàn đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim và nhờ đó, các nhân vật trong tác phẩm đã bước ra khỏi trang sách để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khán giả. Nhờ tài hư cấu dưới ngòi bút miêu tả đặc sắc của Đoàn Giỏi qua câu chuyện của một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ với những con người trung hậu, trí dũng, yêu nước, độc giả đã được biết đến một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã và nhiều điều thú vị về bối cảnh, con người, tập tục văn hóa của vùng nông thôn Nam bộ.

Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo nhìn nhận rằng Đất rừng phương Nam vẫn có những hạn chế vốn dĩ của một quyển tiểu thuyết dành cho thiếu nhi. Và như vậy, về phương diện không gian và thời gian, theo cách nói của nhà văn Milan Kundera, Đất rừng phương Nam là một tác phẩm văn học minh họa cho một hoàn cảnh lịch sử.

Chính vì những lý do trên, độc giả của Đất rừng phương Nam và khán giả của các bộ phim được truyền cảm hứng từ quyển tiểu thuyết này không thể kỳ vọng vào sự chính xác của các sự kiện lịch sử và cả các yếu tố liên quan đến phong tục, tập quán, y phục, văn hóa giao tiếp, lời ăn tiếng nói của nhân vật... Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam thật ra cũng chỉ là một sản phẩm mang tính giải trí nhưng có thể hiểu rằng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng các cộng sự còn muốn đưa ra một cách nhìn mới về văn hóa và bản sắc của người dân Nam bộ, trong đó có người Hoa. Một trong những thông điệp chính của bộ phim là tinh thần đoàn kết của tất cả những ai có mặt trên dải đất hình chữ S này. Cho dù xuất thân từ giai tầng xã hội nào, sắc tộc nào - người Khmer, người Khách Gia…, những người này là phần không thể tách rời của đại gia đình Việt Nam với lòng yêu nước vô bờ bến và những đóng góp đáng trân trọng trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển một quốc gia hùng mạnh. Nói cách khác, Đất rừng phương Nam đã đưa ra một góc nhìn mới khá tích cực về phương diện lịch sử, có thể gây tranh cãi nhưng về mặt tiến hóa, đó là điều mà các nhà giáo dục sẽ luôn trân trọng.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

(1) Bản dịch của Nguyên Ngọc. NXB Nhã Nam, 2023.

(2) Người dịch: Ngân Xuyến. NXB Hội Nhà văn 2023.

(3) Nguồn: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202310/cam-nhan-voi-dat-rung-phuong-nam-cua-nha-van-doan-gioi-993360/

2 BÌNH LUẬN

  1. Càng là tác phẩm dành cho thiếu nhi thì càng phải được dàn dựng lại chính xác và chi tiết chứ không được phép chế tác quá xa vời với nguyên bản, nếu không thì các em thiếu nhi chưa có nhiều kiến thức về lịch sử và bối cảnh đất nước ở thời điểm đó lại càng hiểu và nhìn nhận sai vấn đề.

    • @Toan: Thế nào là “xa” và “quá xa” vậy bạn, phép tắc chế tác qui định thế nào. Mong được thỉnh giáo để được mở mang trí tuệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới