Dâu Hạ Châu Phong Điền
![]() |
Ông Nguyễn Văn Mười bên những chùm dâu Hạ Châu vườn nhà. Ảnh: PK |
(TBKTSG Online) - Người huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) rất tự hào về dâu Hạ Châu, xem đó là đặc sản độc đáo của Phong Điền, không đâu có được. Điều này cũng có lý, vì chỉ với đất đai thổ nhưỡng ở Phong Điền, cây dâu Hạ Châu mới cho trái ngọt lủng lỉu khắp cành nhánh.
Theo nhiều người kể lại, dâu Hạ Châu có nguồn gốc ở “miền dưới”, nói theo cách của nhà văn quá cố Sơn Nam để chỉ nước Malaysia. Xa xưa, từ xứ sở này, nhiều loại trái cây nhiệt đới đã theo chân người Việt về cắm rễ trên đất đồng bằng, trở thành đặc sản ngon thơm, hấp dẫn hơn so với quê gốc của chúng.
Giống dâu Hạ Châu có mặt trên đất Tây đô từ hơn 40 năm nay. Theo một vài tư liệu, người có công tạo ra giống cây dâu Hạ Châu ngày nay chính là ông Lê Quang Minh (còn gọi là Ba Minh) ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
Hồi năm 1980, khi cây cam bị vàng lá gân xanh, ông Ba Minh đã nghe lời thân phụ là ông Lê Quang Dực, tuyển lựa và kiểm soát được giống dâu bằng cách ghép cành để tạo ra một giống mới có nhiều ưu điểm. Ông còn mày mò tra cứu sách kỹ thuật ghép cây của Pháp và đã tìm ra được cách ghép đọt dâu đực lên thân dâu cái. Nhờ kỹ thuật ghép đọt thành công, vị ngọt của trái dâu tăng lên rất nhiều.
Ông Ba Minh bèn đặt tên cho giống dâu mới là Hạ Châu (có nghĩa là miền dưới). Ông tiết lộ: “Cái lạ của dâu Hạ Châu là khi trái đã chín đài hoa vẫn còn bám chặt...”.
Thì ra, cái độc đáo của dâu Hạ Châu không chỉ màu sắc, tỷ lệ giữa cây đực và cây cái được trồng là 100 cây dâu cái xen 10 cây dâu đực. Cây dâu đực được bố trí xen kẽ đều trong vườn thì tỷ lệ đậu trái sẽ cao.
Ông Lê Quang Bảy (Bảy Ngữ) ở thị trấn Phong Điền, đã hơn 40 năm trồng dâu Hạ Châu, cũng đã ra công mày mò học hỏi, nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật trồng dâu Hạ Châu. Vườn dâu của ông không những cho trái sai, năng suất cao mà còn không cần phải trồng xen các cây dâu đực.
Phương pháp của ông Bảy là ghép cành dâu đực trên một nhánh của cây dâu cái. Ông cho biết: “Tôi thực hiện ghép cành dâu đực xen kẽ đều trong vườn, cách một đến hai cây ghép một nhánh. Việc ghép nhánh bắt đầu khi cây dâu trồng được hai, ba năm. Chọn một nhánh nhỏ cắt ngang, cách phần thân chính khoảng 10cm, khi nhánh được chọn cắt ra đọt mới, chọn một hoặc hai đọt tốt để lại làm cành ghép, còn lại loại bỏ. Khi đọt vừa già thì tiến hành ghép đọt dâu đực vào. Nhánh dâu đực được ghép trên thân cây dâu cái sau này có nhiệm vụ thụ phấn cho cây dâu cái được ghép và các cây cái lân cận rất hiệu quả. Vườn dâu trái vẫn sai, chất lượng trái vẫn tốt”. Đây là một bước tiến lớn trong canh tác dâu Hạ Châu.
Ở Phong Điền, trong số các nhà nông trồng dâu Hạ Châu có ông Nguyễn Văn Mười (ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái) là một nhà nông thành đạt. Xưa kia, 12.000 mét vuông đất ông Mười trồng toàn cam, thu hoạch được từ 25 – 30 tấn trái/năm. Nhưng từ khi cam bị bệnh vàng lá gân xanh, cũng như nhiều nhà vườn khác ở địa phương, ông chuyển cây trồng nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình.
Bốn công ông trồng sầu riêng, từ khổ qua xanh chuyển qua Mỏn thon, Ri 6 để tăng thêm thu nhập cao. Phần 8 công đất còn lại, ông Mười trồng toàn dâu Hạ Châu trên 8 bờ đất. Mỗi bờ rộng 5m, dài 40m, ông trồng 25 cây.
Dâu Hạ Châu trồng chừng 4 năm thì cho trái chiếng. Đây là loại cây trái đặc biệt, càng lâu năm, cây càng khỏe và cho trái ngày càng nhiều. Vì vậy mà nông dân thường nói là Hạ Châu là loại dâu không biết “lão”. Mùa dâu hàng năm bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Muốn dâu ra trái mùa nghịch thì “chụp” (siết nước) từ tháng 11 âm lịch. Cuối tháng 11 âm lịch, tưới nước để dâu bắt đầu trổ bông, sáu tháng sau có dâu trái bán.
Chăm sóc dâu Hạ Châu khá nhàn. Bờ dâu tàng lá sum sê nên nền đất chẳng có một cây cỏ dại, đỡ tốn công dọn dẹp vệ sinh như trồng các loại cây ăn trái khác. Vụ mùa năm 2007, ông Mười thu hoạch từ dâu Hạ Châu được trên 100 triệu đồng.
Năm nay, giá dâu Hạ Châu bán cho lái từ 8.000 đồng/kg (rộ) tới 12.000 đồng/kg. Nhìn tàng dâu nhà mình, ông Mười ước đoán sẽ thu hoạch mỗi cây từ một tạ tới tạ rưỡi trái dâu, bán bèo lắm cũng được 800.000 đồng/cây. Bán dâu cũng có cái sướng, lái tới mua tận vườn. Họ tự tay bẻ rồi cân, mình chỉ việc kiểm tra và... đếm tiền.
Theo một tư liệu, huyện Phong Điền có gần 100 héc ta trồng dâu Hạ Châu, tăng trên 10 héc ta so với năm 2006, tập trung ở thị trấn Phong Điền và xã Nhơn Ái. Bà con nông dân đã cùng nhau thành lập hợp tác xã Dâu Hạ Châu Phong Điền từ năm 2004, trồng được 20 héc ta. Thương hiệu dâu Hạ Châu Phong Điền cũng đã được xây dựng từ năm 2006.
Ông Lê Quang Bảy, một lão nông có thâm niên trong nghề trồng dâu Hạ Châu tại thị trấn Phong Điền, cho biết: “Để giữ vững thương hiệu dâu Hạ Châu, chúng tôi luôn chú ý đến chất lượng trái. Dâu phải thật chín mới hái để đảm bảo được độ ngọt, trái dâu đều và có màu sáng trắng”. Mùa vụ năm 2007, vườn dâu của ông Bảy thu hoạch trên 20 tấn, trong đó, có trên 10 tấn được thương lái mua và tiêu thụ ở thị trường Campuchia, kể cả tận Thái Lan.
Hiện nay, Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng của trường Đại học Cần Thơ, đang nghiên cứu lai tạo cho ra sản phẩm dâu Hạ Châu không hạt, chống rụng trái; chuyển đổi giới tính một vài hoa cái thành hoa đực trên cây cái để hoa tự thụ phấn... Các nhà khoa học hy vọng dâu Hạ Châu sẽ có thêm một bước cải tiến mới và giữ vững uy tín thương hiệu để có thể đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhiều nhà vườn trồng dâu Hạ Châu ở Phong Điền mong mỏi được các ngành chức năng thành phố Cần Thơ đầu tư, hỗ trợ tìm biện pháp bảo quản trái dâu tươi lâu, để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài với số lượng lớn.
PHƯƠNG KIỀU