Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dầu thô bị bán tháo, giá quay về vạch xuất phát hồi đầu năm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm sâu trong phiên giao dịch hôm qua, rơi xuống về sát các mức thấp hồi đầu năm, trước khi cuộc chiến tranh ở Ukraine nổ ra do đồng đô la Mỹ mạnh hơn, các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng mạnh lãi suất và chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc.

Thị trường dầu thô đang chịu áp lực lớn trước nỗi lo suy thoái toàn cầu khi các ngân hàng trung ương ở phương Tây tiếp tục lãi suất và nền kinh tế Trung Quốc trì trệ do tác động của chính sách ‘zero Covid’. Ảnh: Getty

Kết thúc phiên giao dịch hôm 7-9, giá dầu Brent kỳ hạn ở thị trường London giảm 4,83 đô la Mỹ,  xuống 88 đô la/thùng, lần đầu tiên thủng mốc 90 đô la kể từ ngày 8-2. Giá dầu thô Tây Texas (WTI) kỳ hạn ở thị trường New York giảm 4,94 đô la, tương đương 5,7%, xuống 81,94 đô la, mức thấp nhất kể từ 1.

Dầu thô đã giảm giá gần 50 đô la/thùng kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 3. Đà giảm giá dầu đã được thúc đẩy bởi mối lo ngại suy thoái toàn cầu khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất, khiến đồng đô la Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục.

Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, nhận định: “Hiện thị trường đang lo ngại về những gì sẽ xảy ra khi giá năng lượng tăng mạnh ở châu Âu, làm nhu cầu ở khu vực này chậm lại và lãi suất tăng”.

Một số ngân hàng trung ương thế giới dự sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Điều đó đã thúc đẩy đồng đô la tăng lên mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yen và mức cao nhất trong 37 năm so với đồng bảng Anh. Đồng bạc xanh mạnh hơn gây áp lực lên giá dầu, vì hầu hết các giao dịch mua bán dầu trên toàn thế giới được giao dịch bằng đô la.

Theo các nhà phân tích tại Công ty Oilytics, đồng bạc xanh mạnh “tiếp tục là cản lực lớn đối với hầu hết hàng hóa” và nhà đầu tư sẽ bán mạnh ở bất kỳ đợt phục hồi nào của giá dầu.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến tăng lãi suất mạnh khi nhóm họp vào hôm nay (8-9). Cục Dự trữ liên bang  Mỹ (Fed) cũng được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào ngày 21-9 tới bất chấp động thái này sẽ làm tăng rủi ro suy thoái cho nền kinh tế. Ngân hàng trung ương Canada đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm điểm phần trăm, lên mức cao nhất trong 14 năm vào hôm 7-9, và cho biết lãi suất chính sách sẽ cần phải tăng cao hơn nữa để kiểm soát lạm phát.

Stephen Brennock, nhà phân tích của Công ty môi giới PVM Oil, nói: “Bóng ma suy thoái kinh tế trên khắp thế giới phương Tây đang gần trở thành hiện thực hơn khi lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng làm giảm nhu cầu tiêu dùng”.

Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và chính sách ‘zero Covid’ nghiêm ngặt đã làm tăng thêm những lo ngại về nhu cầu dầu. Dữ liệu của Tổng Cục hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 8 đã giảm 9,4% so với một năm trước đó. Một số đô thị lớn Trung Quốc đang trong tình trạng bị phong tỏa bao gồm cả siêu đô thị Thành Đô, đe dọa làm suy giảm nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.

Giá dầu vẫn giảm sâu bất chấp một số yếu tố hỗ trợ thị trường Hôm qua, Tổng thống Nga, Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ không cung cấp năng lượng cho bất kỳ nước nào tham gia liên minh áp trần với giá dầu Nga do Mỹ dẫn đầu. Ngoài ra, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã nâng triển vọng về nhu cầu dầu toàn cầu, đồng thời cắt giảm dự báo về nguồn cung của Mỹ.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã đóng cửa đường ống Nord Stream 1, cắt đứt một nguồn cung đáng kể nhiên liệu này cho châu Âu. Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch cho biết việc đóng cửa đường ống Nord Stream 1 sẽ làm tăng khả năng suy thoái ở khu vực  sử dụng đồng euro (eurozone).

“Một số hoạt động mua săn giá hời sẽ diễn ra sau khi giá dầu giảm mạnh”, Vandana Hari, người sáng lập Công ty tư vấn năng lượng Vanda Insights, nói và cho thêm rằng giá dầu có vẻ giảm quá đà. Tuy nhiên, bà ghi nhận việc Fed tăng mạnh thêm lãi suất có thể gây trở ngại cho thị trường dầu.

Hồi đầu tuần, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (hay còn gọi là nhóm OPEC+), đã đồng ý cắt giảm một lượng nhỏ sản lượng, gây ngạc nhiên cho hầu hết các nhà quan sát, những người dự kiến sẽ không có thay đổi. Giá dầu vẫn giảm sau động thái đó là một bài kiểm tra cho OPEC+ đặc biệt là khi thành viên chủ chốt của nhóm, Saudi Arabia cho biết nhóm sẽ chủ động trong việc quản lý thị trường.

Tin đáng mừng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden là giá dầu giảm sẽ tiếp tục kéo giá xăng ở Mỹ đi xuống. Kể từ khi chạm mức đỉnh 5,02 đô la/gallon (3,78 lít) vào ngày 14 -6, mức giá xăng trung bình trên toàn quốc ở Mỹ đã giảm 85 ngày liên tiếp, xuống còn 3,76 đô la/thùng, theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA).

Tom Kloza, người đứng đầu bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu tại Oil Price Information Service, công ty con của hãng nghiên cứu thị trường IHS Market, nghi ngờ giá dầu tiếp tục giảm, đặc biệt là sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin tuyên bố trả đũa phương Tây bằng cách cắt giảm giảm xuất khẩu năng lượng.

Kloza nói: “Tổng thống Putin đã chỉ ra rằng ông ấy sẽ làm những điều điên rồ. Đây là một cơ hội mua dầu giá rẻ”.

Klora cũng cho rằng nếu giá dầu giảm sâu hơn, OPEC + sẽ phản ứng mạnh mẽ bằng cách mạnh tay cắt sản lượng sau đợt cắt giảm sản lượng nhỏ hồi đầu tuần. Tính đến trưa nay, giá dầu Brent và WTI đang phục hồi nhẹ với mức tăng hơn 1% so với giá đóng cửa hôm qua.

Theo CNN, Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới