Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dầu thô mất hết thành quả tăng giá kể từ sau xung đột Israel-Hamas

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, đảo ngược thành quả tăng giá đạt được kể từ khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7-10. Các quỹ phòng hộ đang đặt cược rằng cuộc xung đột này sẽ không dẫn đến sự can dự của các nước láng giềng giàu dầu mỏ ở thế giới Arab.

Chiến sự giữa Hamas và Israel vẫn đang diễn ra ở Dải Gaza nhưng mối lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng ra khu vực Trung Đông đã giảm đáng kể, khiến giá dầu giảm về mức thấp nhất trong 3 tháng. Ảnh: India Today

Hôm 7-11, giá dầu Brent ở London giảm 4,2%, xuống còn 81,61 đô la Mỹ/thùng, xóa sạch đà phục hồi bắt đầu vào đầu tháng 10. Giá dầu Tây Texas ở New York Mỹ giảm 4,3%, xuống còn 77,37 đô la/thùng. Cả hai chỉ số giá dầu này đều đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7.

Cuộc tấn công của Hamas và lời tuyên chiến sau đó của Israel đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng hơn trong khu vực, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ của Trung Đông, đẩy giá dầu Brent tăng hơn 10%, lên gần 93 đô la/thùng vào giữa tháng trước.

Nhưng mối lo ngại đó phần lớn đã giảm bớt trong giới thương nhân, những người tin rằng có rất ít nguy cơ xung đột leo thang và lôi kéo các quốc gia giàu dầu mỏ khác trong khu vực như Iran tham gia.

“Trong khi số người chết ở Dải Gaza do các cuộc không kích của Israel tiếp tục tăng đến mức không thể tưởng tượng được, nguy cơ xung đột lan sang khu vực giàu dầu mỏ ở Trung Đông ngày càng giảm, về mức gần như bằng 0”, Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch), bình luận.

Các quỹ phòng hộ cũng đang thoát khỏi các vị thế nắm giữ hợp đồng dầu tương lai mà họ tích lũy sau khi chiến sự bùng nổ ở Dải Gaza. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), trong tuần tính đến ngày 31-10, họ đã bán hết các hợp đồng tương đương 70 triệu thùng dầu thô Brent và WTI.

Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của RBC Capital Markets, nhận định, các nhà giao dịch hiện giảm dự báo khả năng chiến sự leo thang ở Trung Đông, và thay vào đó, chuyển sự chú ý sang dữ liệu kinh tế mờ nhạt từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

“Nhiều người trong số họ đã bị ‘đốt cháy’ hồi năm ngoái vì đánh giá quá cao quy mô của sự gián đoạn nguồn cung dầu sau khi chiến sự Ukraine nổ ra. Vì vậy, họ muốn thấy rủi ro xung đột lan rộng ở Trung Đông thực sự trở thành hiện thực trước khi họ bắt đầu định giá dầu thô”, Croft nói.

Theo báo cáo mới đây của chính phủ Mỹ, nhu cầu xăng của Mỹ tính theo đầu người sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm vào năm tới, với giá xăng còn cao và lạm phát có thể khiến người Mỹ giảm lái xe trong các chuyến đi không cần thiết.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cũng lo lắng về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 10 tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc lại giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến, làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong sáu tháng liên tục.

Họ cũng hoài nghi về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Về mặt nguồn cung, xuất khẩu dầu của Nga đang đạt gần mức cao nhất trong 4 tháng, trong khi dữ liệu ngành cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng gần 12 triệu thùng trong tuần trước.

Hôm 7-1, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay sẽ tăng ít hơn một chút so với dự kiến trước đó, trong khi nhu cầu sẽ giảm. EIA hiện dự kiến tổng mức tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ giảm 300.000 thùng/ngày trong năm nay, đảo ngược dự báo trước đó là tăng 100.000 thùng/ngày.

Thêm vào áp lực cho giá dầu là sự phục hồi nhẹ của đồng đô la Mỹ từ mức thấp gần đây, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những nhà giao dịch nắm nắm giữ các loại tiền tệ khác.

“Thị trường dầu rõ ràng không thắt chặt như nhiều người dự đoán. Thực tế đó cùng với mối lo ngại về rủi ro gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông giảm bớt khiến tâm lý thị trường trở nên tiêu cực hơn”,  Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của ngân hàng ING (Hà Lan), nói.

Giá dầu bắt đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước sau bài phát biểu của Hassan Nasrallah, lãnh đạo của nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah, một đồng minh của Hamas ở Lebanon, không kêu gọi leo thang xung đột. Hansen nói rằng bài phát biểu đó làm giảm bớt mối quan ngại chiến tranh lan rộng ở Trung Đông.

Sau khi tăng vượt 100 đô la/thùng vào năm ngoái do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá dầu chịu áp lực trong phần lớn năm 2023, nhưng nhận được một số hỗ trợ trong những tháng gần đây sau khi Saudi Araba và Nga cam kết cắt giảm sản lượng và xuất khẩu.

Giá dầu thô Brent và WTI hiện vẫn cao hơn khoảng 15% so với mức được ghi nhận trước khi Saudi Arabia thực hiện đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện đầu tiên vào tháng 7.

Hôm 7-11, Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí của nhà nước Saudi Arabia, chiếm gần 1/10 nguồn cung dầu thế giới, báo cáo lợi nhuận quí 3 cao hơn ba tháng trước đó, do giá dầu cao hơn bù đắp cho khối lượng bán hàng thấp hơn.

Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng SEB (Thụy Điển), cho biết thị trường đang theo dõi hành động tiếp theo từ Saudi Arabia và Nga nếu giá dầu Brent giảm xuống dưới 80 đô la/thùng, có thể khiến ngân sách của cả hai nước này bắt đầu căng thẳng.

“Nếu giá dầu giảm xuống dưới 80 đô la/thùng, tôi cho rằng Saudi Arabia và Nga sẽ can thiệp để tạo niềm tin về mức giá”, Schieldrop nhận định.

Theo Financial Times, Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới