(KTSG Online) - Trong quí 3-2022, đầu tư bất động sản trực tiếp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 29% so với một năm trước trong bối cảnh nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô bất lợi khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai vốn, theo báo cáo của Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL) hôm 18-10.
- Điều gì làm nên sức hút của bất động sản lõi trung tâm TPHCM?
- Các địa phương Trung Quốc bỏ tiền ra mua nhà để hỗ trợ ngành bất động sản
Báo cáo cho biết tổng giá trị đầu tư bất động sản ở khu vực này giảm về mức 28 tỉ đô la Mỹ trong quí vừa qua. Tình trạng suy giảm đầu tư đã diễn ra ở hầu hết lĩnh vực từ bất động sản bán lẻ cho đến bất động sản công nghiệp, ngoại trừ lĩnh vực khách sạn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này, bao gồm số lượng giao dịch ít hơn trên các thị trường chính, đồng nội tệ ở một số nước mất giá nhanh so với đô la Mỹ, và chi phí nợ tăng lên do chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ.
Dù vậy, Stuart Crow, Giám đốc điều hành thị trường vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL, nhận thấy rằng các nhà đầu tư có vẻ vẫn “tích cực” trên thị trường bất động sản nói chung và duy trì các kế hoạch trung và dài hạn để tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ trong khu vực.
Tổng giá trị đầu tư bất động sản ở châu Á-Thái Bình Dương giảm trong quí 3 chủ yếu do Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông đóng góp, với mức giảm tương ứng hàng năm là 61%, 55% và 75%.
Tại Nhật Bản, hoạt động đầu tư vốn yếu ớt trên hầu hết các lĩnh vực bất động sản càng trở nên trầm trọng hơn do đồng yen giảm giá mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc đối mặt với sự sụt giảm đầu tư liên tục do tác động kéo dài của chính sách ‘zero Covid’. Hồng Kông cũng chứng kiến ít giao dịch hơn và chịu tác động lớn của các yếu tố bên ngoài.
Báo cáo của JLL đánh giá mức sụt giảm đầu tư bất động sản hàng năm 8% của Hàn Quốc trong quí 3 so với cùng kỳ năm ngoái là “khiêm tốn” và nhấn mạnh Hàn Quốc là một trong những thị trường chống chịu tốt nhất trong quí vừa qua.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư bất động sản vẫn diễn ra mạnh mẽ ở Singapore, với giá trị của các giao dịch đầu tư bất động sản văn phòng lớn tăng 116% so với mức thấp trong giai đoạn tương ứng của năm 2021. Hoạt động đầu tư bất động sản ở Úc cũng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ một số giao dịch văn phòng cao cấp ở Sydney và Melbourne.
Xét theo ngành, các giao dịch bất động văn phòng và bất động sản logistics - công nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương lần lượt giảm 33% và 52% trong quí 3, xuống mức 14,4 tỉ đô la Mỹ và 4,6 tỉ đô la Mỹ. JLL cho biết, không gian văn phòng bị ảnh hưởng bởi khối lượng giao dịch suy yếu ở Nhật Bản và Trung Quốc do tâm lý bi quan trong bối cảnh chênh lệch giá đưa ra giữa người mua và người bán ngày càng gia tăng.
Bất động sản logistics và công nghiệp cũng nằm trong số những thị trường bị ảnh hưởng bởi lãi suất và chi phí nợ tăng. JLL lưu ý đầu tư bất động sản bán lẻ trong khu vực vẫn trầm lắng với mức giảm 13%, xuống mức 4,5 tỉ đô la Mỹ do giới đầu tư thận trọng với triển vọng chi tiêu mua sắm tùy ý của người tiêu dùng yếu hơn.
Đáng chú ý, hoạt động đầu tư khách sạn đang ổn định nhất trong số các lĩnh vực bất động sản ở châu Á - Thái Bình Dương trong quí 3, đạt 8,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà phục hồi du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục thu hút các nhà đầu tư toàn cầu và khu vực rót tiền vào lĩnh vực khách sạn trong khu vực.
Pamela Ambler, trưởng bộ phận tư vấn đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL, cho biết giá trị giao dịch bất động sản tổng thể của châu Á-Thái Bình Dương giảm trong quí 3 là không gây bất ngờ khi xem xét nền tảng giao dịch ở mức cao vào cùng kỳ năm 2021 kết hợp với các yếu tố bất lợi về kinh tế, chính sách tiền tệ và địa chính trị.
Ambler nhận xét: “Các nhà đầu tư đang xử lý các chiến lược triển khai vốn khác nhau do môi trường bên ngoài biến động nhanh. Chúng ta có thể sẽ thấy một số quyết định đầu tư bị trì hoãn trong quí 4 trong khi giới đầu tư chờ đợi sự rõ ràng hơn của tình trạng nền kinh tế toàn cầu”
Bà cho rằng sắp tới, thị trường bất động sản sẽ được định giá lại, vì vậy, JLL dự báo đầu tư bất động sản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nửa cuối năm sẽ suy giảm 12-15% so với nửa đầu năm nay.
Business Times, EdgeProp