(KTSG Online) - Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài gần 54 km đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ xin phê duyệt chủ trương. Sau giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT và dự kiến khởi công vào năm 2024.
Bộ GTVT đã ký tờ trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu nói trên từ trung tuần tháng 8. Theo đó, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với 4 cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành với TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Cao tốc này sẽ tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nằm trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 của ngành GTVT.
Đây là tuyến đường được đầu tư xây dựng với với tổng chiều dài khoảng 53,7km. Trong đó: điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa, thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quy mô của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ 6 làn xe đến 8 làn xe được xác định theo từng đoạn tuyến. Đoạn từ điểm đầu dự án (giao với tuyến tránh quốc lộ 1 qua thành phố Biên Hòa) đến nút giao Long Thành (giao với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây): quy mô 6 làn xe cao tốc. Đoạn từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành): Quy mô 8 làn xe cao tốc. Đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án (giao với quốc lộ 56): Quy mô 6 làn xe cao tốc.
Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô từ 4 làn xe đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến.
Để thực hiện được dự án này, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu phải giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 519,64 héc ta.
Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án là 19.616 tỉ đồng. Trong đó vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 6.720 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, chiếm khoảng 34% tổng mức đầu tư, chủ yếu để GPMB.
Vốn nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.987 tỉ đồng, trong đó 1.948 tỉ đồng là vốn chủ sở hữu. Phần còn lại hơn 11.000 tỉ đồng vốn vay.
Dự kiến, sau 17 năm đầu tư, nhà đầu tư BOT sẽ hoàn vốn. Dự kiến thời gian chuẩn bị dự án và lựa chọn được nhà đầu tư là năm 2023 và đến 2024 có thể khởi công được.
Đây là dự án đầu tiên, Bộ GTVT kiến nghị áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong quá trình kinh doanh, khai thác công trình.
Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trên hành lang TPHCM - Vũng Tàu chủ yếu bằng phương thức đường bộ thông qua quốc lộ 51; đối với tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, hiện đang triển khai đầu tư cầu Phước An vượt sông Thị Vải để kết nối với Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian vừa qua, quốc lộ 51 đã được đầu tư mở rộng song hiện tại lưu lượng xe trên quốc lộ 51 tại một số đoạn tuyến đang trong tình trạng quá tải; giảm khả năng phục vụ và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Kết quả dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2026, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, đưa vào khai thác, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang TPHCM - Vũng Tàu tại đoạn nối 2 cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành khoảng 136.285PCU/ngày đêm, tạo áp lực rất lớn tới hệ thống giao thông. Do đó, việc đầu tư thêm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giảm tải và kết nối cho hệ thống giao thông nói trên.