Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư công: căn bệnh “bốc thuốc” và sợ trách nhiệm

TS. Võ Duy Nghi (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong các phiên thảo luận về chủ đề đầu tư công tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, rất nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến lo ngại về vấn đề lập dự toán các dự án đầu tư công theo kiểu “bốc thuốc” dẫn đến đội vốn tràn lan cũng như tình trạng thừa vốn đầu tư mà không giải ngân được.

Nhiều dự án đầu tư công đội vốn gấp nhiều lần so với dự toán ban đầu được lập và phê duyệt. Ảnh: N.K

Tính đến hết tháng 5-2022, cả nước mới chỉ giải ngân được 22,37% vốn đầu tư theo kế hoạch đề ra(1). Tình hình giải ngân vốn đầu tư công ì ạch đến mức lãnh đạo Quốc hội trong phiên họp tổ đã đề nghị các đại biểu hiến kế để khắc phục tình trạng “bốc thuốc” cũng như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Từ việc lập dự toán theo kiểu “bốc thuốc”

Tình trạng đội vốn trong các dự án có vốn đầu tư công diễn ra hàng chục năm nay và ngày càng trở nên trầm trọng. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia như Gang thép Thái Nguyên, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Metro Bến Thành - Suối Tiên... đều đội vốn gấp nhiều lần so với dự toán ban đầu được lập và phê duyệt.

Việc đội vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, hiệu quả đầu tư dự án bị giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến việc phân bổ, cân đối ngân sách của trung ương và địa phương. Một căn bệnh cần chỉ ra đó là việc lập dự toán theo kiểu “bốc thuốc”. Thông thường tùy theo quy mô dự án mà chủ đầu tư tự lập dự toán dự án đầu tư hoặc thuê các đơn vị tư vấn lập dự toán dự án đầu tư. Thực tế cho thấy nhiều chủ đầu tư không có kinh nghiệm hoặc thuê các đơn vị tư vấn không đủ năng lực, không có kinh nghiệm về lĩnh vực tư vấn dẫn đến tình trạng “bốc thuốc” giá trị gói thầu. Hậu quả là giá trị dự toán thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, đòi hỏi phải bổ sung ngân sách, dự án bị gián đoạn chờ phê duyệt bổ sung nguồn vốn.

Cũng không loại trừ các chủ đầu tư, các cơ quan chủ quản cố tình làm đẹp số liệu, thông đồng với các đơn vị tư vấn làm nhỏ giá trị đầu tư để các cấp có thẩm quyền dễ thông qua hoặc giành quyền quyết định đầu tư về bộ ngành, đơn vị mình sau đó khi thực hiện dự án sẽ xin phê duyệt bổ sung ngân sách sau. Các chủ đầu tư dự án thường nêu ra hàng loạt lý do nghe có vẻ hợp lý để xin điều chỉnh bổ sung giá trị dự toán như: giá thị trường biến động, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, phát sinh thêm nội dung công việc, thay đổi phương án thi công, thay đổi nguyên vật liệu, địa hình phức tạp... Thực tế, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn có thể đã tiên liệu các vấn đề này nhưng để dự án dễ thông qua họ đã cố tình bỏ qua các yếu tố này khi trình dự toán.

Đến căn bệnh sợ trách nhiệm

Cũng trong phiên họp Quốc hội vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội than phiền cơ chế đã mở hết cỡ nhưng giải ngân đầu tư công vẫn chậm(2). Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế đầu tư công, đấu thầu hiện nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều lỗ hổng dẫn đến việc lãnh đạo các dự án đầu tư lo ngại trong việc ra các quyết định đầu tư. Thực tế Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu hiện hành là hành lang pháp lý đầy đủ, quy định rõ quy trình, trình tự, thủ tục đầu tư, đấu thầu nên không có lý do gì để trì hoãn các dự án đầu tư công.

Đặc điểm nổi bật của hai bộ luật này và các nghị định kèm theo là tính công khai, minh bạch. Có thể thấy rõ rằng trước đây các chủ đầu tư dự án thường lợi dụng hình thức chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế để trục lợi nên dẫn đến hầu hết các sai phạm trong lĩnh vực đầu tư công. Quy trình đấu thầu thường thực hiện không minh bạch, dẫn đến tình trạng “quân xanh quân đỏ”, chia chác hoa hồng là những nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư công. Rất tiếc khi phải nói rằng yếu tố tiêu cực cũng là một “động lực” thúc đẩy một số chủ đầu tư đẩy nhanh quy trình giải ngân vốn đầu tư công trước đây.

Các nhân tố có thể ảnh hưởng đến giá trị đầu tư phải được tiên liệu và đưa vào dự toán trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tránh trường hợp phê duyệt các dự án đầu tư theo kiểu chủ trương chung chung, chưa làm rõ nội dung đầu tư
cụ thể.

Hiện nay nhiều vụ tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư công đã bị phanh phui, nhiều chủ đầu tư có tâm lý ngại phê duyệt các dự án đầu tư công, sợ trách nhiệm khi ra quyết định đầu tư, phê duyệt ngân sách, phê duyệt gói thầu, nhà thầu dẫn đến tình trạng giải ngân ì ạch, có tiền cũng không tiêu được. Đây chính là căn bệnh sợ trách nhiệm của người đứng đầu và có vẻ đang dần phổ biến trong tình hình hiện nay.

Trị bệnh đúng giúp phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Đầu tư công là giải pháp chủ yếu giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19 trong điều kiện đầu tư nước ngoài, xuất khẩu giảm tốc trong ba năm vừa qua. Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch do Chính phủ đặt ra cũng như tình trạng “bốc thuốc” khi lập các dự án đầu tư công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đầu tư và tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những năm sắp tới. Vì vậy ngoài những nguyên nhân khách quan, cần chấn chỉnh ngay các nguyên nhân chủ quan để lành mạnh hóa và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bộ máy ban quản lý dự án của các chủ đầu tư, chọn lựa đội ngũ chuyên gia tư vấn và các đơn vị tư vấn có năng lực, có kinh nghiệm để có thể trình cơ quan chủ quản dự toán đầu tư có tính khả thi nhất, hạn chế chênh lệch phát sinh khi tiến hành đầu tư.

Các nhân tố có thể ảnh hưởng đến giá trị đầu tư phải được tiên liệu và đưa vào dự toán trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tránh trường hợp phê duyệt các dự án đầu tư theo kiểu chủ trương chung chung, chưa làm rõ nội dung đầu tư cụ thể.

Chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự nếu cố tình chia nhỏ dự án, giảm bớt khối lượng, phạm vi công việc để dự án được thông qua. Chính việc đội vốn các dự án đầu tư sẽ phá vỡ cân đối ngân sách của trung ương và địa phương, giảm hiệu quả đầu tư dự án, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong tình hình hiện nay, Chính phủ nên giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công như là một chỉ tiêu KPI chính trong việc đánh giá năng lực lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương có dự án đầu tư công phải xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, không được thoái thác, đổ lỗi cho cơ chế.

Cuối cùng, cần xử lý nghiêm khắc các bộ ngành, địa phương, đơn vị chây ì trong việc giải ngân vốn đầu tư đã được phân bổ. Ngoài việc điều chuyển vốn từ các đơn vị, bộ ngành chậm giải ngân sang đơn vị khác như cách làm hiện nay, cũng cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công hoặc để các dự án đầu tư đội vốn do thiếu trách nhiệm trong việc lập, phê duyệt dự án.

Một khi hành lang pháp lý về đầu tư công và đấu thầu đã rõ ràng, công khai minh bạch rồi thì không thể đổ lỗi cho cơ chế để trốn tránh trách nhiệm của người đứng đầu.

-----------

(*) Viện quản trị kinh doanh FSB - Đại học FPT
(1) https://baochinhphu.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-5-thang-dau-nam-uoc-dat-2237-ke-hoach-10222051616143416.htm
(2) https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-co-che-mo-het-co-tien-khong-thieu-sao-khong-tieu-duoc-20220525112902654.htm

3 BÌNH LUẬN

  1. Thực chất do trình độ hạn chế, khi lập dự án toàn trên những con số ảo, thiết kế lại trên trời, khi được duyệt đụng vào thực tế bật ngửa “vì đời không như mơ”… Vì thế có duyệt được dự án thì cũng nên có cách huỷ dự án khi không khả thi, không để tình trạng “tới thì dở lùi cũng chẳng xong”, treo lơ lửng đến khi con số nợ khổng lồ.

  2. Bài viết rất hay và đúng thực trạng hiện nay. Bao nhiêu công trình đội vốn 2-3 lần nhưng không ai chịu trách nhiệm và thường đổ lỗi do khách quan. Cần có chế tài nghiêm khắc với tình trạng này.

  3. Trên ôm/ Dưới chạy/ Giữa quậy. Đó là công thức lâu nay của căn bệnh đầu tư công chậm chạp, ì ạch. Điều đáng lo là một loạt các đầu mối trung gian, sinh ra nhan nhản nhằm hưởng lợi qua cơ chế phân bổ vốn kiểu như hiện nay. Trên thực tế, người nhận thi công dự án cuối cùng là khổ sở nhất, vì họ phải chịu đựng và gánh vác đủ mọi thứ chi phí trên trời dưới đất, đôi khi trắng tay vì thua lỗ. Rốt cuộc, chất lượng công trình kém, chi phí đắt đỏ, mất tiền thuế của dân… là nạn nhân của cách làm ăn này. Cần có một cuộc trùng tu toàn diện thì mới may cứu vãn được tình hình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới