Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đầu tư ra nước ngoài, vì sao thua lỗ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đầu tư ra nước ngoài, vì sao thua lỗ?

Phan Đình Mạnh

(TBKTSG Online) – Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ khi đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước. Và đâu là lối thoát cho các doanh nghiệp đang ở trong tình trạng này?

Đầu tư ra nước ngoài, vì sao thua lỗ?
Dự án dầu khí của PVEP tại Peru. Ảnh: PVEP

Thành công lớn nhất của dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trong thời gian qua có thể kể đến Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) với đa phần dự án đem lại hiệu quả. Hiện tập đoàn này và đơn vị thành viên Viettel Global đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông tại các quốc gia Campuchia, Lào, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Myanmar, Peru… và ba dự án nghiên cứu phát triển ở Pháp, Mỹ và Nga, với tổng vốn đăng ký gần 3 tỉ đô la.

Trong đó, các dự án tại Lào, Campuchia đem lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất cho Viettel với số lãi và vốn chuyển về nước lũy kế lần lượt là 265 triệu đô la và 168 triệu đô la.

Trái lại, phần lớn các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước đều không như mong đợi. Trong năm 2018, doanh thu của các dự án đã có báo cáo là 4.252,78 triệu đô la Mỹ, giảm 4% so với năm 2017. Trong đó, 49 dự án có lợi nhuận, 37 dự án lỗ. Số lợi nhuận được chia của các nhà đầu tư Việt Nam là 186,59 triệu đô la, giảm 9,99% so với năm 2017. Có 49 dự án lỗ lũy kế với số lỗ lên đến 1.156 triệu đô la, nhiều dự án chưa có báo cáo doanh thu và lợi nhuận.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ khi đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước. Và đâu là lối thoát cho các doanh nghiệp đang ở trong tình trạng này?

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là những bước tiếp theo của hoạt động quốc tế hóa sau hoạt động xuất khẩu đơn thuần sản phẩm. Tuy nhiên, khác với hoạt động xuất khẩu đơn thuần khi doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất tại nước mình (home country), hoạt động đầu tư ra nước ngoài (gồm liên doanh và 100% vốn) thường phức tạp và có nhiều rủi ro hơn (dù cơ hội mang lại lợi nhuận cũng rất cao). Ngoài các yếu tố vĩ mô bên ngoài như sự ưu đãi cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của chính phủ hay nhận sự ưu đãi từ nước sở tại thì các vấn đề quản trị doanh nghiệp đóng vai trò then chốt cho kết quả đầu tư.

Vấn đề dự báo thị trường

Dự báo thị trường là yếu tố quan trọng cho việc phân tích đầu vào khi đưa ra các quyết định chiến lược như đầu tư hay tung ra sản phẩm mới. Theo các kết quả kinh doanh và các báo cáo, một số doanh nghiệp gặp vấn đề về phân tích và dự báo ngành công nghiệp mà mình định đầu tư.

Trường hợp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là một ví dụ. Theo đó, tập đoàn này đã đầu tư dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào với tổng vốn hơn 522 triệu đô la. Vốn thực hiện đến nay đạt khoảng hơn 81 triệu đô la. Do giá kali trên thị trường giảm sâu kéo dài nên dự án không đạt hiệu quả như dự kiến ban đầu.

Trường hợp khác là Tập đoàn Cao su Việt Nam. Trong số 23 dự án trồng cao su tại Lào, Campuchia với vốn rót hơn 1,3 tỉ đô la thì tám dự án đã được triển khai thực hiện (năm nhà máy chế biến cao su tại Campuchia, ba nhà máy tại Lào). Trong số này, dự án tại Lào bắt đầu có lãi trước thuế 87 tỉ đồng, số còn lại do mới đi vào hoạt động, lại gặp phải tình hình giá cao su trên thị trường xuống thấp nên vẫn trong giai đoạn cân đối thu – chi hằng năm.

Vấn đề nhận định môi trường vĩ mô của nước nhận đầu tư

Điển hình của trường hợp này là các dự án thăm dò khai thác ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Các dự án này có nguy cơ mất trắng vốn đã rót vào Junin 2 tại Venezuela, do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) làm chủ đầu tư.

Tổng vốn đầu tư dự án này hơn 12,4 tỉ đô la. Trong đó, 60% vốn đầu tư tại dự án Junin 2 được liên doanh vay, 40% còn lại do các bên đóng góp tương ứng 3,1 tỉ đô la. Phần vốn góp của phía Việt Nam phải đóng tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng hơn 1,24 tỉ đô la.

Tuy nhiên, dự án này bất ngờ dừng từ năm 2013 theo quyết định của Thủ tướng khi chưa có giọt dầu nào được khai thác, trong khi PVEP đã đổ vào đây 442 triệu đô la phí tham gia hợp đồng, chưa gồm các khoản phí đầu tư và chi phí khác. Nguyên nhân là do tình hình tại Venezuela rất khó khăn, kinh tế suy giảm và đặc biệt là tỷ lệ lạm phát cao, tỷ giá giữa giá chính thức và giá bên ngoài tăng nhiều lần.

Các vấn đề kinh tế quốc tế

Trong hoạt động giao thương quốc tế thì tỷ giá có thể làm cho kết quả kinh doanh thay đổi khi chuyển ra ngoài lãnh thổ quốc gia đang được đầu tư. Với nền kinh tế mở và đầy biến động như hiện nay thì đây là một rủi ro không thể tránh khỏi với các công ty đa quốc gia, đặc biệt là công ty có hoạt động chuyển lợi nhuận thường xuyên về nước nhà (home country) và với hoạt động đầu tư vì mục tiêu đơn thuần là lợi nhuận (mục tiêu khác là mục tiêu chiến lược như nghiên cứu và phát triển (R&D) hay tiếp cận công nghệ thì lợi nhuận không phải là yếu tố then chốt).

Điển hình cho các vấn đề rủi ro tỷ giá là trường hợp của Viettel. Năm 2016, dự án đầu tư tại Mozambique và Haiti có lợi nhuận nhưng do biến động tỷ giá nên tập đoàn này phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, gây ra lỗ kế toán.

Văn hóa doanh nghiệp khác biệt

Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh quốc gia đóng vai trò quan trọng trong hợp tác kinh doanh đặc biệt là liên doanh quốc tế. Nếu hai bên không có các hòa hợp (strategic fit) thì dự án liên doanh sẽ găp khó khăn.

Chẳng hạn như các vấn đề của các dự án của Viettel tại châu Phi (Cameroon, Tanzania, Mozambique…). Theo đó, các dự án đầu tư của Viettel tại Cameroon đang xảy ra tranh chấp kéo dài giữa các bên trong liên doanh khiến dự án đang phải ngừng hoạt động, có nguy cơ mất vốn.

Đánh giá sai tiềm năng sản phẩm trong giai đoạn tiền khởi động

Đánh giá dự án ở giai đoạn tiền khởi động sẽ giúp doanh nghiệp định lượng được dung lượng đầu ra hay đầu vào cần thiết để có thể đạt điểm hòa vốn. Tuy nhiên một số doanh nghiệp gặp vấn đề trong ước lượng tiềm năng của dự án.

Chẳng hạn như ba trong số năm dự án của Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang gặp vấn đề tại Lào và Campuchia (tổng vốn đăng ký 21,5 triệu đô la). Sau quá trình thăm dò, tập đoàn này cho biết phát hiện trữ lượng khai thác tại các dự án này kém, không đủ khả năng phát triển thương mại để chuyển sang khai thác, chế biến sâu.

Giải pháp trung hạn

Trong trung hạn, doanh nghiệp cần đánh giá lại toàn bộ chiến lược kinh doanh tổng thể, bắt đầu từ phân tích nguồn lực nội tại của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần phân tích đâu là nguồn lực đặc biệt, đâu là điểm yếu để từ đó tránh các hoạt động khiến doanh nghiệp phải sử dụng điểm yếu hay đẩy mạnh đầu tư vào các hoạt động có thể cải thiện điểm yếu thành điểm mạnh.

Doanh nghiệp cũng cần rà soát và dự báo các điều kiện bên ngoài xem các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và ngành kinh doanh của mình.

Các chiến lược tổng thể cần được đưa ra nhằm kết hợp cả yếu tố nội tại bên trong của doanh nghiệp và các yếu tố bên ngoài. Khi chiến lược tổng thể cho doanh nghiệp được hình thành, doanh nghiệp sẽ đánh giá các dự án đầu tư nước ngoài xem các dự án này có “khớp” với chiến lược tổng thể và mục tiêu kinh doanh hay không.

Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp sẽ hướng vào hai mục tiêu. Mục tiêu thương mại đơn thuần như để mở rộng hoặc khai thác thị trường. Phần lớn các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp hiện nay đều tập trung đến khai thác thị trường nước ngoài trên cơ sở lợi thế hiện tại của doanh nghiệp.

Trong khi đó, mục tiêu chiến lược là hoạt động đầu tư nhằm mở rộng khả năng của doanh nghiệp (hay biến điểm yếu thành điểm mạnh cho doanh nghiệp). Đây thường là các hoạt động liên quan đến các dự án R&D. Với các dự án hiện tại chỉ có Viettel với ba dự án tại các nước Nga, Mỹ và Pháp là liên quan đến hoạt động R&D.

Khi đã xác định được dự án nào là cần thiết và dự án nào không bổ sung cho lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ quyết định tiếp tục dự án hay rút lui. Đới với các dự án cần tiếp tục, về mặt quản trị, doanh nghiệp cần đối chiếu và đánh giá lại văn hóa doanh nghiệp, văn hóa nước sở tại (đối với hoạt động đầu tư 100% vốn) và văn hóa doanh nghiệp liên doanh (nếu là hoạt động liên doanh) nhằm xây dựng một văn hóa cho cơ sở tại nước ngoài này theo hướng phù hợp với nước sở tại và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với các dự án cần dừng, doanh nghiệp có thể hủy kế hoạch đầu tư (nếu dự án chưa triển khai) hoặc thoái vốn để cắt lỗ. Hình thức thoái vốn bào gồm chuyển nhượng cổ phần lại cho đối tác liên doanh (nếu là liên doanh) hoặc bán cho đơn vị khác nếu là dự án 100% vốn đầu tư nhưng có vấn đề về pháp lý hay văn hóa doanh nghiệp khiến doanh nghiệp không thể triển khai tiếp. Đối với các dự án khai thác với trữ lượng kém thì doanh nghiệp có thể bán tài sản cố định lại cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Giải pháp dài hạn

Về dài hạn, doanh nghiệp cần thực hiện các dự án nước ngoài nhằm mục tiêu chiến lược hơn là khai thác thị trường. Cụ thể là đầu tư nước ngoài cho các dự án R&D để bổ sung cho các hạn chế của doanh nghiệp. Một lý do thứ hai là trong dài hạn, thị trường trong nước sẽ có chi tiêu cao hơn và với các hiệp định thương mại tự do thì doanh nghiệp có thể tiếp cận được các thị trường nước ngoài từ hoạt động sản xuất trong nước.

Ngoài ra, với sự phát triển của máy móc, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài với mục tiêu tìm nơi lao động giá rẻ có thể được giữ lại trong nước (do sử dụng máy móc). Doanh nghiệp chỉ nên cân nhắc đầu tư ra nước ngoài khi thị trường trong nước và xuất khẩu bão hòa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới