(KTSG) - Nhiều vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây khiến hàng chục học sinh thiệt mạng. Những vụ này đều có điểm chung là các em đi xe điện, xe máy va chạm với xe tải hạng nặng. Việc hướng dẫn kỹ năng lái xe phòng thủ (defensive driving) cho các em có thể góp phần giảm những vụ tai nạn thương tâm này.
- Từ năm 2025, lái xe với tốc độ bao nhiêu là đúng quy định?
- Chậm cấp bằng lái xe, đâu thể cứ xin lỗi là xong?
Chỉ trong phạm vi thành phố Thủ Đức (thuộc TPHCM), từ ngày 10 đến 21-10-2024, trên địa bàn thành phố Thủ Đức đã có ba nữ sinh viên và một nữ sinh 14 tuổi tử vong vì tai nạn giao thông do va chạm với xe tải hạng nặng.
Bước qua tháng 11, tại tỉnh Đồng Nai cũng liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông với học sinh đi xe đạp điện làm ba học sinh từ 8-16 tuổi tử vong do va chạm với xe tải hạng nặng. Trong các vụ việc này có trường hợp chị gái 14 tuổi chở em trai 8 tuổi bị xe tải cuốn vào gầm khiến bé trai thiệt mạng.
Dạy con lái xe cũng như chim bố mẹ tập cho chim con bay. Bắt đầu từ những đường bay ngắn chuyền trên cành cây quanh tổ đến những chặng bay dài hơn dần dần. Dù chim con đủ lông đủ cánh nhưng chim bố mẹ vẫn bay kèm chung cho đến khi con rời tổ.
Trong hầu hết trường hợp, các em đã bị rơi vào điểm mù xe tải, thêm vào đó có thể do tài xế thiếu quan sát nên không tránh được va chạm. Tuy nhiên, có một chi tiết khá giống nhau ở nhiều vụ khi xem những video ghi lại khoảnh khắc xảy ra tai nạn được báo chí và mạng xã hội đăng tải, đó là khả năng quan sát, nhận diện tình huống nguy hiểm của nạn nhân chưa bao quát.
Có trường hợp tai nạn xảy ra khi em học sinh thình lình chuyển hướng qua đường, có em thì khi xe tải chuẩn bị rẽ phải vẫn không phát hiện để giảm tốc độ mà vẫn chạy thẳng lên. Cũng có những vụ sinh viên chạy xe quá gần nhau rồi va quẹt ngã ra đường rơi vào bánh xe tải.
Dù vì lý do gì, nỗi đau để lại cho các bậc cha mẹ đều quá lớn và khó nguôi ngoai khi đứa con được chăm bẵm nuôi nấng đến tuổi thiếu niên, thanh niên lại đột ngột ra đi. Để giảm bớt những chuyện đau lòng như vậy, thiết nghĩ các bậc cha mẹ cũng cần chú tâm hơn khi dạy con lái xe, không nên chỉ dạy điều khiển xe thành thạo là cho phép con sử dụng xe đi học.
Để có thể lái xe trong điều kiện giao thông khá nguy hiểm hiện nay, với mật độ xe trên đường quá đông và phức tạp thì chỉ biết điều khiển xe tốt là chưa đủ mà cần có kỹ năng đánh giá tình huống để tránh nguy hiểm xảy ra cho bản thân và tránh việc điều khiển xe không như ý muốn khi kiểm soát tay ga, thắng, chuyển số… trong các tình huống bất ngờ.
Có thể nói nôm na, dạy con lái xe cũng như chim bố mẹ tập cho chim con bay. Bắt đầu từ những đường bay ngắn chuyền trên cành cây quanh tổ đến những chặng bay dài hơn dần dần. Dù chim con đủ lông đủ cánh nhưng chim bố mẹ vẫn bay kèm chung cho đến khi con rời tổ.
Đối với dạy lái xe máy cũng vậy, việc điều khiển xe thành thạo chỉ là bước đầu, không nên dừng lại ở đây rồi cho con ra đường một mình. Tốt nhất là dạy trực tiếp trên cung đường các em đi học để nắm rõ các lưu ý khi chạy xe. Người lớn có thể chở con đi trên xe máy rồi chỉ cho con nhận diện các tình huống cần lưu ý và cách xử lý.
Sau đó có thể cho con tự chạy một mình với độ dài đoạn đường giống như chim tập bay, tăng dần từ gần đến xa để tích lũy kinh nghiệm và có phản xạ tốt khi có tình huống bất ngờ. Người lớn có thể chạy theo phía sau quan sát và rút kinh nghiệm với con về xử lý tình huống trên đường, cách nhận diện các mối nguy hiểm trên đoạn đường vừa chạy.
Cũng cần hướng dẫn cho con về luật giao thông căn bản và hiểu ý nghĩa của một số biển báo giao thông chính và cách xử lý nếu chẳng may va chạm xe, té ngã hay bị xe khác va quẹt.
Nếu có điều kiện thời gian thì sau giai đoạn này có thể cho con chạy một mình đi học nhưng vẫn đi chung cung đường để có thể hỗ trợ kịp thời. Với người viết bài này thì khi con đã chạy xe vững, được giao xe tự đi học thì hàng ngày vẫn khởi hành chậm hơn 5-10 phút để đi theo phía sau trên cung đường con đi học trong suốt vài tháng sau.
Việc kèm cho con chạy xe từng bước là rất cần thiết vì trong thời gian nửa năm đầu các con sẽ chưa đủ kinh nghiệm xử lý tình huống. Ngoài ra cũng cần hướng dẫn cho con “lái xe phòng thủ”. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thật ra cách lái xe này rất đơn giản và dễ áp dụng, đó là hướng dẫn cho con bạn cách nhận diện tình huống có thể nguy hiểm và cách tránh, chẳng hạn như cách đề phòng khi đi chung đường với xe ô tô, xe tải và biết về điểm mù của các loại xe lớn.
Biết lái xe phòng thủ thì sẽ giảm được việc con bạn bị rơi vào tình huống nguy hiểm khi chạy xe trên đường, giảm khả năng xảy ra tai nạn giao thông. Biết cách quan sát bao quát chung quanh, có thói quen nhìn kính chiếu hậu, bật đèn xi-nhan khi chuyển hướng, giảm tốc độ và quan sát khi đến giao lộ, không chạy hàng hai hàng ba nói chuyện, không dùng điện thoại khi chạy xe… có thể giúp các em học sinh, sinh viên an toàn hơn nhiều khi ra đường.
Quá đông, quá nguy hiểm. Trẻ em, bây giờ ra đường phố, giống như đi trên dây. Tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Độ tuổi mẫu giáo/ cấp 1/ cấp 2/ thậm chí cấp 3 cha mẹ phải tự đưa đón hoặc thuê người đưa đón, nếu không chẳng an tâm chút nào. Bên cạnh phát triển giao thông công cộng, cần phát triển thêm loại hình giao thông học đường, chuyên dùng để chở các cháu học sinh. Nước Mỹ dù rất hiện đại, giao thông chuẩn mực, nhưng vẫn dành riêng “xe vàng” chở học sinh, thuộc diện ưu tiên giao thông trên đường. Một số trường ở ta cũng có bố trí xe đưa đón, nhưng chỉ tự phát, dành cho các “trường quý tộc” thôi. Thành phần phổ thông, thu nhập thấp, chỉ có ngước nhìn ?
Sách vở học đường/ Thực phẩm học đường/ Thể thao học đường/ Giao thông học đường/ Y tế học đường… Đều là những thứ tưởng chừng không liên quan gì nhiều đến quốc sách giáo dục ? Nhưng thực ra lại quan hệ rất chặt chẽ, thậm chí mang tính chất sinh tử đến vận mệnh và tương lai con cháu chúng ta đang độ tuổi đến trường. Đừng lăn tăn gì nữa, tương lai đất nước dân tộc nằm hết ở những câu chuyện này, chứ ở đâu nữa mà phải cất công đi tìm kiếm… ? Tổng bí thư đã chỉ đạo, đã đến lúc tất các cháu đến trường đều phải được nhà nước bảo bọc chuyện “ăn học”, chứ không phải cả phụ huynh lẫn các cháu phải chạy trường, chạy chỗ mãi như bấy lâu nay ?