Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng 2021-2025: Năm cuối nhiều thách thức!

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm 2025 sẽ đánh dấu năm cuối cùng thực hiện kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025. Trong số những mục tiêu đề ra, những mục tiêu nào có thể không kịp về đích?

Cuối tháng 11-2024, Quốc hội đã “chốt” chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thêm 27.666 tỉ đồng.

Sẽ kịp về đích?

Quyết định 689/QĐ-TTg ban hành ngày 8-6-2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” đặt ra 10 mục tiêu cụ thể. Nếu không tính đến ba mục tiêu liên quan đến việc phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô và hoạt động của ngân hàng hợp tác xã, bảy mục tiêu còn lại đều tác động đáng kể đến hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM).

Trong số này, hai mục tiêu đầu tiên đặt ra những thách thức nâng cao năng lực tài chính và áp lực tăng vốn cho các NHTM, có khả năng sẽ kịp hoàn thành trong năm 2025. Cụ thể, với yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12% theo chuẩn Basel II, hiện hầu hết các ngân hàng đã đáp ứng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thậm chí đã ban hành dự thảo thông tư quy định CAR đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng cập nhật những quy định mới tại chuẩn Basel III.

Theo số liệu cập nhật gần nhất của NHNN, đến tháng 8-2024, nhóm NHTM nhà nước đạt hệ số CAR theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN là 10,72%, nhóm NHTM cổ phần là 12,02% và nhóm ngân hàng nước ngoài là 24,52%. Có thể thấy hệ số CAR của nhóm NHTM nhà nước đang dưới mốc 11%, tuy nhiên nếu các ngân hàng này có thể hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2025, tất yếu sẽ đáp ứng ngưỡng mục tiêu mà NHNN đặt ra.

Cuối tháng 11-2024, Quốc hội đã “chốt” chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, theo đó, Vietcombank sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 49,5% để tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỉ đồng. Ngoài ra, cả BIDV và VietinBank đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2025, còn Agribank muốn được bổ sung vốn tối thiểu 10.000 tỉ đồng mỗi năm.

Về mục tiêu tăng vốn, Đề án 689 cũng yêu cầu, với nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỉ đồng; còn với nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỉ đồng. Tính đến hết quí 3-2024, đã có 18 ngân hàng có vốn điều lệ đạt mốc trên 15.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn bốn ngân hàng có mức vốn dưới mốc 5.000 tỉ đồng, gồm PGBank, KienLong Bank, SaigonBank và BaoViet Bank, nhưng vẫn còn thời gian một năm để các ngân hàng này hoàn thành việc nâng vốn để đáp ứng yêu cầu.

Với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, ngành ngân hàng đã tiến một bước dài trong những năm gần đây. Số liệu mới nhất cho thấy lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 bình quân là 26,2 triệu giao dịch/ngày với giá trị thanh toán trên 166.000.000 tỉ đồng, thanh toán QR tăng trưởng 200% về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023. Ngoài ra, kể từ ngày 1-1-2024, các ngân hàng đã phải đáp ứng xác thực sinh trắc học theo yêu cầu, giúp các giao dịch của khách hàng an toàn và bảo mật hơn.

Những thách thức còn lại

Bên cạnh đó, sẽ vẫn còn một số mục tiêu thách thức và cần phải tăng tốc nếu muốn hoàn thành theo thời hạn đặt ra của đề án. Đơn cử như mục tiêu phấn đấu có ít nhất từ 2-3 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và phấn đấu có 1-2 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế. Cho đến thời điểm này, việc niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên thị trường quốc tế dường như có thể phải cần thêm thời gian.

Về mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, ứng dụng công nghệ mới trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, thời gian qua nhiều ngân hàng đã nỗ lực triển khai các nền tảng ngân hàng số, số hóa hoạt động ngân hàng, nhưng vẫn có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng. Trong khi các NHTM quy mô nhỏ bị hạn chế về nguồn lực đầu tư, các NHTM quy mô lớn lại gặp không ít khó khăn trong sự chuyển đổi do nền tảng cơ sở dữ liệu, tệp khách hàng quá lớn nên cần phải mất nhiều thời gian hơn.

Với mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 16-17% vào cuối năm 2025, đây cũng là một thách thức không nhỏ. Báo cáo tài chính quí 3-2024 của 30 ngân hàng đã công bố cho thấy tổng lãi thuần từ dịch vụ chỉ chiếm 9,5% tổng thu nhập thuần, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các ngân hàng có tỷ lệ này xoay quanh 8-9%, số còn lại khá thấp - chỉ từ 4-6%, ngoại trừ một vài ngân hàng có tỷ lệ này cao như TPBank và LPBank đạt 19%; Techcombank đạt 18%.

Trước việc hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng bị thắt chặt, phí thu từ hoạt động thanh toán chững lại khi các ngân hàng phải cạnh tranh quyết liệt bằng cách giảm/miễn phí, các khoản thu từ dịch vụ tư vấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp nhiều hạn chế, dư địa tăng trưởng nguồn thu dịch vụ không còn dồi dào như trước. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải chuyển việc ghi nhận thu nhập phí L/C sang thu nhập lãi, chủ động giảm dần quy mô cấp UPAS L/C trước các thay đổi theo quy định mới tại Luật các tổ chức tín dụng 2024.

Cuối cùng, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu về mức dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém), cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Theo số liệu chia sẻ gần nhất từ đại diện NHNN, tỷ lệ tổng nợ xấu gồm nội bảng, VAMC và nợ tiềm ẩn (không tính các ngân hàng yếu kém) đến cuối tháng 10-2024 vẫn đang ở mức 3,28%. Và con đường giảm nợ xấu trong năm 2025 dự kiến sẽ còn lắm chông gai, khi áp lực nợ xấu mới gia tăng từ nợ tái cơ cấu vẫn rất khó lường. Trong khi đó, bộ đệm dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu của các NHTM đang ngày càng mỏng dần, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) trung bình toàn ngành giảm về mức thấp nhất trong năm năm qua, càng làm hạn chế khả năng xử lý nợ xấu trong giai đoạn kế tiếp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới