(KTSG Online) – Hôm 11-2, một biển báo giao thông “lạ” do người dân tự đặt ở ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý với nội dung thông báo xe ô tô không được rẽ trái từ đường Trường Chinh vào Tân Kỳ Tân Quý trong khung giờ từ 6 đến 22 giờ(*). Việc người dân tự đặt biển báo này cần được ngành giao thông nghiêm túc xem xét vì cách đặt biển báo trong nội ô TPHCM hiện nay đang vô tình tạo ra những cái “bẫy” cho người lái xe.
Giới tài xế đi ngang ai cũng thầm cám ơn người đặt biển báo vì biển này nằm ở vị trí rất dễ dàng nhìn thấy. Trong khi đó, biển báo chính thức của ngành giao thông bị che khuất, khó thấy khiến nhiều người không kịp nhìn và bị phạt dù không cố tình vi phạm.
Với các tài xế không quen đường, kể cả người ở tại TPHCM, lái xe trong nội ô thành phố rất dễ vô tình vi phạm vì không đọc được biển báo. Trong số biển báo giao thông, dễ vi phạm nhất là biển cấm rẽ trái theo khung giờ. Trong số các tài xế vi phạm, có không ít người không kịp đọc biển báo vì nhiều lý do, như biển được đặt bên tay phải trong khi xe đang ở làn bên trái để chuẩn bị rẽ, biển báo bị xe bên làn phải hay cây cối, dù bạt của hàng quán che khuất. Điều kiện giao thông cũng là một nguyên nhân vì khi lái xe trong giờ cao điểm, tài xế phải lo tập trung tránh xe gắn máy và khó nhìn kịp biển báo.
Đến trưa ngày hôm sau, cơ quan chức năng đã tháo bỏ biển báo này(**). Về luật, đây là điều phải làm vì chỉ có cơ quan chức năng nhà nước mới có quyền đặt biển báo giao thông. Nhưng từ cách đặt biển báo của người dân, ngành giao thông không nên dừng lại ở việc tháo bỏ mà cần suy nghĩ tới cách đặt biển báo sao cho dễ nhìn, không tạo thành những “cái bẫy” khiến người lái xe vô tình vi phạm.
Biển báo “lạ” của người dân tự đặt chỉ đơn giản sao chép lại nội dung của biển báo chính thống do ngành giao thông đặt ở bên phải nhưng hiệu quả thông tin lại rất cao vì vị trí đặt biển ai cũng nhìn thấy rõ ràng dù ban ngày hay ban đêm. Đây là điều cơ quan chức năng của TPHCM cần xem xét để thay đổi cách đặt biển báo hiện nay sao cho dễ thấy hơn để người dân không vô tình phạm luật.
Để tránh việc khó nhìn thấy biển báo, ở các giao lộ đông đúc dễ khuất tầm nhìn, ngành giao thông chỉ cần đặt thêm một biển báo bổ sung ở vị trí đầu dải phân cách là ai cũng nhìn thấy dễ dàng.
Việc đặt thêm biển báo giao thông bên trái đã được quy định tại Điều 20.1 trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 như sau: “Biển được đặt thẳng đứng, mặt biển quay về hướng đối diện chiều đi; Biển được đặt về phía tay phải hoặc phía trên phần đường xe chạy (trừ các trường hợp đặc biệt). Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi”. Như vậy, về luật, hoàn toàn không có vướng mắc gì trong việc gắn thêm biển báo bổ sung ở bên trái tại vị trí mà người dân tự đặt “biển báo lạ” nói trên.
Cũng theo QCVN 41:2019 thì Điều 20.1 quy định “Biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại của người tham gia giao thông”. Đối chiếu theo quy định này, có không ít biển báo trong nội ô TPHCM không đạt yêu cầu vì bị che khuất tầm nhìn. Biển báo tại giao lộ Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý là một minh hoạ cụ thể của việc này.
Với chức năng và quyền hạn của mình, mong là ngành giao thông hãy nhanh chóng kiểm tra làm cho biển báo giao thông trở nên dễ thấy, cải tiến cách đặt biển báo để người dân không bị rơi vào tình cảnh vô tình vi phạm như hiện nay. Hãy vận dụng luật để giúp người dân ở mức tốt nhất có thể được!
-----------------
(*) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bien-bao-la-giua-nga-tu-cua-ngo-tp-hcm-khien-nhieu-tai-xe-cam-kich-814909.html
(**) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bien-bao-la-giua-nga-tu-o-tp-hcm-da-bi-thao-do-815065.html
Xe container, xe bus, xe khách 50 chỗ đi theo làn trong, xe ô tô con thấp bé đi làn ngoài làm sao nhìn được biển báo bên phải. Thứ đến nữa là sửa luật biển báo tốc độ, hoặc các biển báo cần phải nhắc trước 100 mét rồi mới chính thức áp dụng. Đang chạy 80 km xuống 50 km chỉ có một biển là sai, cần có khoảng cách để lái xe giảm tốc như đèn xanh trước khi chuyển sang đỏ phải có đèn vàng.
Đây chính là chức năng thiết thực của lực lượng bảo vệ an toàn giao thông, hay nói khác đi, là nhiệm vụ sát sườn của công an giao thông. Họ phải là lực lượng hậu kiểm toàn diện, xử lý ngay những vướng mắc/ sai lầm/ sai sót với tất cả những gì có liên quan đến an toàn trên xa lộ. Xin nhắc lại, hậu kiểm chứ không phải tiên kiểm.
Ý kiến của báo đã được tiếp thu https://m.plo.vn/do-thi/da-thay-the-bien-bao-la-tai-giao-lo-truong-chinh-tan-ky-tan-quy-tphcm-1043229.html