Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để có khu dân cư xanh, sạch đẹp

TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc duy trì một khu dân cư hàng trăm hộ dân, hàng chục con hẻm và trục đường được sạch sẽ, nhiều cây xanh là điều khó nếu không biết kết hợp giữa ý thức công dân và sự chế tài của luật pháp.

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM nhiệm kỳ 2019-2024, tổ chức này sẽ phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động xây dựng đến cuối năm 2024, toàn TPHCM sẽ có 1.500, tức khoảng 10% số khu dân cư thành phố sạch đẹp. Đây là cơ sở để triển khai tiếp cho hàng chục ngàn khu dân cư ở TPHCM. Có thể nói, đây là một ý tưởng và chương trình rất tốt đẹp, còn gì vui hơn được sống trong các khu dân cư “xanh, sạch, đẹp” nhưng hiện thực hóa ý tưởng này trong thực tế là không dễ.

Việc làm sạch nơi công cộng (tạm hiểu là ngoài khuôn viên gia đình) thì có đội ngũ công nhân vệ sinh của công ty dịch vụ công ích, các đường dây thu gom rác dân lập. Trách nhiệm của họ là làm sạch phố phường và hưởng lương từ nguồn thu phí dịch vụ từ các gia đình. Dù vậy, khi người dân thiếu ý thức trong việc giữ vệ sinh công cộng thì lực lượng nói trên cũng khó mà dọn xuể. Ở các nước phát triển, chính quyền chế tài bằng luật rất nghiêm ngặt và minh bạch. Chẳng hạn như Luật Bảo vệ môi trường của Singapore quy định ở nơi công cộng: người vứt tàn thuốc, vỏ kẹo phạt 300 đô la Singapore (tương đương 5 triệu đồng), nhổ nước bọt bị phạt 1.000 đô la, chặt một cây xanh trái phép phạt 2.000 đô la. Đùa giỡn trên đường phố vô tình gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt 5.000 đô la.

Còn nhớ cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng “để” một người bạn thân là bác sĩ vào tù sáu tháng vì tội nhổ trộm một cây thông ở vườn quốc gia về trồng ở vườn nhà mình. Nhiều năm trước, một anh bạn trong đoàn đi công tác Singapore của tôi đã bỏ vỏ cam vào luống hoa và nghĩ là không ai thấy. Nhưng cảnh sát môi trường của Singapore “thấy” và họ gửi giấy phạt đến khách sạn. Anh bạn này khi ấy đang làm thủ tục để xuất cảnh đã phải nộp phạt, trước khi được phép lên máy bay về nước. Chính những quy định nghiêm ngặt đó đã tạo ra Singapore sạch, đẹp.

Còn việc xanh hóa và làm đẹp khu phố lại là một câu chuyện khác có liên quan đến rất nhiều chuyện, ví dụ kỹ thuật trồng cây xanh, thảm cỏ.

Ở TPHCM có rất nhiều chung cư, thời gian đầu người dân trồng cây xanh ở bồn ban công nhưng sau phải bỏ đi vì nước ngấm xuống tầng dưới làm hỏng, xấu công trình, trồng cây xanh sân thượng thì khó chăm sóc. Trong khu dân cư, người dân trồng cây gì đều xuất phát từ ý thích cá nhân, kiểu thích gì trồng nấy. Trong đợt phát động phong trào hồi cuối tháng 8 vừa qua, các vị lãnh đạo TPHCM và MTTQ đã đến tận nhà người dân trao tặng các chậu cây kiểng nhằm mong muốn mọi người trồng thêm cây xanh, hoa kiểng để tạo một môi trường xanh sạch đẹp. Nhưng những cây kiểng như vậy mang ý nghĩa khích lệ tinh thần nhiều hơn là mang lại giá trị mảng xanh thực tế.

Ở các nước, người dân địa phương được hướng dẫn rất cụ thể về loại cây được phép trồng trong vườn, vỉa hè, đất trống và sân thượng. Loại cây nào không độc hại, không phá hỏng công trình, không che chắn tầm nhìn (trên vỉa hè), không dễ gãy đổ, chịu được hạn (ở ban công) và tạo ra hình ảnh đẹp... đều được kê rõ để người dân biết mà làm theo.

Tương tự như trồng cây xanh, nhiều người nghĩ “đẹp phải là nhiều sắc màu xanh đỏ” cho nên xuất hiện phong trào “bích họa”, tức là cứ thấy bức tường nào lớn, dài là vẽ tranh trên đó. Ở một số khu đô thị mới tại Hà Nội, nhiều mảng tường đá ong vốn rất đẹp đã bị tranh tường đè lên. Rất nhiều tranh tường có nội dung na ná nhau, như “sĩ, nông, công, thương”, “súng, búa, lúa, bò”…, nét vẽ thô nếu không nói là cẩu thả, xấu xí. Thực ra, chính quyền địa phương có thể lấy ý kiến đóng góp từ những nhà chuyên môn như kiến trúc sư về cảnh quan, họa sĩ, nhà thiết kế rồi cân nhắc và quyết định chọn thông điệp ưng ý cho từng bức tranh tường.

Phát động một phong trào không khó, nhưng duy trì thành quả của nó lâu dài là một việc khó hơn gấp nhiều lần. Một phong trào chỉ thành công khi huy động được nhiều nguồn lực, mang lại lợi ích cho người dân, chạm đến ý thức và lòng tự hào của họ và cùng với đó là một hệ thống luật pháp thưởng phạt nghiêm minh.

1 BÌNH LUẬN

  1. Công thức để có môi trường xanh sạch đẹp thực ra rất đơn giản: Mỗi người một tay, là xong. Quan trọng là làm sao thẩm thấu hành vi này đến từng người dân. Chế tài luật pháp phải đi trước một bước. Singapore phải mất 20 năm làm bền bỉ mới được như ngày nay. Trước hết, hãy đặt camera quan sát một thời gian, lấy kết quả và công bố cho mọi người biết. Lần đầu nhắc nhở, lần sau phạt, lần sau nữa phạt nặng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới