Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dè dặt với canh tác theo chiều thẳng

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ ngàn đời nay, canh tác trải rộng theo chiều ngang với những cách đồng “cò bay thẳng cánh”. Nay khái niệm “nông trại thẳng đứng” (vertical farms) hay “canh tác theo chiều thẳng” (vertical farming) đang bước từ các dự án thí điểm sang sản xuất thương mại quy mô lớn. Liệu đây có phải là tương lai của nông nghiệp hay lại là một điều huyễn hoặc mới của công nghệ?

Phòng trồng rau ở “nông trại thẳng đứng” Plenty, thành phố San Francisco.

Tờ Financial Times trích số liệu của hãng nghiên cứu Grand View Research cho biết doanh số của các “nông trại thẳng đứng” đạt mốc 4,3 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, một mức tăng rất mạnh so với 1 tỉ đô la năm 2019. Hãng này dự báo mức tăng trưởng của ngành canh tác kiểu mới này sẽ lên đến 25,5% mỗi năm cho đến năm 2030.

Những ưu thế vượt trội

Nghiên cứu về cách trồng trọt theo hướng thẳng đứng xuất phát từ cơ quan NASA trong nỗ lực nuôi trồng thực phẩm trên các con tàu vũ trụ, nhưng công nghệ này bắt đầu được thử nghiệm một cách nghiêm túc trên mặt đất chừng mươi năm trở lại đây khi con người đạt được những bước tiến lớn trong công nghệ chế tạo đèn LED. Đây là yếu tố then chốt, vì nông trại truyền thống tồn tại nhờ ánh sáng mặt trời còn “nông trại thẳng đứng” phải được chiếu sáng bằng ánh đèn nhân tạo.

Lợi ích của trồng trọt theo phương thẳng đứng, tức canh tác theo tầng, như thể một cánh đồng lớn được cắt thành từng lát rồi sắp xếp lên cao, nhiều tầng - là không thể đo đếm hết. Người trồng không còn lo sâu bọ phá hại mùa màng nên không cần sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. “Nông trại thẳng đứng” không phải lo nghĩ về lũ lụt hay hạn hán lại sử dụng nước ít hơn phương pháp canh tác truyền thống đến 90%. Đó là bởi trong một môi trường được kiểm soát khép kín, hơi ẩm do thực vật tiết ra sẽ được máy hút ẩm thu thập, tái chế để làm nước tưới.

Do canh tác theo chiều đứng, mỗi mẫu đất sản xuất thực phẩm nhiều gấp mấy lần đến mấy chục lần các nông trại bình thường. Quan trọng nhất, do “nông trại thẳng đứng” có thể được lập nên ở bất kỳ nơi đâu, nên người ta có thể trồng rau xanh cạnh bên các thành phố đông đúc để cung cấp cho dân cư thành phố chứ không cần trồng ở một nơi xa xôi nào khác rồi tốn tiền chuyên chở tận nơi tiêu thụ. Thời gian từ lúc thu hoạch đến lúc lên kệ siêu thị chỉ vài ba tiếng thay vì vài ba ngày như trước.

Nhiều nhà nông nghiệp cho rằng canh tác theo chiều thẳng đứng sẽ là giải pháp nuôi sống nhân loại trên một trái đất ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tờ Financial Times dẫn trường hợp của Bowery Farming, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành canh tác theo chiều thẳng, để minh họa. Trong một tòa tháp cao nhiều tầng, máy điều hòa nhiệt độ chạy rầm rì, ánh sáng đèn LED chiếu sáng mọi ngóc ngách, từng lớp từng lớp dâu tươi đang chờ thu hoạch. Đi đi lại lại theo dõi mọi thông số là các kỹ thuật viên tay cầm máy tính xách tay mặc đồ bảo hộ trắng toát, miệng đọc các cụm từ lạ hoắc với nhà nông chính hiệu.

Irving Fain, người sáng lập và hiện là CEO của Bowery Farming cho biết, sau nhiều năm thử nghiệm trong môi trường như phòng thí nghiệm, nay doanh nghiệp của ông ta đang chuyển sang sản xuất thương mại quy mô lớn để bắt đầu kinh doanh trong một thị trường theo ông là rất rộng lớn.

Nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi

Tuy nhiên, chính các cụm từ như “cuộc cách mạng trong cung cấp thực phẩm cho toàn thế giới”, “tự động hóa”, “xử lý dữ liệu lớn”, “khoa học cây trồng tiên tiến”… đã gợi nhớ đến các câu chuyện thần thoại mà giới công nghệ thường sử dụng khi muốn “bán” một ý tưởng nào đó. Trong thực tế các “nông trại thẳng đứng” đã giúp ngành công nghệ nông nghiệp thu hút đến 5 tỉ đô la tiền đầu tư mạo hiểm vào năm ngoái. Không có các khoản đầu tư này, không rõ các “nông trại thẳng đứng” sẽ kinh doanh ra sao để tồn tại.

Đó là bởi chi phí bỏ ra cho các nông trại loại này vượt quá giá trị các sản phẩm nông nghiệp chúng làm ra. Người ta hoài nghi không biết phải bán bao nhiêu bó rau, cây cải để bù đắp lại chi phí vốn cực kỳ cao cũng như để biện minh cho giá trị thị trường ngất ngưởng của các doanh nghiệp này. Một số nhà phân tích cho rằng “nông nghiệp thẳng đứng” sẽ chỉ là một ngách nhỏ của thị trường, chẳng hạn phục vụ cho các thành phố Trung Đông giàu có nhưng đất đai khô hạn, không thể trồng trọt theo cách bình thường.

Cuối năm ngoái, AeroFarms, một doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành canh tác thẳng đứng đã từ bỏ dự án lên sàn chứng khoán, dù được định giá chừng 1,2 tỉ đô la. Quyết định này, không được AeroFarms giải thích, đang là bóng mây che phủ lên các doanh nghiệp tương tự. Khác với những năm trước đây khi vốn mạo hiểm cứ dồn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp có dính líu đến công nghệ đang tăng trưởng nhanh bất kể lỗ lã, nay tình hình kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư đòi hỏi thấy được lợi nhuận hay ít nhất cũng là khả năng làm ra lợi nhuận trước khi rót tiền.

Người sáng lập Bowery Farming từng làm trong ngành ngân hàng đầu tư trước khi chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao. Irving Fain thành lập Bowery Farming vào năm 2015, thu hút được 650 triệu đô la vốn đầu tư từ nhiều quỹ danh tiếng, kể cả Google Ventures và Temasek của Singapore. Vào tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp này khai trương nông trại lớn nhất và hiện đại nhất của họ, rộng chừng 14.000 mét vuông ở Pennsylvania để triển khai những gì họ thu lượm được từ các phòng thí nghiệm ở New Jersey và Baltimore. Họ đang xây những nông trại tương tự ở Georgia và Texas.

Crop One, một doanh nghiệp chuyên về “nông nghiệp thẳng đứng” khác đang xây một nông trại rộng gần 15.000 mét vuông, trị giá 40 triệu đô la ở Dubai cho hãng cung cấp thức ăn hàng không Emirates Flight Catering. Giám đốc điều hành, Andrew Grimmer cho biết chi phí thay thế ánh sáng mặt trời và đưa việc trồng trọt vào trong nhà là rất cao. Ngoài ánh sáng, “nông trại thẳng đứng” cần nhiều năng lượng để chạy các hệ thống tự động chăm sóc cây trồng cũng như điều hòa nhiệt độ, thông gió nhằm tạo ra một môi trường được kiểm soát chặt chẽ. “Nếu giải quyết được vấn đề năng lượng, cuộc chơi “nông nghiệp thẳng đứng” mới thắng thế” - Grimmer nói. Ông ước tính chi phí điện chiếm đến một nửa tổng chi phí hoạt động của Crop One.

Đi tìm giải pháp

Như thế rõ ràng “nông nghiệp thẳng đứng” đúng là lời giải cho bài toán nông nghiệp của tương lai. Nhưng các ưu thế về môi trường của ngành nông nghiệp này chỉ có thể được hiện thực hóa nếu “nông trại thẳng đứng” tránh xa nhiên liệu hóa thạch, tận dụng được các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời.

Đồng thời những người chủ xướng cần giảm liều lượng quảng bá, tập trung vào việc giảm giá thành chứ không dựa vào tiền của giới đầu tư mạo hiểm thì họ mới có cơ may thành công bền vững. Ngay cả lợi thế chuyển cơ sở sản xuất đến gần thị trường tiêu thụ - nói thì dễ nhưng địa điểm thích hợp gần các thành phố lớn để xây “nông trại thẳng đứng” đi kèm với chi phí đắt đỏ, nhân công lương cao. Tự động hóa để giảm nhu cầu nhân lực càng đòi hỏi đầu tư lớn, dùng nhiều năng lượng và chi phí do vậy càng tăng cao.

Những năm trước đây, báo chí từng ầm ĩ về các dự án “nông nghiệp thẳng đứng” do các thương vụ nổi tiếng. Như năm 2017 SoftBank đầu tư 200 triệu vào Plenty, một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở San Francisco. Cả Jeff Bezos, ông chủ Amazon cũng tham gia đầu tư vào Plenty.

Tuy thế, giải pháp không phải là tiền; theo Andrew Howell, người điều hành một quỹ đầu tư nông nghiệp, người xây dựng “nông trại thẳng đứng” cần làm chủ ít nhất ba chuyện. Đầu tiên là kiến thức công nghệ để thiết kế và xây dựng một cơ sở gồm nhiều cảm biến, robot, hệ thống chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ cùng nhiều hệ thống phức tạp khác. Sau đó là tay nghề chuyên môn trong nông nghiệp để canh tác thành công các sản phẩm nông nghiệp trong một môi trường đặc biệt, đạt được chất lượng và năng suất cao nhất. Cuối cùng là cuộc đua đưa sản phẩm của mình lên kệ các siêu thị trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt với các nhà nông loại khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới