(KTSG Online) – Lệnh cấm hát karaoke dưới mọi hình thức tại một khu du lịch nổi tiếng tại thành phố Hội An mới đây đã gợi mở nhiều vấn đề trong việc kiểm soát tiếng ồn tại các khu điểm du lịch trên cả nước.
UBND xã Cẩm Thanh ở thành phố Hội An vừa ra thông báo nghiêm cấm tất cả loại hình hát karaoke trên sông phục vụ du khách tham quan tại điểm du lịch rừng dừa Bảy Mẫu. Mục tiêu của việc cấm này là để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, không gây ô nhiễm tiếng ồn đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. Thông báo nêu rằng nếu cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vi phạm các nội dung trên, UBND xã Cẩm Thanh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Thông báo được đưa ra sau khi có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ngiêm trọng tại đây. Trước đó, nhằm tạo sự hấp dẫn để lôi kéo du khách, đặc biệt là khách châu Á, một số đơn vị kinh doanh dịch vụ tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng đã tổ chức biểu diễn lắc thúng và hát karaoke bằng “loa kẹo kéo” ngay trên sông.
Thực ra, hoạt động hát karaoke trên sông này đã xuất hiện cách đây gần 10 năm, nhưng khi đó chỉ có một hai đơn vị tổ chức và thi thoảng mới thực hiện. Bởi thời điểm đó, đa phần du khách đến Hội An cũng như khu rừng dừa này chủ yếu là khách Âu, Mỹ - vốn thích yên tĩnh; trong khi khách châu Á chiếm số lượng ít, việc mở nhạc hát karaoke chưa nhiều, nên tình hình ô nhiễm tiếng ồn chưa nghiêm trọng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có sự thay đổi. Lượng khách châu Á đến Hội An ngày càng nhiều hơn, đồng thời số lượng đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu rừng dừa gia tăng. Để cạnh tranh thu hút khách, các đơn vị kinh doanh phát nhạc karaoke thường xuyên hơn, những bài hát sôi động kèm theo những điệu lắc thúng được nghe nhiều hơn trong ngày.
Chủ một hộ kinh doanh tại khu rừng dừa Cẩm Thanh ủng hộ quyết định cấm vì theo anh cần phải trả lại sự yên bình và nét đẹp vốn có của khu rừng dừa này, chứ không nên để xô bồ như hiện nay. Bên cạnh đó, anh cho rằng khi cấm hoạt động hát karaoke trên sông thì chính quyền sở tại cũng cần nghĩ ra một phương án khác để thay thế, vì thực tế là hoạt động này đang giúp họ phần nào có khách.
Một doanh nhân Việt kiều đang sống tại khu vực Cẩm Thanh chia sẻ, Hội An đang định hình là điểm đến xanh thì cần có những nỗ lực để biến điều này thành sự thật. Mặt khác, việc giải quyết tiếng ồn cần được làm triệt để và thay bằng các hoạt động trải nghiệm thú vị hơn.
Trong khi đó, một doanh nhân trong ngành du lịch nhận định rằng ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn nạn tại nhiều khu điểm du lịch tại Việt Nam. Anh đi đến Sầm Sơn (Thanh Hóa), ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hay lện tận miền núi Hà Giang đều gặp tình trạng này. Chủ các homestay (nhà ở cho khách thuê), farmstay (lưu trú tại nông trại) hay khu dã ngoại đều có sẵn các loa kẹo kéo và micro để phục vụ khách.
Những người chủ này thường xuyên bị chính quyền và người dân xung quanh nhắc nhở vì mở âm thanh lớn và kéo dài, nhưng sau một thời gian thì đâu vẫn vào đó vì hoạt động này được họ cho là không thể thiếu.
Theo vị doanh nhân nói trên, cần có phương án giảm ô nhiễm tiếng ồn. Đó có thể là vừa cấm triệt để hát karaoke bằng loa kẹo kéo với âm thanh lớn, vừa khuyến khích chủ các cơ sở kinh doanh đầu tư những hình thức trải nghiệm khác, kèm theo là chính sách hỗ trợ của địa phương.
Khi các điểm đến này có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị hấp dẫn du khách thì các hoạt động như hát karaoke gây ảnh hưởng xung quanh sẽ dần biến mất. Khi các cơ sở du lịch quyết liệt nói "không" với ô nhiễm tiếng ồn thì ngay cả du khách cũng sẽ thấy ngại ngùng nếu họ góp phần gây ra tình trạng "ô nhiễm" này.
Im lặng là đỉnh cao của âm thanh. Nhưng im lặng kéo dài quá thì tương tự như chết chóc. Vấn đề là tìm đến sự hài hòa, hợp lý nhất. Trong nhiều thứ ô nhiễm hiện nay, ô nhiễm về tinh thần vẫn là thứ khó đo lường hậu quả nhất.