Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trở thành trợ lực phát triển

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư ra nước ngoài từ năm 1999. Tuy nhiên, sau 24 năm, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn khá nhỏ bé so với các nước trong khu vực, chưa tương xứng với tiềm năng của chính doanh nghiệp nội địa và chưa trở thành lực đẩy cho sự phát triển kinh tế. 

Tính đến hết năm 2022, số vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam đạt 21,7 tỉ đô la Mỹ với hơn 1.600 dự án còn hiệu lực, theo thông tin được cung cấp tại buổi ra mắt cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” được tổ chức vào ngày 31-5. Đây là cuốn sách đầu tiên về tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài do Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế và Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar phối hợp với Vietnam Finace thực hiện.

Một dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông của Tập đoàn Viettel. Ảnh: DNCC

Những câu chuyện được viết nên bởi người trong cuộc

Ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài thành công bước đầu, mang được lợi nhuận về nước (như TH, Vinamilk, NutiFood, Viettel, FPT…) nhưng trong đó cũng có không ít doanh nghiệp thất bại đã phải “trắng tay” về nước…

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tập đoàn TH đang đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga với tổng đầu tư 2,7 tỉ đô la Mỹ. Đã có 2 trang trại, mỗi trang trại với quy mô 6.000 con bò được hoàn thành. Hai trang trại nữa với quy mô tương tự đang được xây dựng và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.

TH cũng đang hoàn thiện nhà máy chế biến sữa tươi sạch tại Nga, dự kiến giai đoạn 1 với quy mô 500 tấn sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Giai đoạn 2 của nhà máy với công suất gấp 1000 tấn sẽ hoàn thành vào cuối 2026. Cùng với việc xây dựng nhà máy, TH sẽ ra mắt thương hiệu TH true MILK tại Nga.

Một thương hiệu Việt khác là Viettel sau 10 năm đầu tư ra nước ngoài, tập đoàn này đã có thương hiệu riêng tại 10 quốc gia và 7/10 thị trường đã có lãi với tổng lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam hơn 500 triệu đô la Mỹ…

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thành công, thì đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế.

Theo số liệu của UNCTAC về quy mô dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia trên thế giới, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đến hết năm 2021 đạt 12,1 tỉ đô la Mỹ. Quy mô dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam so với nhóm ASEAN-5 vẫn rất nhỏ bé, đặc biệt là so với Singapore. Tỉ lệ vốn đầu tư ra nước ngoài lũy kế so với GDP của Việt Nam đạt 3,3 vào năm 2021 – quá thấp so với mức bình quân của các nước đang phát triển và của chung toàn thế giới.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2021, trong khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài vẫn còn 44 dự án có lỗ với tổng lỗ lũy kế là 1,335 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 164 triệu đô la Mỹ so với cuối năm 2020.

Thực tế, còn có nhiều dự án lớn gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn đầu tư hoặc tạm dừng hoạt động. Hiện tập đoàn hóa chất Việt Nam đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cơ cấu dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào – thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn 552,5 triệu đô la Mỹ tại dự án này. Đây là dự án được khởi công vào năm 2015, sau khi hoàn thành một số gói thầu phụ và triển khai đền bù giải phóng mặt bằng, dự án đã phải tạm dừng triển khai do không đạt hiệu quả kinh tế như dự tính ban đầu.

Ngoài doanh nghiệp trên, phần lớn các dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị thua lỗ và dừng hoạt động. Trong 13 dự án của tập đoàn này đầu tư ra nước ngoài thì chỉ có 2 dự án chuyển được tiền về, 11 dự án thua lỗ, xin dừng hoặc giãn tiến độ…

Thông tin nhận định tại buổi họp báo ngày 31-5 cho thấy, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài còn yếu. Hầu hết các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt triển khai chậm. Ngoài khó khăn về thủ tục hành chính thì việc triển khai chậm còn do nguyên nhân chủ đầu tư thiếu vốn, tìm hiểu môi trường đầu tư không kĩ… nên sau khi được cấp phép nhiều khó khăn mới phát sinh làm chậm tiến trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó các ngân hàng trong nước vươn ra nước ngoài còn ít, điều này khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để triển khai dự án…

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh quốc tế. Khác biệt về văn hóa pháp luật, môi trường giữa các nước dẫn đến tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án. Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài thường mang theo tư duy và cách nghĩ của người Việt Nam – doanh nghiệp nghĩ nếu đầu tư ở Việt Nam sẽ được nhà nước hỗ trợ thu hồi đất. Nhưng khi đầu tư ra nước ngoài chế độ sở hữu đất đai khác dẫn đến nhà đầu tư Việt Nam ở nước ngoài gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, khả năng dự báo thị trường quốc tế, năng lực quản lý, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài lớn gặp rủi ro, không đạt được hiệu quả kinh doanh phải dừng triển khai hoặc giải thể.

Để đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, các doanh nghiệp cần khắc phục những nhược điểm trên.

Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nhu cầu phát triển

Tại buổi ra mắt cuốn sách nêu trên, ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sự quá thận trọng trong việc điều chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách và những hạn chế trong quản lý nhà nước  đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã làm giảm đi khát vọng của các doanh nghiệp để phát triển thành những doanh nghiệp toàn cầu. Điều này cũng làm chậm lại quá trình phát triển và làm giảm hiệu quả của đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo các tác giả cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar”, thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển, còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài còn thiếu và chưa đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo lẫn nhau.

Thêm nữa, chính sách ưu đãi đầu tư ra nước ngoài chưa thỏa đáng, chưa khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Các danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư ra nước ngoài còn thiếu. Thiếu danh mục dự án đầu tư ra nước ngoài được nhà nước hỗ trợ cân đối ngoại tệ. Thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm đáp ứng điều kiện ưu đãi hỗ trợ của nhà nước. Thiếu chế tài đảm bảo việc tuân thủ cam kết của nhà đầu tư khi được hưởng ưu đãi đầu tư ra nước ngoài, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài…

Để đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư ra nước ngoài. Chính phủ cần xây dựng đề án chiến lược đầu tư ra nước ngoài hoàn chỉnh. Cần đánh giá thực trạng và hiệu quả của hoạt động này tới nền kinh tế trong thời gian qua. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cần được hỗ trợ và khuyến khích để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích  doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước. Bên cạnh đó những chính sách về quản lý dòng tiền đầu tư ra cũng cần được hoàn thiện hơn nhằm định hướng mục đích đầu tư, quản lý theo giai đoạn và giảm thiểu các hoạt động rửa tiền hay trốn thuế.

Việc ký kết hiệp định đầu tư song phương với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, hoàn thiện năng lực các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ dòng vốn của Việt Nam là rất cần thiết. Cần nâng cao hiệu quả quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài. Thực hiện đổi mới quản lý nhà nước đối với đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong việc phê duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Cần quản lý các dự án đầu tư ra nước ngoài theo hướng: chính phủ chỉ cấp phép và quản lý đối với các dự án của doanh nghiệp nhà nước; các dự án của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, cam kết tự cân đối ngoại tệ chỉ cần đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Hướng tới thay thế hình thức quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài từ biện pháp hành chính (như cấp giấy, thẩm định chứng nhận đầu tư ra nước ngoài…) sang phương thức quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài theo cơ chế thị trường như thông qua chính sách về ngoại hối (quản lý dòng tiền) và chính sách tiền tệ, tài khóa (lãi suất, chính sách ưu đãi về thuế…).

Đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài, thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục đầu tư. Đảm bảo sự thống nhất các quy trình, thủ tục phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng quốc gia đối tác.

Cần ban hành danh mục dự án khuyến khích đầu tư ra nước ngoài được nhà nước hỗ trợ cân đối ngoại tệ. Các bộ ngành cần thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung danh mục khuyến khích đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới