(KTSG Online) - Chính sách hỗ trợ tín dụng cần hướng đến cả các doanh nghiệp có sức lan tỏa lớn và có tác động tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường, thay vì chỉ tập trung vào các ngành sản xuất ưu tiên của nền kinh tế, theo các chuyên gia.
- Lạc quan về kịch bản lãi suất giảm trong năm 2023
- Lãi suất 2023 - vẫn trong xu hướng tăng nhưng tốc độ sẽ chậm lại?
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất được công bố tháng 1-2023, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng thế giới năm 2023 xuống còn 1,7%, mức thấp nhất từ năm 1993, do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo đó, ba nền kinh tế lớn gồm Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc đều đang trải qua thời kỳ yếu đi rõ rệt.
Với Việt Nam, một nền kinh tế dựa nhiều vào thương mại quốc tế và hoạt động xuất khẩu, thì khi kinh tế thế giới suy thoái sẽ khiến thị trường xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam bị thu hẹp, tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, áp lực lạm phát trong nước đi lên và xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương lớn cũng tác động lên mặt bằng lãi suất, khiến áp lực chi phí vốn với doanh nghiệp tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, so với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện đã tăng khoảng 3% - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Dự báo thách thức từ việc phác họa đường đi tỷ giá – lãi suất năm 2023
GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dự báo lãi suất, tín dụng và tỷ giá thực sự là điểm nghẽn, thách thức lớn với nền kinh tế năm 2023. Theo đó, lãi suất dự kiến gặp nhiều sức ép từ các yếu tố, gồm: lạm phát có xu hướng gia tăng, từ cả mức lạm phát cơ bản cũng như từ chi phí đẩy do giá hàng hóa thế giới tăng cao; Ngân hàng Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) và Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) các nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất do lo ngại lạm phát vẫn diễn biến phức tạp, gây sức ép đến lãi suất trong nước; giá trị đồng đô la Mỹ tiếp tục xu hướng gia tăng khiến mức lãi suất trong nước phải gánh thêm trách nhiệm duy trì tỷ giá ổn định. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng phải hỗ trợ nền kinh tế hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.
Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo cao so với các nước trong khu vực và trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, hệ thống tài chính – ngân hàng còn chưa lành mạnh một cách bền vững khi hệ số an toàn vốn (CAR) còn mỏng, chất lượng tài sản và nợ xấu có nguy cơ gia tăng, thanh khoản hệ thống khó khăn hơn...
“Như vậy, dư địa chính sách tiền tệ sẽ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là rất khó khăn”, ông Thành dự báo.
Với bối cảnh quốc tế, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, Fed có thể điều chỉnh tăng lãi suất ba lần trong năm 2023.
Lần thứ nhất dự kiến diễn ra vào tháng 2-2023, Fed chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm, thay vì 0,5 điểm phần trăm như tháng 12-2022 do thị trường đặt cửa mức lạm phát có thể sẽ giảm từ mức 7,1% vào tháng 11 xuống khoảng 6,5-6,6% vào tháng 1. Hai lần tăng lãi suất còn lại dự kiến diễn vào tháng 3 và 5.
“Thời điểm đầu tháng 5 khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng, sau đó sẽ duy trì ở mức đỉnh lãi suất đồng đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng là 5-5,25% cho đến cuối năm 2023. Như vậy, cuối tháng 5 sẽ có dư địa cho Việt Nam do chúng ta không phải chạy đua lãi suất trong nước với đồng đô la Mỹ, áp lực tỷ giá sẽ qua đi”, ông Thành cho hay.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng áp lực lên lãi suất và tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023. Theo đó, sức mạnh đồng đô la Mỹ vẫn sẽ duy trì ở mức tương đối trong cả năm 2023, nhưng sự kết hợp giữa hai xu hướng gồm Fed “bớt diều hâu” hơn từ giữa 2023 và dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng lên mức 102 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2023, sẽ chặn đà giảm giá của đồng Việt Nam, đồng thời hé mở khả năng tỷ giá tại thời điểm cuối năm 2023 sẽ giảm 1-2% so với mức hiện tại.
“Trước khả năng lộ trình thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương sẽ chậm dần lại, và lạm phát trong nước vẫn đang trong tầm kiểm soát, chúng tôi cho rằng NHNN chưa cần nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới”, chuyên gia của VNDirect cho biết.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lãi suất huy động và cho vay còn dư địa tăng trong năm 2023, nhưng sẽ dần hạ nhiệt nửa cuối năm. Riêng lãi suất huy động dự kiến đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1-1,5%.
Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo VCBS, là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6-2023. Đồng thời, sau sự việc liên quan đến Ngân hàng SCB, NHNN đã khẳng định ưu tiên cao nhất là đảm bảo thanh khoản, giữ ổn định an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, các ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng cho rằng lạm phát thế giới đã đạt đỉnh. Vì vậy, chính sách tiền tệ các quốc gia cũng đang chuẩn bị cho một chu kỳ đảo ngược, tức điều chỉnh lãi suất xuống mức thấp hơn trong một vài quý tới.
Với Việt Nam, chuyên gia này cho biết NHNN đang sử dụng các giải pháp để làm lãi suất thực thấp xuống.
Về tỷ giá, ông Phước cho rằng đồng Việt Nam có lợi thế là lãi suất cao và chênh lệch lạm phát so với các đối tác thương mại chính là âm. Điều này tự thân nó như là một tố chất “kháng thể” cho sự mất giá của đồng Việt Nam.
“Tất nhiên, trong một thế giới đầy biến động thì đồng đô la Mỹ vẫn có một sức hút nhiều khi bất chấp lãi suất và lạm phát như chúng ta đã chứng kiến trong năm 2022. Nhưng dù sao thì các dự báo đều cho rằng chỉ số USD Index sẽ thấp xuống nữa, các đồng tiền trên thế giới trong năm 2023 sẽ lên giá dù mức độ không nhiều. Điều đó cho phép ta dự báo đồng Việt Nam sẽ mất giá xoay quanh mức lạm phát”, ông Phước dự báo.
Giải pháp giúp dòng vốn chảy vào các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh
Áp lực tỷ giá – lãi suất dự kiến được giải toả một phần từ giữa năm 2023, nhưng lãi suất thực ở Việt Nam hiện đang quá cao. Cụ thể, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 1 năm hiện khoảng 9,4%, nếu trừ đi lạm phát bình quân là 3,15% thì đang ở thực dương 6,25%.
Lãi suất cho vay trung bình kỳ hạn 1 năm hiện khoảng 12,5%, trừ đi lạm phát bình quân thì thực dương hơn 9,3%, nếu cộng với biên độ biến động tỷ giá đô la Mỹ là 3,81% thì dương hơn 13%.
Yếu tố này, theo ông Trương Văn Phước, là một lợi thế trong kiểm soát lạm phát. Nhưng ở góc nhìn khác, lãi suất thực mà dương cao quá sẽ bất lợi cho nền kinh tế về lâu dài.
Cụ thể, lãi suất thực (cho vay) quá cao sẽ khiến doanh nghiệp trong nước chịu gánh nặng chi phí lớn, qua đó giảm khả năng cạnh tranh trước doanh nghiệp nước ngoài, vốn không phải chịu lãi suất cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, GS. TS Tô Trung Thành cho rằng chính sách hỗ trợ tín dụng bên cạnh việc tập trung vào các ngành sản xuất ưu tiên của nền kinh tế thì nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch, nhưng có độ lan tỏa lớn và có tác động tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.
Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản. Cụ thể, giảm bớt dòng vốn vào các thị trường tài sản, bên cạnh chính sách tài khoá như thuế tài sản để hạn chế dòng tiền đầu cơ vào thị trường bất động sản, vàng; chính sách lãi suất, tỷ lệ tài trợ cho khoản vay mua nhà đất cần có khác biệt giữa BĐS đầu tiên mà cá nhân, hộ gia đình sở hữu với BĐS thứ hai và thứ ba.
Bên cạnh đó, kiểm soát cung tiền vào thị trường BĐS và nắn dòng tiền của khu vực ngân hàng vào khu vực nền kinh tế thực, lĩnh vực lan tỏa như sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm bằng các biện pháp kiểm soát tín dụng vào BĐS có chọn lọc như giám sát việc tài trợ các dự án BĐS thuộc cổ đông lớn và người có liên quan đến cổ đông lớn của ngân hàng, giám sát các hình thức ủy thác, repo BĐS, tăng cường giám sát rủi ro tại các tổ chức tín dụng có dấu hiệu bất ổn liên quan đến đầu tư/kinh doanh BĐS.
“Cần kiểm soát chặt chẽ cung tiền nhưng cần cho phép nới lỏng chỉ tiêu tín dụng ở các ngân hàng có chỉ tiêu an toàn cao. Chẳng hạn, đáp ứng được được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu thấp để gia tăng các dòng vốn tín dụng có chất lượng đến nền kinh tế”, ông Thành khuyến nghị.
Với bản thân doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội khuyến nghị chủ doanh nghiệp thực hiện chiến lược tối ưu hoá dòng tiền với hai định hướng: Quản lý tốt khả năng thanh khoản của doanh nghiệp quan trọng hơn rất nhiều so với mục tiêu đạt lợi nhuận; Chuẩn hóa hoạt động kinh doanh và minh bạch tài chính để tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng, Quỹ tín dụng nước ngoài tại Việt Nam
Ngoài ra, gia tăng dòng tiền vào qua các nguồn như Ngân sách Nhà nước (Trợ cấp, bảo lãnh, Bảo hiểm, Miễn giảm thuế, Chương trình phục hồi…), đối tác (Chính sách bán hàng thu tiền trước, Trả chậm nhà cung cấp, Tín dụng thương mại…).
Về dài hạn, ông Tô Trung Thành cho rằng cần có giải pháp để phát triển các thị trường vốn, gồm thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu một cách an toàn và bền vững.
Với hệ thống ngân hàng, cần phát triển thị trường ngân hàng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) như Basel III, IFRS 9.