Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để du lịch văn hóa kiếm được… tỉ đô la

Đào Loan ghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Du lịch văn hóa được Chính phủ xem là một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu ở thời điểm năm 2030. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2030, mảng du lịch này sẽ đóng góp 20-25% trong tổng thu khoảng 130 tỉ đô la Mỹ từ khách du lịch.

Du khách nước ngoài tham quan, mua sắm tại Làng gốm Thanh Hà, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đào Loan

Du lịch văn hóa là từ được nói tới nhiều trong giới làm du lịch bây giờ, đặc biệt là khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố mục tiêu doanh thu đặt ra cho mảng du lịch này: mang về 20-25% tổng doanh thu ngành khoảng 130 tỉ đô la vào năm 2030. Nhưng ở cấp độ địa phương, nhiều nơi đã giới thiệu một số sản phẩm mới của du lịch văn hóa hoặc đang rốt ráo tìm kiếm các ý tưởng nhằm phát triển sản phẩm. KTSG đã trò chuyện với một số doanh nhân, nhà nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu về du lịch để tìm hiểu thêm về tình hình thực tế cùng những gợi ý để phát triển loại hình du lịch này.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Asian Trails Co., LTD:

Khách du lịch cần những trải nghiệm thật sự nên cần tránh việc làm “hàng nhái” khi phát triển du lịch văn hóa.

Có vẻ hơi trừu tượng khi đến du lịch văn hóa nhưng theo tôi, đó là việc cho khách tìm hiểu về lịch sử và cuộc sống thường nhật của người dân địa phương. Chúng tôi đã phát triển dòng sản phẩm này từ nhiều năm trước và hiện tại, cùng với du lịch biển và du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa đã trở thành những sản phẩm thu hút nhiều khách du lịch.

Mảng này có cơ hội phát triển mạnh vì ngày càng nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách từ châu Âu, Mỹ muốn tiếp cận gần hơn với văn hóa, cuộc sống của người dân bản địa. Khách rất thích thú khi được tham quan những di tích lịch sử ở địa phương rồi “chạm” vào cuộc sống của người dân bằng cách đến tận nhà để cùng bà con ra vườn hái rau hoặc đi chợ, chuẩn bị bữa ăn và dùng bữa y như bữa ăn hàng ngày của người địa phương... Chúng tôi thường tổ chức tour trong ngày hoặc hợp tác với người dân để khách ở lại lâu hơn trong các homestay.

Sản phẩm này có thể được tổ chức ở nhiều điểm đến. Tuy nhiên, chúng tôi thường đưa khách đến nhà dân ở vùng chưa phát triển du lịch đại trà nhằm đem lại trải nghiệm thực tế hơn và đáp ứng yêu cầu mới là phát triển du lịch bền vững. Với yêu cầu mới, việc đi du lịch phải giảm đến mức thấp nhất những tổn hại tới môi trường tự nhiên, di sản do ảnh hưởng của hoạt động du lịch và góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng dân cư.

Tôi cho rằng, du lịch văn hóa là những giá trị văn hóa thì không thể có “hàng nhái”. Vì vậy, người làm du lịch và địa phương phải phát triển loại hình này dựa trên những giá trị sẵn có. Ví dụ, với những di tích cũ, xuống cấp thì phải có kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích chứ không phải là đập cũ, xây mới để thành một điểm mới hoặc đem mô hình đang rất thu hút khách tại những nơi khác về đặt tại địa phương mình; hay với các làng nghề, hộ dân làm nghề truyền thống thì góp sức với địa phương để cùng làm du lịch thay vì tạo nên một khu phố để trình diễn... Ngoài ra, các địa phương có thể tạo thêm tiện tích và làm giàu trải nghiệm cho du khách bằng cách xây dựng thêm nhà vệ sinh; quán cà phê để thư giãn, nghỉ chân hay điểm bán hàng lưu niệm để cho khách mua mang về và nhớ đến điểm tham quan.

Việc những tour đưa khách du lịch đến làng làm kẹo dừa ở Bến Tre; tour đi Huế coi nghề làm hoa giả, hàng mã vào ngày tết ở Huế… đắt hàng đã cho thấy sức mạnh của việc phát triển du lịch dựa trên thế mạnh và giá trị thực của địa phương. Theo tôi, đây cũng là điều cần lưu ý khi phát triển du lịch văn hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, CEO Công ty Image Travel & Event:

Cần phân loại sản phẩm, xác định thế mạnh địa phương và thị trường muốn phát triển để làm du lịch văn hóa.

Bản thân từ văn hóa và du lịch văn hóa có nghĩa quá rộng nên cần phân loại sản phẩm cụ thể và dựa theo nhóm nhu cầu du lịch cùng điều kiện thực tế cũng như phân khúc hàng mà địa phương muốn thu hút để tạo sản phẩm, thực hiện các hoạt động tiếp thị một cách hợp lý.

Chẳng hạn, người châu Âu không thích tham quan đền chùa nổi tiếng như người châu Á. Người Pháp thích đi gặp gỡ người dân, lắng nghe những câu chuyện và cười đùa với người dân địa phương. Người Đức, người Mỹ lại thích đi xe đạp xuyên những bản làng để xem cuộc sống của người bản địa. Du khách trẻ Âu, Mỹ thích lê la các khu phố, vào bar để xem cách giải trí của người Việt còn khách châu Á lại thích thăm các điểm nổi tiếng văn hóa lịch sử và thích chụp hình kỷ niệm tại các điểm này. Tất cả điều này đều là du lịch văn hóa. Vì vậy, cần phân loại thành những loại hình cụ thể hơn như du lịch tham quan di sản, khám phá đời sống, trải nghiệm địa phương hay đặc thù hơn là du lịch ẩm thực, kiến trúc… để thực hiện mục tiêu phát triển và thu hút khách của điểm đến.

Trong việc phát triển du lịch văn hóa hiện có một số vấn đề chưa đúng cần được thay đổi. Đó là, nhiều nơi đã không bảo vệ không gian di sản; có nơi chỉ cần giữ các công trình lớn, đẹp còn những công trình khác như nhà cổ, loại nhỏ thì không quan tâm hoặc chưa tạo được một môi trường. Trong khi đó, không gian di sản sẽ tạo nên cảm xúc khác biệt và nâng tầm giá trị di sản còn hệ thống kiến trúc chung sẽ giúp tạo nên không gian kiến trúc, để du khách “đắm chìm” trong đó và ở lại lâu hơn.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company:

Cần phải làm được sản phẩm du lịch để bán chứ không chỉ “bán tài nguyên sẵn có”.

Từ góc độ nhu cầu của du khách, dữ liệu khảo sát cho thấy, phần lớn khách du lịch đều ưu tiên cho việc tham quan các điểm văn hóa di tích lịch sử nổi tiếng tại các điểm đến trong hành trình du lịch. Đặc biệt, du khách có xu hướng quan tâm đến các điểm đến gắn với giá trị văn hóa địa phương, đời sống bản địa. Điều này phù hợp với thế mạnh tài nguyên văn hóa lịch sử của Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể nhận định rằng, phần lớn trải nghiệm văn hóa của du khách hiện mới chỉ dừng lại ở các hoạt động tham quan ngắn, đơn thuần gắn với các điểm tham quan nổi tiếng mà chưa có những trải nghiệm sâu sắc hơn. Trên thị trường cũng có một số sản phẩm tour có gắn kết với việc tìm hiểu trải nghiệm văn hóa chuyên sâu dưới các hình thức tour chủ đề như gặp gỡ người dân địa phương, tham quan những điểm đến không phổ biến nhưng chủ yếu là do các công ty lữ hành quốc tế phát triển riêng để phục vụ cho một vài phân khúc khách hàng ngách của doanh nghiệp.

Hiện tại, việc phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc khai thác các giá trị tài nguyên văn hóa vật thể thông qua các công trình di tích, một số ít di sản văn hóa phi vật thể dưới hình thức các show diễn. Nhìn chung, nhiều giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa địa phương chưa được phát triển thành những sản phẩm mang tính tiêu dùng trải nghiệm thật sự, tức là sản phẩm hữu hình. Trong khi đó, việc truyền đạt giá trị văn hóa theo cách hấp dẫn sẽ thu hút được sự chú ý của du khách và định vị được giá trị của điểm đến. Vì vậy, người làm du lịch phải sáng tạo hơn để đưa những giá trị văn hóa thành những sản phẩm dễ tiếp cận hơn với du khách, tức là làm cho sản phẩm có tính giải trí hơn.

Ví dụ, với cải lương, nhiều người thắc mắc tại sao cải lương hay như vậy mà lại khách nước ngoài lại ít xem. Theo tôi, nguyên nhân rất đơn giản, là vì khách không hiểu và chưa có những show ngắn dễ hiểu và ấn tượng dành cho phân khúc này, tức là chưa có những sản phẩm du lịch thực sự. Nếu cứ có gì phục vụ nấy thì chẳng có mấy người nước ngoài có thể dành hơn một tiếng đồng hồ để xem trọn một vở cải lương dù đó là vở mà nhiều người Việt mê mẩn.

Tuy nhiên, hiện cũng có một số điểm đến như Huế đang làm tốt việc khai thác giá trị văn hóa thành sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn, với mảng áo dài, tuy nhiều địa phương quảng bá cho áo dài, tổ chức lễ hội áo dài nhưng đa số chỉ là mang áo dài dân dụng ra làm sự kiện rồi thôi. Trong khi đó, Huế không chỉ quảng bá mà còn có nơi cung cấp áo dài kiểu đặc trưng riêng cung đình, cho khách thuê từ khách sạn để đi thăm đại nội, hay dạo chơi ở thành phố.

Theo tôi, văn hóa nước nào cũng đặc biệt, điều quan trọng là làm sao để khiến thế giới tò mò về văn hóa của điểm đến như cách Hàn Quốc hay Thái Lan đã làm được. Những nước này truyền bá văn hóa qua truyền thông, phim ảnh để tạo được nhận thức, sự tò mò với du khách và tiếp sau đó là giới thiệu những sản phẩm thực thụ. Đây là điều mà du lịch Việt Nam cần tham khảo trong quá trình phát triển du lịch văn hóa.

Theo Luật Du lịch được Quốc hội ban hành vào năm 2017, du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Còn theo định nghĩa được Đại hội đồng UNWTO (Tổ chức Du lịch Thế giới) thông qua tại kỳ họp thứ 22 (2017), du lịch văn hóa là một loại hình du lịch, trong đó động cơ chủ yếu của du khách là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm các điểm tham quan văn hóa vật thể và phi vật thể hoặc tiêu thụ sản phẩm liên quan tại một điểm đến du lịch. Những điểm tham quan/sản phẩm này liên quan đến một tập hợp các đặc điểm riêng biệt về vật chất, trí tuệ, tinh thần và cảm xúc của một xã hội, bao gồm nghệ thuật và kiến trúc, di sản lịch sử và văn hóa, di sản ẩm thực, văn học, âm nhạc, các nền văn hóa sống động với lối sống,tín ngưỡng và truyền thống...

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới