(KTSG Online) – Các chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý nên coi vàng là một loại hàng hóa và trao lại quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, sớm nghiên cứu, thành lập một sàn giao dịch với sản phẩm này, nơi các chủ thể giam gia có thể mua bán khi có nhu cầu.
Lý giải “vũ điệu” của vàng
Từ cuối tháng 11-2023, giá vàng miếng SJC bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy cách biệt giữa thị trường trong nước và thế giới ngày càng lớn. Tới ngày 26-12-2023, bất chấp thị trường đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 đô la Mỹ một ounce, giá vàng miếng SJC nổi sóng và xác lập kỷ lục 80 triệu đồng một lượng, đắt hơn thế giới 20 triệu đồng một lượng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng và yêu cầu không để "vàng hóa" nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC. Công điện nêu rõ giá vàng trong nước biến động mạnh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước; không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối…
Công điện cũng yêu cầu đánh giá tổng thể thị trường vàng, bao gồm sản xuất và kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... với mục tiêu nhằm phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Sau công điện của Thủ tướng, giá vàng trong nước đã giảm. Tại thời điểm 10 giờ sáng 29-12-2023, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 70 triệu đồng một lượng với chiều mua vào và 74 triệu đồng một lượng với chiều bán ra, lần lượt giảm giảm 8,2 triệu đồng và giảm 5,8 triệu đồng so với sáng 28-12. Tại thị trường TPHCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 71 triệu đồng một lượng với chiều mua vào và 74 triệu đồng một lượng với chiều bán ra.
Tới ngày 6 và 7-1-2024, giá vàng có diễn biến điều chỉnh tăng - giảm, nhưng vẫn giao dịch quanh mốc 75 triệu đồng một lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi sang đồng Việt Nam (đã tính thuế, phí gia công - PV), chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã giảm từ hơn 20 triệu đồng một lượng thời điểm cuối năm 2023, xuống khoảng 13,5-13,8 triệu đồng một lượng vào đầu năm 2024.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, lãnh đạo NHNN vẫn nhấn mạnh quan điểm “cơ quan quản lý cũng không chấp nhận việc chênh lệch giữa vàng SJC và các loại vàng khác quá cao”.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho rằng Nhà nước tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ, mua bán vàng của người dân, không khuyến khích kinh doanh, bảo hộ cho giá cả. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng không chấp nhận việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tới 20 triệu đồng mỗi lượng như vừa qua.
Lý giải diễn biến trên thị trường vàng thời gian qua, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, cho rằng giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới có sự chênh lệch bởi ba yếu tố gồm tỷ giá, tự do thanh khoản và cung cầu trong nước.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc quản lý và kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2023 đã dẫn tới ba vấn đề.
Thứ nhất, sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế, đẩy giá vàng lên cao. Cụ thể, cuối năm là giai đoạn nhu cầu mua tích trữ vàng tăng cao, nhiều người dân đã tăng mua vào, nhất là vàng miếng SJC để tích trữ. Trong khi đó, nguồn cung vàng SJC hạn chế, bởi vàng SJC không được sản xuất thêm, chỉ còn ở trong dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản trở nên bất định, còn lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu… thì dòng tiền tìm đến những kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ như vàng. Điều này giúp giá vàng liên tục tăng mạnh, phá vỡ kỷ lục.
Thứ ba, việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ lâu với giá rẻ hơn vàng SJC.
“Chính sách độc quyền vàng gây thiếu nguồn cung, làm cho thị trường bị đẩy nóng lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.
Bình ổn thị trường vàng bằng sàn giao dịch?
Thực tế, Nghị định 24/20212 được đánh giá là đã đạt được mục tiêu hỗ trợ NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, giúp cơ quan điều hành không phải lo ngại về sự biến động thị trường vàng tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của nghị định là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Nhưng sau hơn 10 năm, tình hình đã khác và có những quy định tại Nghị định 24/2012 không còn phù hợp.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho biết mục tiêu quan trọng lớn nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai Nghị định 24/2012 là chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Dù nghị định này đã đáp ứng được kỳ vọng đề ra, song vì đã ra đời cách đây 11 năm và các điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi nên việc sửa đổi chính sách là cần thiết.
“Chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Tuy nhiên, dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là phải đạt được vấn đề quản lý nhằm ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và bảo đảm quyền lợi của người dân”, ông Tú nêu rõ.
Trong quá trình chờ sửa Nghị định 24/2012, để chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng, Thống đốc NHNN vừa ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623 ngày 23-8-2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.
Góp ý, ông Ngô Trí Long kiến nghị NHNN cần đánh giá tổng kết hiệu quả và những tồn tại bất cập của Nghị định 24/2012, sửa đổi trong thời gian sớm nhất để phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, việc sửa đổi lần phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng, chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức. Ngoài ra, cần trao lại quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp.
“NHNN có thể xem xét cho một số ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại chỉ nên triển khai các sản phẩm phái sinh, còn nếu muốn kinh doanh vàng miếng nên thành lập công ty vàng độc lập”, ông Long đề xuất.
Chuyên gia này cũng mong muốn các cơ quan quản lý đưa hoạt động sản xuất- kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Đồng thời xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng, trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Đồng quan điểm với ông Long, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng góp ý với Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc đưa vàng trang sức ra khỏi nhóm kinh doanh có điều kiện. Bởi vàng trang sức là hàng hóa thông thường, việc buôn bán không tác động đến lợi ích công.
Với Bộ Tài chính, ông Ngô Trí Long kiến nghị đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0%, thay vì áp dụng mức 1% như quy định mới đây, để khuyến khích xuất khẩu, tái tạo nguồn ngoại tệ, đồng thời tăng việc làm cho người lao động.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng cơ quan quản lý chưa thể xử lý được vấn đề sâu xa nhất của thị trường vàng nếu vẫn coi đây là một loại tiền đặc biệt. Ngoài ra, càng kiểm soát thị trường này sẽ càng khiến nhu cầu của người dân tăng lên khi kinh tế thế giới xuất hiện biến động, hoặc lãi suất ở thị trường Việt Nam thấp.
Theo ông Tuấn, cơ quan quản lý có thể tham khảo mô hình sàn giao dịch nếu coi vàng là một loại hàng hóa. Tuy nhiên mô hình này không phải là loại sàn giao dịch CFD - mua bán chênh lệch giá vàng mà không diễn ra việc giao nhận vàng thực tế.
“Nếu chúng ta có đủ khả năng để thành lập sàn giao dịch vàng vật chất quốc gia thì đó mới là giải pháp. Khi nhu cầu của người dân về vàng vật chất tăng cao, chúng ta có thể nhập khẩu để bán cho người dân. Trong trường hợp giá vàng Việt Nam cao hơn thế giới, thì có thể xuất khẩu vàng thông qua sàn này giúp mọi thứ được liên thông”, ông Tuấn đề xuất.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Theo đó, các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng. Còn nhà đầu tư không cần cầm vàng đến hoặc mang vàng về sau mỗi lần giao dịch, mà có thể ký gửi lại các trung tâm lưu ký là hệ thống ngân hàng thương mại.
Điều này được đánh giá là tiện lợi, nhanh chóng, bớt rủi ro hơn phương thức mua bán vàng truyền thống. Giá mua bán được ghi trên số tài khoản vàng của khách hàng, họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống nên không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.
Ngoài ra, có thể cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETF) như một công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ cũng có thể được mua bán trên Sở giao dịch hàng hóa. Điều này sẽ khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng.
Các chuyên gia kỳ vọng, ETF sẽ có một vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực cho NHNN khi xảy ra sốt giá, giúp tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.