Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để giảm bớt thiệt thòi cho người lao động tự do

Bạch Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Người lao động tự do (khu vực phi chính thức) và gia đình họ chịu nhiều thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động. Nhiều quyết sách đang được bàn thảo nhưng quan trọng, những quyết sách đó có thật sự sát sườn và phù hợp hay không.

Mức lương theo giờ của nhân viên phục vụ, chạy bàn hiện vẫn đang ở mức khá thấp. Ảnh: B.D

Rẻ mạt vẫn phải làm

Những lúc rảnh rỗi ngoài giờ học, Hồ Thanh Hùng, sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, đi phụ việc tại quán cà phê. Trung bình mỗi giờ Hùng được trả 20.000 đồng, nếu làm từ 6-8 giờ/ngày, Hùng kiếm được từ 120.000-160.000 đồng. "Trừ tiền ăn, chi phí xăng xe, mỗi tháng em còn lại khoảng 2 triệu đồng, trả tiền nhà trọ là hết”, Hùng chia sẻ và cho biết em đã làm qua nhiều nơi, mức tiền công cũng chỉ dao động trong khoảng 18.000 – 20.000 đồng/giờ. Dù biết là thấp nhưng em vẫn phải chấp nhận để có thêm khoản chi tiêu hàng tháng.

Trong khi đó, chị Tô Thị Thanh (quận Gò Vấp) làm nghề giúp việc nhà theo giờ thì có mức thù lao cao hơn. Cụ thể, với gói làm việc gồm lau nhà cửa, toilet, phơi - ủi quần áo khoảng 3 giờ/ngày (3 lần/tuần), chị Thanh được trả công 2,5 triệu đồng/tháng, khoảng 70.000 đồng/giờ. Nếu chỉ lau dọn nhà thì được trả khoảng 50.000 đồng/giờ.

Những lao động tự do như Thanh Hùng hay chị Thanh hoàn toàn thực hiện công việc theo thoả thuận với người chủ, hầu như không có hợp đồng lao động và tất nhiên không có bất cứ chế độ nào khác. Họ luôn phải chấp nhận rủi ro khi mất việc, đau ốm hoặc tai nạn.

Ông André Gama, chuyên gia an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, cho rằng để tăng cường các chính sách an sinh xã hội vào nhóm lao động phi chính thức, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. "Khi Nhà nước đầu tư một triệu đồng vào an sinh xã hội, sau một năm sẽ tạo ra ba triệu đồng vào GDP tăng trưởng nền kinh tế", ông nói.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước, chuyên gia của ILO cho rằng Việt Nam nên áp dụng BHXH bắt buộc cho tất cả người lao động. Thực tế nhiều năm qua, BHXH tự nguyện tăng trưởng rất hạn chế. Cụ thể, trong 16,4 triệu người đang đóng BHXH chỉ có khoảng 1,28 triệu người tham gia bảo hiểm tự nguyện.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói đợt bùng phát dịch vừa qua lao động phi chính thức là nhóm chịu tác động nặng nề, nhưng sự hỗ trợ nhận được lại thấp nhất. Do đó, việc mở rộng bao phủ chính sách BHXH lên nhóm lao động phi chính thức là để bảo vệ họ tốt hơn, đặc biệt khi gặp rủi ro.

Tuy nhiên, khi được hỏi có sẵn sàng bỏ tiền để đóng BHXH hay không, hầu hết các lao động ở khu vực phi chính thức này đều ngần ngại.

Theo chị Thanh, mỗi tháng giúp việc cho 3-4 nhà chị kiếm được khoảng 6-7 triệu đồng, chỉ đủ để tằn tiện chi tiêu trong gia đình. Vì thế, chị không muốn bỏ 330.000 đồng để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng.

Sẽ có quy định mức lương tối thiểu giờ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội về Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo dự thảo, mức lương tối thiểu giờ quy định theo 4 vùng gồm vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Theo ban soạn thảo, mức lương tối thiểu giờ sẽ mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay mức lương người làm việc theo giờ đang được nhận ước khoảng 18.000-23.000 đồng/giờ - khá thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp được trả lương theo giờ cao như giúp việc nhà, trông trẻ, tư vấn kỹ thuật... với mức 50.000-150.000 đồng/giờ.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, nhận định tùy công việc, người lao động làm theo giờ được trả lương khác nhau, song thực tế cho thấy mức lương tối thiểu giờ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Ông Triều đề xuất lương tối tiểu vùng giờ nên tăng lên ở mức 30.000-40.000 đồng/giờ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới