Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Để hành khách không ‘mắc kẹt’ giữa hàng không và chính quyền địa phương

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bỏ qua các công điện và chỉ thị liên tục của Thủ tướng Chính phủ, các quy định ban hành bởi cơ quan quản lý chuyên ngành, đến tối 11-10, vẫn còn ba tỉnh Quảng Bình, Gia Lai và Lâm Đồng yêu cầu hành khách đi máy bay từ TPHCM đến các địa phương này phải cách ly tập trung. Trong khi đó, việc công bố và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc đóng, mở cảng hàng không, sân bay và thiết lập đường hàng không thuộc về Bộ Giao thông Vận tải và quy định về cách ly do Bộ Y tế đưa ra.

Hành khách đủ điều kiện đi máy bay phải đươc địa phương nơi đến tiếp nhận, thay vì mỗi nơi một kiểu như hiện nay. Ảnh minh họa hành khách làm thủ tục lên chuyến bay VN213 từ Hà Nội đi TPHCM ngày 10-10. Ảnh: VNA

Sau Hà Nội và Hải Phòng, đến tối 11-10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã bỏ quyết định bắt buộc cách ly tập trung một tuần với hành khách bay từ TPHCM đến Huế. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với Sở Du lịch tiếp nhận thông tin về hành khách đi đến và phân nhóm.

Như vậy, có thể hiểu là Thừa Thiên Huế duyệt danh sách hành khách đi máy bay trước khi họ đến địa phương. Thanh Hóa cũng đặt ra điều kiện này. Song, theo lời Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng nói tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các hãng bay về việc mở lại đường bay thí điểm vào chiều 11-10 thì chính ông đã đăng nhập vào danh sách đăng ký, không có ai tiếp nhận và phê duyệt.

Sau khi ba địa phương nói trên bỏ quy định cách ly tập trung hành khách đến từ TPHCM, hiện vẫn còn 3 địa phương là Gia Lai, Quảng Bình và Lâm Đồng yêu cầu hành khách bay đến từ TPHCM phải cách ly tập trung 7 ngày liên tục tại khách sạn, tự trả phí và thanh toán tiền xét nghiệm Covid-19, mặc dù các chỉ thị và công điện của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về việc mở lại các tuyến giao thông vận tải, hàng không…. đã được ban hành liên tục trong những ngày qua.

Việc “truy đuổi” những hành khách có đủ điều kiện lên máy bay (có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid, đã xét nghiệm (test) Covid-19 theo phương pháp PCR và tuân thủ 5K) vẫn diễn ra, và thông tin KTSG Online được nguồn tin cung cấp thì Hải Phòng đã lên phương án đưa hành khách từ TPHCM không lưu trú tại Hải Phòng tới các chốt kiểm dịch giáp ranh với địa phương mà hành khách muốn đến để “bàn giao” lại.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, Chính phủ và các bộ ngành đã có những quy định cụ thể, kể cả phương án trong trường hợp phát hiện ca dương tính trên chuyến bay hoặc sau đó thì xử trí thế nào, câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều địa phương vẫn “hắt hủi” hành khách?

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng hiện hành thì Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam được cấp phép các chuyến bay và Thủ tướng có thẩm quyền quyết định việc đóng/mở cảng hàng không, sân bay vì các lý do đặc biệt. Như vậy, chính quyền các địa phương dựa trên cơ sở nào để cho phép cho hành khách đi/đến sân bay là câu hỏi được công chúng đặt ra những ngày qua.

Luật cũng quy định, máy bay chỉ được cấp phép cất cánh từ cảng hàng không, sân bay khi có lệnh của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu (điều hành bay, dịch vụ thông báo bay…), chứ không cất/hạ cánh theo lệnh của chính quyền thành phố (như trường hợp đối với chuyến bay của Vietjet Air suýt không thể đến Đà Nẵng vào chiều ngày 10-10).

Theo các nguồn tin có thẩm quyền, Chính phủ và Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải căn cứ vào các quy định của pháp luật và thực tế diễn biến dịch bệnh để đưa ra các quyết định về mở lại các đường bay thương mại sau thời gian giãn cách kéo dài dựa trên sự cân nhắc, hài hòa lợi ích của hành khách, các hãng hàng không và chính quyền địa phương chứ không nghiêng về bất cứ bên nào.

Chính vì vậy, chính quyền các địa phương không thể dựa vào các đánh giá, có thể mang yếu tố cảm tính về năng lực tiếp nhận, về nỗi e ngại không kiểm soát được dịch bệnh (nếu có) để cho phép hay không cho phép hành khách đủ điều kiện được ra/vào các địa phương.

2 BÌNH LUẬN

  1. Đây chính là lý do mà các công ty du lịch “thông minh” không nên tổ chức tour đi bằng máy bay, thậm chí đi đường bộ , đường sắt liên tỉnh trong tình hình hiện nay.

  2. Tôi thấy Lâm Đồng làm kỹ quá dân địa phương khóc ròng vì hàng bán không được, giờ đến cà phê không cho dân tỉnh ngoài vào làm sao hái, nên có kế hoạch cách ly tại rẫy cho người hái cà phê, vừa làm vừa cách ly
    Cám ơn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới