Thứ năm, 22/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để hộ kinh doanh sớm thích nghi với môi trường không thuế khoán

Vân Phong - Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh, theo nội dung Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, đang là nội dung thu hút sự quan tâm lớn của nhóm kinh doanh cá thể trên cả nước. Vậy việc chuyển đổi sẽ được thực hiện thế nào? Hộ kinh doanh cần chuẩn bị những gì?

Vừa mừng, vừa lo

Cả nước có khoảng 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh, nhưng chỉ có 3,6 triệu hộ đang đăng ký thuộc diện nộp thuế, theo số liệu từ cơ quan thuế. Trong đó, có gần 2 triệu hộ hiện áp dụng phương pháp thuế khoán với mức thuế bình quân khoảng 700.000 đồng/tháng/hộ.

Theo nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, chậm nhất đến năm 2026 sẽ bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh, tạo nền tảng để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Hộ kinh doanh tìm hiểu ứng dụng quản lý bán hàng, tích hợp dịch vụ xuất hóa đơn điện tử. Ảnh: H.T

Trước thời điểm chính sách quản lý thuế thay đổi, nhiều hộ kinh doanh trực tiếp/trực tuyến bày tỏ ý kiến cũng đồng tình. Bởi việc xác định nghĩa vụ thuế theo doanh thu thực tế, dựa trên hoá đơn điện tử là cần thiết, tránh tình trạng các hộ kinh doanh có doanh thu khác nhau nhưng đóng cùng mức thuế. Đồng thời, góp phần hạn chế hàng giả, kém chất lượng.

Ông Đặng Minh, hộ kinh doanh tại thành phố Thủ Đức (TPHCM), cho biết đã được cán bộ thuế khu vực liên lạc, hướng dẫn kê khai doanh thu và chi phí đầu vào - những số liệu cần thiết, để xác định lợi nhuận và nghĩa vụ thuế phải thực hiện từ tháng 6-2025, thay vì nộp một mức thuế khoán được ấn định dựa trên cảm tính của hội đồng xét duyệt, gồm: cán bộ thuế, ban quản lý chợ và chính quyền địa phương như trước đây.

“Trước đây, tôi đóng mức thuế khoán khoảng 1 triệu đồng/tháng, cộng thêm chi phí mặt bằng. Tổng chi phí vẫn trong khoảng cho phép, đảm bảo vận hành ổn định. Nhưng giờ cần tính toán lại chi phí và tìm giải pháp gia tăng nguồn thu, sau khi trang bị thêm phần mềm bán hàng, chữ ký số, máy tính tiền”, ông Minh chia sẻ.

Tương tự, bà N.T.Linh, hộ kinh doanh quần áo tại phường Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội), cũng chủ động tìm hiểu hình thức kê khai thuế theo doanh thu thực tế.

Tuy nhiên, việc chưa quen sử dụng máy tính tiền để xuất hóa đơn điện tử, không thường xuyên lưu trữ hóa đơn đầu vào khi mua hàng, khiến bà cảm thấy khó khăn trong việc cân đối giữa hóa đơn đầu ra và đầu vào - một yếu tố quan trọng trong quá trình nộp thuế chính xác. Hơn nữa, câu hỏi: “cơ quan thuế công nhận, hay không công nhận số hàng tồn kho hiện tại là hợp lệ để hộ có thể xuất hóa đơn khi bán hàng?” cũng khiến bà và nhiều hộ băn khoăn.

Theo bà Linh, nếu bỏ thuế khoán, nên có chính sách thuế phù hợp cho đối hộ kinh doanh như quy định mức phạt không quá nặng về hóa đơn. Bởi nhiều hộ kinh doanh nộp chỉ hoạt động với quy mô hộ gia đình theo hướng “lấy công làm lãi”, nên lo ngại chính sách quản lý thuế mới khiến chi phí tăng cao, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận...

Từ góc nhìn chuyên gia, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School, cho biết việc bỏ hình thức thuế khoán là xu thế không thể đảo ngược trong lộ trình chuyên nghiệp hóa thị trường. Tuy nhiên, nếu triển khai quá gấp, có thể tạo cú sốc với hơn 300.000 hộ/cá nhân kinh doanh, vốn chưa có hệ thống kế toán và sử dụng hóa đơn điện tử. Thậm chí, mơ hồ giữa ba khái niệm, gồm: doanh thu, lợi nhuận và thuế.

“Bối cảnh ngành thực phẩm và đồ uống gồm hiện chia thành hai phần, một phần là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình chuỗi, bắt đầu xây dựng hệ sinh thái số hóa với POS, CRM, ERP mini, BI... Còn lại là các hàng quán nhỏ, với tỷ lệ 90%, vẫn đang vận hành bằng sổ tay và cảm tính”, ông Thanh nói.

Chuẩn bị gì cho hộ kinh doanh?

Trước những lo lắng của một số hộ kinh doanh, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, các hộ cần phải hiểu kê khai ở đây không phải là kê khai theo luật Thuế giá trị gia tăng giống với tổ chức và doanh nghiệp, mà chỉ là thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chế độ kế toán đơn giản.

Trước đây, hộ kinh doanh áp dụng thuế khoán nghĩa là lấy doanh thu khoán nhân với tỷ lệ quy định, không quan tâm đến kinh doanh lớn hay nhỏ, lãi hay thua lỗ. Còn với quy định mới, doanh thu kê khai thuế của hộ kinh doanh là số thu thực tế bán hàng và nhân với tỷ lệ quy định.

"Nộp thuế theo kê khai tức là doanh thu cao phải nộp thuế cao, thấp thì nộp thấp mới đúng về bản chất của nghĩa vụ thuế", ông Được nói.

Để tránh tốn kém chi phí cho hộ kinh doanh mà vẫn bảo đảm họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước, ông Được cho rằng có thể dùng phương pháp tính thuế “trực tiếp trên doanh thu” - sử dụng hoá đơn hoặc sử dụng hóa đơn kết nối với máy tính tiền theo quy định có hiệu lực từ ngày 1-6. Điều này giúp hộ/cá nhân kinh doanh không phải thực hiện sổ kế toán, tức chỉ thực hiện đầy đủ hóa đơn và đảm bảo kê khai doanh thu, chi phí đầy đủ.

Bổ sung, Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đề xuất Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc thuê/mua các nền tảng số, phần mềm kế toán, để cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng việc sử dụng các nền tảng số, phần mềm cho các hộ kinh doanh cá thể để có thể thực hiện kết nối liên thông, kê khai việc nộp thuế.

Hộ kinh doanh sẽ phải làm quen với việc xuất hoá đơn sau mỗi đơn hàng. Ảnh: Lê Vũ

“Để chuẩn bị cho việc kê khai nộp thuế không áp dụng hình thức khoán tôi đề nghị cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và đề nghị lui thời gian thực hiện sau ngày 1-7-2026”, ông Hải nói.

Với các hộ/cá nhân kinh doanh, ông Đỗ Duy Thanh khuyến nghị tham khảo các lộ trình chuyển đổi từ 6 đến 12 tháng, kết hợp với chương trình tập huấn pháp lý, tài chính cơ bản. Đồng thời, cần sớm tích hợp hệ thống POS, hóa đơn, thuế, báo cáo trên nền tảng số. Theo đó, chi phí đầu tư gồm: hệ thống POS với mức phí khoảng 2,4-3,6 triệu đồng/năm; vài triệu đồng cho thiết bị cơ bản - thấp hơn nhiều so với chi phí mặt bằng, nguyên vật liệu, nhân sự hàng tháng, quý.

Quan trọng hơn, vị này cho rằng mỗi hộ/cá nhân kinh doanh cần thay đổi cách quản lý, điều hành trong quá trình chuyển đổi.

“Phần mềm đó có giúp người chủ biết cửa hàng đang ở trạng thái lãi hay lỗ, món nào đang âm vốn, khung giờ nào nên giảm nhân sự, hoặc khách hàng nào nên gọi lại không? Nếu không trả lời được những câu hỏi đó, thì phần mềm chỉ là chi phí, không phải công cụ”, ông Thanh nhấn mạnh.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới