Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để lụa Việt Nam mượt mà, tươi mới

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lụa Việt Nam được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng sử dụng, bởi chất liệu thân thiện với môi trường, được làm thủ công và chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo, thẩm mỹ tinh tế. Tuy nhiên chỉ có thế mạnh “truyền thống” thôi vẫn chưa đủ.

Lụa Bảo Lộc kết hợp với thổ cẩm K’ho trong một số mẫu trang phục của nhà thiết kế Minh Hạnh.Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Ông Fei Jianming, Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới, nhận xét: “Trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng ngàn năm tuổi”. Nhưng người làm lụa ở Việt Nam không thể ảo tưởng về danh tiếng truyền thống mà cần có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế và nhất là tư duy cởi mở mà liên tục đổi mới để tồn tại và phát triển.

Nối kết

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ý, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh và Vietnam Silk House tổ chức chương trình “Hành trình kết nối di sản” để đưa lụa và thời trang Việt Nam đến với những nhà thời trang hàng đầu của Ý và đông đảo công chúng. Chương trình đã giới thiệu cho các đại diện ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp, các chuyên gia về sản xuất nông nghiệp bền vững, giới báo chí Ý không chỉ những sản phẩm của ngành dâu tằm tơ, mà cả lịch sử, văn hóa và kỹ thuật sản xuất lụa tơ tằm của Việt Nam.

Làm nên thành công của sự kiện này, ngoài nhà thiết kế Minh Hạnh còn có một cái tên nổi bật, đó là Huỳnh Tấn Phước, Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietnam Silk House. Với hơn 35 năm gắn bó với nghề, ông Huỳnh Tấn Phước đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo và dày công đầu tư sản xuất ra sản phẩm tơ chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Nhiều năm qua, ông Phước cùng các cộng sự còn có những cuộc hành trình đến nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Nga, Ý, Pháp, San Marino tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn thời trang để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc gắn với văn hóa và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Chạm tới lụa là chạm tới chất liệu khó, là một thử thách cho các nhà thiết kế bởi đem lại cái nhìn mới về lụa mà vẫn giữ được tinh thần của nó là điều không dễ. Thông qua họ, lụa tràn năng lượng. Lụa sẽ đến gần hơn với tất cả mọi người và với nhiều chủng loại trang phục khác nhau.

Để lụa Bảo Lộc đạt đến độ tinh xảo và có những giá trị độc đáo mang bản sắc riêng, ông Phước và các cộng sự đã đi nhiều nơi tìm kiếm các làng nghề để cộng tác. Cuối cùng, ông đã chọn làng dệt đũi Nam Cao (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Ông Phước đã lựa chọn những loại kén tằm tốt nhất ở Bảo Lộc mang ra làng dệt đũi Nam Cao trao tận tay để các nghệ nhân lành nghề ở đây kéo sợi thủ công. Có được những sợi tơ kéo thủ công ấy, ông lại mang trở về Bảo Lộc, sử dụng máy móc công nghệ hiện đại kết hợp các họa tiết, hoa văn tạo ra các sản phẩm lụa, vải đũi tơ tằm thành phẩm độc đáo, chất lượng tốt. Sự nối kết giữa các nghệ nhân làng dệt đũi Nam Cao và Công ty Tơ tằm Nhật Minh đang mở ra hướng đi mới đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam nói chung, Bảo Lộc nói riêng chinh phục thị trường thế giới.

Ngoài việc kết hợp với làng đũi Nam Cao, ông Huỳnh Tấn Phước cũng đang phối hợp với các nghệ nhân dệt người Mạ, K’Ho ở tỉnh Lâm Đồng để đưa tơ lụa vào các trang phục thổ cẩm. Bằng cách này, ông đã gắn kết được tơ lụa Bảo Lộc với thổ cẩm, với những giá trị văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số. Để nâng cao giá trị của con tằm, ông cũng đang hợp tác với các đối tác tại Hàn Quốc để xuất khẩu sản phẩm tằm chín sấy khô sang thị trường nước này chế biến các loại thực phẩm chức năng có giá trị cho sức khỏe; phối hợp cùng các đối tác Đài Loan nghiên cứu, chế biến các sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa... và phục vụ nghiên cứu y học từ chính con tằm, sợi tơ ở Bảo Lộc.

Nhắc chuyện nối kết để tạo ra những sản phẩm độc đáo trong ngành tơ lụa Việt Nam thì cũng phải nhắc đến ông Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty TNHH lụa tơ tằm Toàn Thịnh.

Sau 25 năm lăn lộn trong nghề, ông đã tìm được hướng đi riêng cho mình. Đó là dệt văn hóa Việt trên từng tấm lụa. Câu chuyện được minh họa sinh động bằng việc lụa của công ty ông được nhà thiết kế Minh Hạnh chọn để may áo cho các nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị ASEM 5 (2004) và APEC (2006).

Trước ASEM 5, nhà thiết kế Minh Hạnh có ý tưởng dệt họa tiết lưỡng long triều nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng), một di sản về hội họa và kiến trúc của triều Nguyễn, trên lụa tơ tằm rồi may áo cho các nguyên thủ quốc gia dự hội nghị. Tại thời điểm đó, kỹ thuật dệt hoa văn chỉ đạt bề ngang tối đa là... 6 cen ti mét. Thế nên trên một tấm lụa chỉ có thể dệt được một nửa hình con rồng. Ông đã cùng nhân viên nghĩ ra cách lắp ráp hai đầu máy dệt lại với nhau rồi canh sợi, bố cục để làm sao cho ra tấm vải có hình con rồng hoàn thiện với 36.000 sợi tơ.

Vượt qua 20 bản mẫu trang phục, mẫu áo của họ đã chính thức được Chính phủ lựa chọn. Đến Hội nghị APEC năm 2006, thêm một lần nữa Minh Hạnh bắt tay cùng Hồ Viết Lý để may trang phục cho nguyên thủ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Xanh

Nói đến lĩnh vực nhuộm vải từ màu thực vật, không thể không nhắc đến Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Lĩnh hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo của khoa Công nghệ may và thời trang, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Hai mươi bảy năm qua, bà Lĩnh luôn cần mẫn và say mê nghiên cứu chế biến thuốc nhuộm từ màu thực vật. Năm 2006, sau 10 năm miệt mài nghiên cứu, bà Lĩnh đã tự tin công bố làm chủ hoàn toàn được kỹ thuật chế biến màu từ các loài thực vật có sẵn trong tự nhiên để làm thuốc nhuộm vải tơ tằm, lanh, bông.

Bà đã phát triển được thành công nghệ, vừa tách dịch màu, vừa nhuộm vải trên thiết bị công nghiệp với số lượng lớn. Bà Lĩnh cho biết lá trà già, hạt lương nho (hạt cà ri), lá hồng xiêm và lá bàng là những nguồn nguyên liệu dồi dào nhất, có thể được sử dụng trong sản xuất với quy mô lớn. Mỗi loại có thể tạo ra 5 gam màu khác nhau, từ đậm tới nhạt. Còn nếu phối các gam màu của các loại lá này với nhau thì sẽ tạo ra nhiều gam màu độc đáo hơn nữa.

Kết quả nghiên cứu và thử nghiệm cũng khẳng định các màu tự nhiên này đặc biệt thích hợp với vải tơ tằm. Một phát hiện thú vị nữa trong quá trình nghiên cứu là lá trà có khả năng kháng nhàu cho lụa tơ tằm trong khi lá bàng và bạch đàn làm tăng khả năng kháng khuẩn cho sản phẩm.

Bà Lĩnh đã chuyển giao kỹ thuật cho Công ty cổ phần lụa Nha Xá (thôn Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Nhuộm vải bằng thuốc nhuộm chế biến từ thực vật, màu sẽ không rực rỡ như nhuộm bằng thuốc nhuộm hóa học. Nhưng bù lại, sản phẩm dùng đến nát vẫn không bạc màu.

Thay đổi tư duy thiết kế

Hai nhà thiết kế trẻ Dung Mai và Lê Bảo của thương hiệu trang nữ Été Project đã thử nghiệm qua nhiều chất liệu khác nhau như linen, tafta... rồi cuối cùng nhận ra lụa chính là chất liệu mang lại nhiều xúc cảm nhất có thể truyền tải tính cách, câu chuyện thương hiệu của mình. Nhưng để “chiều chuộng” một chất liệu khó như lụa không hề dễ dàng, vì không chỉ đòi hỏi những thiết kế tương xứng, mà còn cần đảm bảo kỹ thuật may chuyên nghiệp, mới có thể tạo ra một trang phục hoàn hảo.

Nhà thiết kế Hoàng Kiều Lai của thương hiệu Genviet Jeans lại kết hợp lụa với jean. Nếu như lụa là chất liệu được đánh giá cao cấp thì jean là chất liệu gần gũi với cuộc sống. Có không ít người nghi ngại việc hai chất liệu này khó kết hợp với nhau. Song thực tế ngược lại, sự mềm mại của lụa Bảo Lộc kết hợp với sự cứng cáp, mạnh mẽ trong chất liệu jean đã tạo nên sự tương phản tuyệt vời, làm nên dấu ấn đặc biệt cho sản phẩm.

Nhà thiết kế Minh Hạnh nói: Chạm tới lụa là chạm tới chất liệu khó, là một thử thách cho các nhà thiết kế bởi đem lại cái nhìn mới về lụa mà vẫn giữ được tinh thần của nó là điều không dễ. Nhưng các nhà thiết kế trẻ đã thể hiện được tình yêu, cảm xúc và sự sáng tạo trên tinh thần của lụa. Thông qua họ, lụa tràn năng lượng. Lụa sẽ đến gần hơn với tất cả mọi người và với nhiều chủng loại trang phục khác nhau.

Lụa từ lâu đã được tôn xưng là loại vải của người giàu. Những đặc tính khiến lụa trở thành mặt hàng đáng mơ ước là rất mềm mại, ấm khi trời lạnh và mát khi trời nóng, nước vải sáng bóng, và khả năng bám màu nhuộm vô cùng đẹp mắt. Và nay, lụa Việt Nam cũng đã tích hợp nhiều hàm lượng văn hóa, bắt kịp cuộc cách mạng thời trang xanh, nền kinh tế tuần hoàn.

 

Mặc dù hiện nay, tơ lụa chiếm một tỷ lệ nhỏ trên thị trường dệt may toàn cầu (dưới 0,2%), nhưng các cơ sở sản xuất của nó lại trải rộng trên 60 quốc gia trên thế giới, trong đó các nhà sản xuất chính ở châu Á với hơn 90% sản lượng tơ lụa. Các hoạt động trồng dâu nuôi tằm sử dụng nhiều lao động. Trong lĩnh vực dâu tằm tơ, khoảng 10 triệu lao động đang làm việc ở Trung Quốc; 7,9 triệu người ở Ấn Độ…

Ở Việt Nam, có 38.076 hộ nông dân với hơn 101.705 người làm nghề trồng dâu nuôi tằm tại 35 tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam. Nếu tính theo lao động, chiếm tỷ lệ 0,24% tổng lao động nông nghiệp. Nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản.

Tính đến năm 2021, cả nước có 13.166 héc ta dâu; sản lượng kén tươi sản xuất được 16.456 tấn, xuất khẩu 1.067 tấn tơ tằm với tổng giá trị xuất khẩu đạt 72,7 triệu đô la Mỹ và là nước xuất khẩu tơ đứng thứ tư trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới